‘Anh tài’ ở Việt Nam cũng phải ngậm đắng nuốt cay
Toyota đã hơn 80 tuổi và kể từ khi thành lập vào năm 1937. Nhà sản xuất ô tô này đã tạo dựng được uy tín mạnh mẽ về độ tin cậy và sự xuất sắc trong những tác phẩm xe hơi nói chung. Bạn nghĩ tại sao nhiều người lại mua xe Toyota Camry đến vậy? Chạy bền và phù hợp với cuộc sống hàng ngày – gần như hoàn hảo.
Điều đó có nghĩa là mọi xe Toyota đều tuyệt vời? Không hẳn. Để chứng minh điều đó, dưới đây là danh sách những chiếc xe Toyota thất bại nổi tiếng nhất mọi thời đại từng được sản xuất.
Toyopet Crown 1958
Bạn có biết đây chính là chiếc xe Toyota đầu tiên được bán ra ở Mỹ. Toyopet Crown 1958 là một phép màu kỳ lạ khi nó còn có thể xuất hiện tới đời thứ hai. Được thiết kế cho những con đường ở Nhật Bản nơi tốc độ tối đa trung bình là khoảng 65km/h, Toyopet chưa bao giờ được thử nghiệm ở Mỹ và nó cũng tỏ ra không đủ điều kiện để chạy trên đường Mỹ.
Thân máy bằng thép nặng (một nỗ lực chống lại quan điểm của người Mỹ thời đó là “Made in Japan” có nghĩa là “thứ rẻ tiền”) đã áp đảo hoàn toàn động cơ 60 mã lực, khiến cho chiếc xe tăng tốc 0-60 mph (0-96 km/h) mất tới 25,9 giây. Nó quá nóng trên những ngọn đồi, rung chuyển như một con chihuahua đáng sợ trên đường cao tốc, và hệ thống phanh của nó cũng thật khó mà khen tặng.
Doanh số bán tại Mỹ khủng khiếp đến mức Toyota đã ngừng cố gắng vào năm 1961. Rất may, Toyota Land Cruiser xuất hiện đã chứng minh rằng Toyota hoàn toàn có thể chế tạo ra một chiếc xe vượt qua được sự khắc nghiệt của thị trường Mỹ.
Toyota Van 1984-1989
Khi những chiếc minivan Dodge Caravan 1984 và Plymouth Voyager xuất hiện vào cuối năm 1983, chúng trở thành những thứ phương tiện 4 bánh hot nhất thời bấy giờ. Điều mà ít người để ý là cũng năm đó, Toyota đã bán ra thị trường chiếc xe van của riêng mình. Nhưng thay vì thành công, nó thất bại đau đớn.
Toyota đã học được một bài học khó khăn rằng chỉ chất lượng thôi là chưa đủ để bán xe cho người Mỹ. Chiếc Toyota Van có hình dáng kỳ lạ và không có gì khác biệt chiếc xe chở hàng của thị trường Nhật Bản. Nó có chiều dài cơ sở ngắn, cảm giác lái kỳ lạ và hướng xử lý khi cua góc khó hiểu.
Động cơ gắn dưới sàn được chế tạo một cách vụng về. Và để đặt động cơ như vậy, đòi hỏi phải loại bỏ phần lớn nội thất. Mặc dù xe Toyota Van có một số tính năng tiện lợi, như tủ lạnh và cửa sổ trời toàn cảnh, nhưng nó không đủ để khắc phục nhiều nhược điểm của nó. Những chiếc xe van nhà Chrysler đã “đá” bay Toyota Van, buộc nhà sản xuất phải thay bằng cái tên mới vào năm 1991. Tuy nhiên, ngay cả chiếc xe đó cũng không gây được tiếng vang gì.
Toyota Previa 1991
Kẻ kế nhiệm ấy chính là chiếc xe Toyota Previa 1991, có nội thất và cảm giác giống xe hơi hơn, điều mà Van thiếu.
Song kiểu dáng quả trứng lăn đã gây tranh cãi không kém gì kiểu dáng xe-van-sống-trên-cung-trăng của “người tiền nhiệm”. Một vấn đề thậm chí còn lớn hơn là Toyota khăng khăng giữ bố trí động cơ đặt giữa.
Vấn đề không phải là chuyện bảo trì, mà là kích thước của khoang máy. Trong khi những chiếc minivan nội địa cung cấp động cơ V6 đáng chú ý, Previa chỉ có chỗ cho 4 xy-lanh cáng đáng gần 2 tấn trọng lượng. Toyota đã thử thêm một bộ siêu nạp, làm cho nó nhanh hơn nhưng cũng ồn ào hơn và đẩy giá Previa lên cao.
Điểm an toàn tệ hại càng khiến Previa mất điểm. Toyota cuối cùng đã thay thế nó bằng Sienna đầy tính cạnh tranh vào năm 1998. Ngày nay, Previa sống trong ký ức của ngành công nghiệp như một sự kỳ quặc kỳ lạ.
Nhưng đó là với người Mỹ. Với người Việt, chiếc xe Toyota Previa lại không quá tệ, thậm chí còn là một tên tuổi khá hot. Đôi khi, sự thất bại của một sản phẩm còn tùy thuộc vào khẩu vị nữa.
Toyota Paseo 1992
Với người Mỹ, Toyota Paseo bị đánh giá là chiếc xe “trẻ con”. Có thể xem nó như chiếc Corolla phiên bản hai cửa thể thao. Với khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt và giá thấp, Toyota đã đưa nó cho giới trẻ bấy giờ là thế hệ X. Nhưng đáng ra họ nên bán thứ khác.
Kiểu dáng của Paseo khá là buồn ngủ so với các đối thủ như Mazda MX-3 hay Nissan Pulsar NX. Cảm giác lái bị ví von như ngồi trên “một chiếc xe bà già”. Doanh số bán hàng chậm trong ba năm đầu tiên rồi tụt xuống mức thảm thương. Cuối cùng Toyota đã phải khai tử nó vào năm 1997.
Toyota T100 1993-1999
Toyota sở hữu khá nhiều chiếc xe bán tải nhỏ gọn. Vì vậy, họ sẽ chẳng hề ngán bất cứ ai trong phân khúc ấy? Sai lầm!
Nỗ lực đầu tiên của Toyota, chiếc T100 ra đời năm 1993, tự hào với thùng xe 2,4m thoải mái, nhưng phần còn lại của nó không đủ lớn. Việc thiếu một cabin rộng rãi đã được Toyota giải quyết sau đó. Nhưng việc thiếu động cơ V8 cho thấy sự mất kết nối lớn với người mua xe bán tải ở Mỹ. Toyota đã thử “thổi” thêm cho động cơ V6, nhưng động cơ siêu nạp không giúp cho T100 hơn Previa là bao.
Toyota đã thay thế T100 bằng Tundra trang bị động cơ V8 vào năm 2000. Mẫu xe này bán chạy hơn, mặc dù không đặc biệt tốt. Ấy vậy nhưng không thiếu lời phàn nàn Tundra vẫn chưa đủ lớn!
Toyota Camry Solara 1999-2003
Nếu Paseo nhắm vào thế hệ X thì chiếc Camry Solara nhắm vào bậc cha mẹ thế hệ X. Và giống như Paseo, nó chẳng làm ăn được gì.
Dự định là một sự thay thế hấp dẫn hơn cho chiếc coupe Camry, Solara được cho là cung cấp một chuyến đi ly kỳ hơn. Tuy nhiên, trong một thử nghiệm năm 1999, khả năng xử lý của Solara thực sự tồi tệ hơn so với chiếc xe Camry.
Năm 2000, Toyota bắt đầu đưa Solara cho Công ty American Sunroof Company để chuyển thành convertible. Vấn đề duy nhất là việc chuyển đổi không bao gồm khung gầm được gia cố. Do đó, kết quả lại thành một mớ hỗn độn.
Solara thế hệ thứ hai xuất hiện vào năm 2003 gây ấn tượng hơn với phần mui trần. Nhưng kết quả mang lại chẳng hề khấm khá hơn. Dĩ nhiên, sau đó đã có kẻ thay thế nó.
Toyota Echo 2000-2005
Những chiếc xe nhập khẩu sang thị trường Mỹ của Toyota – Star Starlet, Tercel, Yaris – thường khá cơ bản. Nhưng Echo đã nâng cao sự kỳ thị thành một hình thức nghệ thuật.
Để giảm giá, các đặc tính tiêu chuẩn như hệ thống trợ lực tay lái, gương chỉnh điện, điều hòa không khí và đồng hồ đều nằm trong danh sách tùy chọn. Ngay cả cửa sổ điện cũng không phải tiêu chuẩn. Và nếu thêm tùy chọn, giá của Echo cũng lên cao như “vịt khoác áo thiên nga” vậy.
Nhưng giá cả không phải là vấn đề lớn nhất của Echo. Kiểu dáng cao mà hẹp, trông như đồ chơi mới là kẻ thù tồi tệ nhất của chiếc xe Toyota Echo. Nội thất cũng chẳng giúp ích được gì khi nó được làm từ vật liệu rẻ tiền và thiết kế thì không thuận tiện. Bù lại, động cơ mạnh mẽ, tiết kiệm nhiên liệu và khả năng xử lý đủ tốt. Nhưng người mua cũng chỉ duy trì sự quan tâm trong vài năm đầu tiên. Khi Scion ra đời năm 2004, người mua đã mất hết cả sự quan tâm ấy. Cuối cùng, Echo cũng chỉ “sống” đến năm 2005.
Toyota Prius 2001-2003
Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy Toyota Prius xuất hiện trong danh sách này. Chiếc xe Toyota Prius thế hệ thứ hai đã cách mạng hóa thị trường xe hơi. Tác động của nó rất lớn và thành công mạnh mẽ đến nỗi lịch sử dường như đã quên rằng Prius đời đầu, được bán từ năm 2001 đến 2003, là một kẻ thua cuộc.
Vốn được thiết kế cho thị trường Nhật Bản, Prius thế hệ đầu tiên cung cấp không gian cabin tương đương với một chiếc Corolla, quá nhỏ đối với hầu hết các gia đình Mỹ. Đấy là chưa kể sự tiết kiệm nhiên liệu cũng rất khiêm tốn: 5,2 lít/100km đường thành phố và 4,5 lít/100km đường cao tốc.
Với mức giá khởi điểm 19.995 USD, Prius có giá tương đương một chiếc xe cỡ trung đẹp hơn, rộng rãi hơn thời bấy giờ và người mua khó có thể tạo ra sự khác biệt trong việc tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Toyota FJ Cruiser 2007-2014
Cũng như Prius, nhìn thấy cái tên này, hẳn nhiều người sẽ không thể nào tin nổi. Với nhiều người, FJ thật xuất sắc, mạnh mẽ cứng rắn với phong cách retro “soái ca” đã khiến nó trở thành một người thừa kế thời hiện đại thực sự FJ40 Land Cruiser. Nhưng với những người khác, nó chỉ là một chiếc SUV vụng về và tốn xăng. Thiết kế cửa sau bất tiện khiến việc trèo lên ngồi ghế sau quả là một công việc của… dân tập thể thao.
Doanh số đã tăng mạnh trong vài năm đầu tiên, nhưng đến giữa năm 2008, tất cả những ai muốn có một chiếc Toyota FJ Cruiser đã phát hiện ra rắc rối: Dường như chẳng có con đường nào ăn nhập với nó. Ít nhất là con đường của FJ đã kết thúc vào năm 2014 tại nước Mỹ. Nhưng nó vẫn sống tốt ở thị trường khác. Chẳng hạn ở Việt Nam, Toyota FJ Cruiser thực sự là một huyền thoại.
Lexus HS250h 2009-2012
Vào giữa những năm 2000, Prius thế hệ thứ hai là chiếc xe nóng bỏng nhất của Toyota trên thị trường. Và Toyota đã chú ý đến sự phổ biến của nó với những người mua giàu có. Nghiên cứu người tiêu dùng cho thấy có sự quan tâm mạnh mẽ đối với một chiếc xe hybrid sang trọng. Vì vậy, thay vì chỉ làm lại chiếc Prius, Toyota đã phát triển một thứ độc đáo cho Lexus. HS250h là một hit tại Nhật Bản, và Lexus vui vẻ giới thiệu nó ở Mỹ… đúng lúc giá nhiên liệu sụp đổ.
Sự thật mà nói, giá xăng rẻ đã giúp HS250h, vì khả năng tiết kiệm nhiên liệu của nó khá tệ. Động cơ đáng buồn và phong cách có một chút quá vụng về. Nó có một nội thất đủ đẹp, nhưng mọi chiếc Lexus khác cũng vậy. Doanh số đã gây thất vọng trong năm đầu tiên và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Đến đầu năm 2012, Lexus đã ngừng sản xuất.
Toyota Venza 2009
Venza không phải là một chiếc xe tồi. Nó chỉ là tệ dần theo thời gian. Với kế hoạch được thực hiện trong khi giá xăng đang ở đỉnh điểm và “SUV” là một từ không sạch, Toyota đã cố gắng tiếp thị Venza như là một chiếc sedan.
Venza được thiết kế dành cho giới trẻ lứa “tổ ấm trống trải” (tình trạng buồn bã và đơn độc khi cha mẹ chia tay những đứa con trưởng thành, rời khỏi gia đình, hoặc để có đời sống riêng, kết hôn, hoặc rời gia đình để lập nghiệp hoặc đi học xa). Họ là những người lớn lên cùng tình yêu với SUV, những tính năng thân thiện với các bậc phụ huynh không khiến họ hứng thú.
Doanh số chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng 75.000-100.000 chiếc xe bán ra của Toyota. Venza đã bị tiêu diệt sau năm 2015. Người ta tự hỏi liệu Toyota có phải đi theo con đường của Ford Edge. Hãy thử xem, bởi Venza sẽ trở lại dưới dạng hybrid SUV cho năm 2021. Hãy hy vọng nó sẽ tốt hơn.
Scion IQ 2012
Scion iQ là nỗ lực của Toyota để cạnh tranh với Smart, hãng đã bán hàng chục nghìn chiếc ForTwos tại Mỹ. Hàng chục nghìn chiếc? Smart ForTwo là một chiếc xe khá khó chịu và iQ đã cải thiện nhiều thuộc tính tồi tệ nhất của nó. Nó có hệ truyền động mượt mà hơn, không gian rộng rãi hơn (có thể chứa ba người nếu một người đủ nhỏ) và tất nhiên, chất lượng sản xuất nói chung tốt hơn nhiều.
Nhưng nó vẫn là một chiếc xe hoàn toàn vô dụng đối với người Mỹ. Dễ đỗ không phải là điều quan trọng với họ bằng nỗi sợ hãi khi bị một chiếc xe bán tải khổng lồ chạy qua.
Có lẽ chúng ta có thể tha thứ cho chiếc xe hơi nửa vời này nếu nó cũng chỉ có giá bằng một nửa. Nhưng không. Scion iQ có giá tương đương một chiếc Toyota Corolla độc đáo. Điều đáng nói là, chiếc xe tai tiếng nhất nhà Aston Martin, Cygnet, lại học hỏi từ iQ. Và cũng như “người” mà nó kế thừa, Cygnet đơn giản chỉ là một thứ đắt đỏ, nên nó đã nhanh chóng bị khai tử.
Lượng tiêu thụ năm đầu tiên của iQ chưa đến 9.000 chiếc, giảm 50% mỗi năm cho đến khi Scion từ bỏ thử nghiệm vào năm 2015. Automobile Magazine nhận định: Mang nó đến Mỹ là một ý tưởng vô cùng ngốc nghếch.
Nguồn : Source link