Ế ẩm và đổi chủ là nguyên nhân chính
Trong những năm qua, thị trường ô tô Việt Nam du nhập thêm một số hãng xe đáng chú ý, trải từ phân khúc bình dân như MG đến siêu xe Ferrari. Bên cạnh “người đến”, “kẻ ra đi” cũng không ít.
Các hãng xe rút khỏi Việt Nam đa phần do doanh số ảm đạm, một số chịu tình hình chung của khu vực, toàn cầu hay những biến động về quyền phân phối.
Infiniti
Mới đây, đại diện Infiniti ra thông báo về việc hãng này ngừng bán xe mới tại Việt Nam nhưng vẫn duy trì hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa đối với những xe đã bán ra. Như vậy, có thể xem là Infiniti đã rút 1 chân khỏi thị trường Việt Nam. Nếu không tìm được nhà phân phối mới, hãng xe sang Nhật gần như sẽ trở thành dĩ vãng tại Việt Nam. Với việc rút khỏi 13 thị trường tại châu Âu và doanh số giảm liên tục tại Mỹ, Trung Quốc, khả năng Infiniti biến mất khỏi Việt Nam là rất cao.
Những chiếc Infiniti đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào giữa thập niên 2000, gồm FX35 (tiền thân của QX70) và mẫu SUV cỡ lớn QX56 (sau được đổi thành QX80). Trong bối cảnh không có nhiều thương hiệu xe sang tại Việt Nam khi đó, 2 mẫu xe của Infiniti đã tạo được các dấu ấn riêng. Nếu FX35 có kiểu dáng mềm mại, quyến rũ đi trước thời đại thì QX56 có kích thước lớn đi kèm phần đầu “trán to” đặc trưng.
Từng là biểu tượng của Infiniti tại Việt Nam, QX80 (tiền thân là QX56) dần mất sức hút vì mức giá cao nhưng trang bị không tương xứng.
Từ năm 2014, Infiniti được phân phối chính hãng tại Việt Nam với 2 dòng xe đầu tiên là QX70 và QX80. Cuối năm 2014, hãng này bổ sung thêm QX60 và mãi đến cuối năm 2019, QX50 xuất hiện. Đây cũng là dòng xe cuối cùng được Infiniti mang về Việt Nam. Như vậy, Infiniti chỉ mang về đúng 4 mẫu xe trong suốt 7 năm có mặt tại Việt Nam – con số quá ít nếu so với các thương hiệu hạng sang khác.
Với mức giá dao động 2,45-7 tỷ đồng, các mẫu xe của Infiniti đều thuộc hàng đắt nhất ở từng phân khúc. Kiểu dáng chưa thật sự ấn tượng, nội thất cũ kỹ là những yếu tố khiến Infiniti chưa đạt đến tầm “hạng sang” đối với khách hàng Việt.
UAZ
Xuất hiện tại Việt Nam tại triển lãm VIMS 2016, UAZ chính thức được phân phối từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu thương hiệu của Nga có mặt tại Việt Nam. UAZ từng là thương hiệu khá thông dụng tại Việt Nam ở thập niên 1970.
Là mẫu xe mới, UAZ có thiết kế khá cũ kỹ theo phong cách thập niên 1970. Ảnh: UAZ Việt Nam.
UAZ được mang về Việt Nam sau khi Nghị định thư giữa Việt Nam và Nga được ký kết, cho phép các mẫu xe Nga nhập vào thị trường Việt Nam với thuế suất ưu đãi 0% từ tháng 10/2016. Tuy nhiên, sau khi UAZ được phân phối chính thức vào đầu tháng 7, mức thuế ưu đãi vẫn chưa được áp dụng. Do đó, mức giá của các xe UAZ bị đẩy lên khá cao.
Đơn cử là mẫu UAZ Hunter có giá quy đổi khoảng 141 triệu đồng tại Nga và lên đến 390 triệu đồng tại Việt Nam nếu được áp mức ưu đãi thuế. Thực tế, mẫu xe này được bán với giá 495 triệu đồng – đắt hơn giá dự kiến đến 100 triệu đồng. Đây là một trong hai nguyên nhân khiến UAZ trở nên ế ẩm.
Nội thất của UAZ Hunter – mẫu xe có giá gần 500 triệu đồng. Ảnh: UAZ Việt Nam.
Với mức giá thực tế từ 495 triệu đến 686 triệu đồng, UAZ lại có thiết kế cũ kỹ, trang bị nghèo nàn, tính năng lỗi thời. Khách hàng Việt đa phần ưa chuộng các mẫu xe có thiết kế đẹp, hầm hố hay ít nhất là phải mới mẻ. Từ xe bình dân cho đến xe sang đều phải tuân thủ nguyên tắc này. UAZ không có yếu tố được xem là quyết định này và phải rút khỏi Việt Nam sau 2 năm.
Fiat
Là thương hiệu khá xa lạ nhưng Fiat có mặt tại Việt Nam từ khá sớm – năm 1995 với liên doanh Mekong Auto và Fiat Spa. Những mẫu xe đầu tiên của Fiat tại Việt Nam là xe lắp ráp với các cái tên như Siena, Doblo và Albea.
Năm 2009, Mekong Auto mở rộng dòng sản phẩm với dòng xe nhập khẩu Fiat 500 có giá bán từ 750-850 triệu đồng. Vốn là mẫu xe “bé hạt tiêu” giá bình dân tại châu Âu, Fiat 500 không còn “bình dân” khi về Việt Nam.
Chiếc Fiat 500 hiếm hoi tại Việt Nam. Ảnh: Lee Hoàng.
Từ năm 2012, Fiat dần rút khỏi Việt Nam khi không còn xuất hiện trong bảng thống kê doanh số của VAMA. Nguyên nhân chính đến từ việc các mẫu xe của Fiat dần không còn phù hợp với khách hàng Việt khi Fiat 500 có thiết kế đẹp nhưng giá đắt trong khi các mẫu xe còn lại có ngoại hình khá nhàm chán.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự ra đi của Fiat là việc Mekong Auto đẩy giá phụ tùng lên cao để bù lỗ cho hoạt động kinh doanh xe mới. Các chủ xe của Fiat khá khó khăn trong việc tìm kiếm hay sửa chữa xe ở các garage tư nhân – việc tương đối dễ dàng với các thương hiệu khác.
Chevrolet
Trước Infiniti, Chevrolet là thương hiệu mới nhất rút khỏi Việt Nam. Đây cũng là sự ra đi gây tiếc nuối nhiều nhất vì đơn giản, thương hiệu này gần gũi với thị trường Việt Nam hơn những cái tên còn lại trong danh sách này.
Những chiếc Trailblazer và Colorado cuối cùng của Chevrolet đã được bán ra hồi đầu năm nay, chấm dứt thời gian phân phối chính hãng của thương hiệu xe Mỹ. Có thể nói, Chevrolet có số phận khá giống với Infiniti khi bị ảnh hưởng từ việc “tái cấu trúc” công ty. Tháng 2/2020, General Motors tuyên bố đóng cửa nhà máy lắp ráp Chevrolet tại Thái Lan.
Từ năm 2018, Chevrolet chỉ còn bán 2 dòng xe nhập khẩu tại Việt Nam là Colorado và Trailblazer.
Trước đó, tương lai của Chevrolet tại Việt Nam đã trở nên mịt mờ từ năm 2018 khi GM Việt Nam đã nhượng lại nhà máy lắp ráp, chuyển giao hoạt động nhập khẩu và phân phối sản phẩm cho VinFast. Từ đó, Chevrolet chỉ còn 2 mẫu xe tại Việt Nam là Colorado và Trailblazer, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Chevrolet với tiền thân là GM Daewoo, đã có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 2000. Từ năm 2006, hãng chính thức đổi sang Chevrolet với mẫu “SUV quốc dân” khi đó là Captiva. Sau đó, hãng xe Mỹ dần có đủ các dòng xe tại Việt Nam như xe cỡ nhỏ, sedan, SUV, bán tải. Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của GM nói chung và Chevrolet nói riêng ảm đạm trên toàn cầu và hãng đã dần rút khỏi châu Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ…
Nguồn : Source link