Xe độc, hàng hiếm thì ai cũng thích nhưng đây là lý do khiến các hãng xe phải lo sợ
Chia sẻ với Wards Auto, chuyên gia Doug Betts tới từ J.D.Powers khẳng định nền công nghiệp ô tô toàn cầu đang thực sự bị cuốn vào một vòng xoáy mang tên “xe độc”.
Theo số liệu tổng hợp của năm 2019, 13,6 triệu xe đã được giao tới tay khách hàng qua diện bán lẻ trong khoảng thời gian này. Bỏ qua màu ngoại thất, số xe trên có… hơn 600.000 cấu hình tùy biến không đụng hàng tương đương cứ 22 xe bán ra lại có một xe thuộc diện “độc”, một tỉ lệ khủng khiếp cả về độ đa dạng lẫn sự phức tạp trong lắp ráp.
Betts cho biết dù ông định nghĩa “độc” khá hào phóng (không quá 50 xe có cấu hình tương đồng được sản xuất trên toàn cầu), xe dạng này vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn không hề nhẹ với các hãng xe khi phần lớn trong số chúng (trừ chủ xe đặt hàng phiên bản gốc) đều khó tìm chủ dẫn tới việc trở thành hàng tồn khá lâu tại đại lý và về lâu dài không hề mang lại lợi ích so với chi phí bỏ ra ban đầu.
Nếu trừ đi phí lót tay cho đại lý, phí kho bãi và chi phí phát sinh khi chế tạo, lợi nhuận thực tế của các mẫu xe sở hữu tùy chọn độc đáo không hề cao. Một nguyên nhân khiến chúng kén khách là người đặt hàng ban đầu đã tùy biến “tận răng” xe khiến nhiều chi tiết không hợp gu với người dùng phổ thông và do đó trở thành hàng tồn khó đẩy đi trừ khi được hạ giá.
Trong thời gian qua, một số hãng xe chẳng hạn như Honda đã cố gắng thu gọn catalog của mình, giới hạn các lựa chọn của khách hàng trong tùy biến xe về mức cơ bản nhất có thể. Dù có thể làm phật lòng một số nhóm khách hàng nhất định, động thái như vậy sẽ giúp hãng đơn giản hóa dây chuyền chế tạo đi rất nhiều và nhờ thế đẩy nhanh tốc độ sản xuất cũng như hạ thấp chi phí.
Tham khảo: Wards Auto
Nguồn : Source link