Kỹ Thuật & Công Nghệ

Xử phạt vi phạm giao thông tại các quốc gia có gì khác biệt?


Xử phạt vi phạm giao thông tại các quốc gia có gì khác biệt? - Ảnh 1.

Việc sở hữu bằng lái và lái xe an toàn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cho dù vô tình hay cố ý, mọi lỗi sai phạm của người điều khiển giao thông đều sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí bị xếp vào khung phạt hình sự như tại Thái Lan chẳng hạn.

Tai nạn giao thông không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào

Tai nạn giao thông là một vấn nạn nhức nhối ở Thái Lan, nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ chín trên thế giới. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ đầu Năm mới 2020, tại Thái Lan đã xảy ra 2.529 vụ tai nạn giao thông đường bộ, cướp đi sinh mạng của 256 người và khiến 2.588 người bị thương, trong đó nguyên nhân gây tai nạn do tài xế điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu là chủ yếu.

Tại Mỹ, nơi mỗi năm người dân uống khoảng hơn 17 tỷ cốc rượu bia và nếu giả sử những cốc rượu bia lớn tương đương lon bia 330 ml thì lượng rượu bia người Mỹ tiêu thụ đủ nhấn chìm hai lần khu Kim Tự Tháp Giza của Ai Cập. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông tại nước này, với số ca tử vong lên tới hơn 10.000 mỗi năm. Hơn 1,8 triệu người Mỹ bị bắt mỗi năm vì lái xe khi say rượu.

Còn tại châu Âu, số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Detatis) cho thấy, có 4,4% số vụ tai nạn giao thông ở Đức liên quan đến rượu bia. Hai phần ba số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia xảy ra ở khu vực nội đô, gần một phần ba xảy ra ở các đường liên vùng và chỉ một tỷ lệ nhỏ xảy ra trên các đường cao tốc liên bang – nơi phần lớn không hạn chế tốc độ. Tính trung bình, có 17 người chết và 340 người bị thương nặng do liên quan đến rượu bia trong 1.000 vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Đức. Vốn được biết đến là quốc gia có truyền thống ủ bia hàng trăm nay, vậy nên ở mọi độ tuổi ở Đức tiêu thụ trung bình khoảng 13 lít cồn, đưa nước này vào nhóm những quốc gia tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới. Đặc biệt mỗi người tại đây tiêu thụ lên tới gần 100 lít bia mỗi năm.

Nam Phi có thể coi là một trong những nước có số người tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất “Lục địa đen”. Trong số hơn 10.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Nam Phi, hơn một nửa trong số này là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của hành vi lái xe sử dụng rượu bia. Theo một cuộc khảo sát được hãng thông tấn CNN thực hiện hồi đầu năm nay, Nam Phi đứng đầu thế giới về tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với 58% vụ tai nạn giao thông tại nước này có liên quan đến rượu bia

Có thể thấy tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn xảy ra khá phổ biến, buộc Chính phủ các nước phải áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết, mạnh tay kết hợp với tuyên truyền, vận động tích cực để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, từ đó phòng chống vấn nạn vốn đe dọa tới sự an toàn và tính mạng của người dân này.

Xử phạt vi phạm giao thông tại các quốc gia có gì khác biệt? - Ảnh 2.

Thái Lan phạt nặng những tài xế vi phạm giao thông. Ảnh: NationThailand

Phạt nặng để góp phần thay đổi ý thức

Phần lớn các nước đều coi việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia quá mức cho phép là một loại tội phạm với những chế tài xử phạt nặng để ngăn chặn. Tại nhiều nước, người đã uống rượu bia lái xe còn bị tước bằng lái vĩnh viễn hoặc thậm chí ngồi tù.

Quy định xử phạt lái xe sau khi uống rượu bia ở Đức rất nghiêm khắc. Người vi phạm không những bị phạt nặng về tiền mà còn bị thu bằng, ít thì 1 tháng, nhiều thì 5 năm, thậm chí suốt đời trong trường hợp số điểm lỗi đạt tới ngưỡng 8 điểm. Nhưng kể từ năm nay, Đức quy định nếu lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức 0,5 phần nghìn sẽ bị phạt tiền 500 Euro, bị 2 điểm lỗi và cấm lái xe 1 tháng; vi phạm lần hai và lần ba sẽ bị phạt từ 1.000 – 1500 Euro, 2 điểm lỗi và cấm lái xe 3 tháng. Các trường hợp có biểu hiện gây nguy hiểm khi lái xe, dù nồng độ chỉ từ mức 0,3 phần nghìn, cũng sẽ bị phạt tiền, thu bằng lái, bị 3 điểm lỗi và chịu các hình phạt khác tùy theo mức độ vi phạm.

Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật về cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng bia rượu, có hiệu lực từ năm 1872. Trung bình mỗi năm tại Anh có trên 85.000 lượt lái xe bị xử lý và truy tố vì vi phạm quy định về uống rượu lái xe. Chỉ cần bị kết luận lái xe hoặc tìm cách lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là người sử dụng và điều khiển phương tiện giao thông tại Anh có thể phải ngồi tù đến 6 tháng, bị phạt tiền lên đến 5.000 bảng, và bị treo bằng lái ít nhất 1 năm, hình phạt có thể tăng lên 3 năm nếu vi phạm hai lần trong vòng một thập kỷ. Những người bị nghi sử dụng bia rượu khi đang lái xe nhưng “ngoan cố” không chịu cung cấp mẫu thử nồng độ cồn trong máu, hơi thở và nước tiểu, cũng phải đối mặt với mức phạt nghiêm khắc giống như trên. Còn đối với các trường hợp gây tai nạn chết người do lái xe trong tình trạng say rượu, người vi phạm có thể phải chịu án tù lên đến khung cao nhất là 14 năm, bị phạt tiền không giới hạn và bị cấm lái xe trong vòng ít nhất 2 năm. Ngay cả khi muốn lái xe trở lại thì cũng phải vượt qua một kỳ thi cấp bằng đặc biệt dành cho những người đã có lý lịch “bất hảo” về uống rượu lái xe.

Chính phủ Singapore đã trình dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm tăng khung hình phạt đối với các trường hợp uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, trong đó đặc biệt là đề xuất cấm lái xe trọn đời và tăng gấp đôi thời gian ngồi tù đối với các trường hợp lái xe tái phạm do uống rượu bia. Hiện tại, những người bị kết án có thể phải ngồi tù tới 6 tháng hoặc bị phạt từ 1.000 đến 5.000 SGD, tương đương khoảng từ 17,2 triệu – 86 triệu đồng, cho lần vi phạm đầu tiên.

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi của Hàn Quốc, có hiệu lực từ giữa năm ngoái, đã siết chặt tiêu chuẩn giám sát hành vi uống rượu lái xe, theo đó nếu nồng độ cồn trong máu của tài xế trên 0,03% thì sẽ bị treo bằng lái, thay vì 0,05% như trước. Tiêu chí hủy bằng lái là nồng độ cồn trên 0,08%, thay vì 0,1%. Viện Kiểm sát Hàn Quốc cũng siết chặt tiêu chuẩn kết án trong các vụ tai nạn do tài xế uống rượu lái xe gây ra, nâng mức án phạt cao nhất lên thành tù chung thân. Nếu tài xế có nồng độ cồn trong máu trên 0,08% rồi lái xe đâm chết người, hoặc gây thương tích nặng thì Viện Kiểm sát sẽ tiến hành điều tra bắt giam. Đặc biệt, Viện Kiểm sát Hàn Quốc sẽ đệ trình tòa án nước này ban hành lệnh bắt giam đối với tất cả các trường hợp uống rượu lái xe đâm chết người rồi bỏ trốn. Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng tăng mức xử phạt các tài xế bị phát hiện uống rượu lái xe trên hai lần trong 10 năm.

Xử phạt vi phạm giao thông tại các quốc gia có gì khác biệt? - Ảnh 3.

Sử dụng điện thoại trong khi lái xe cũng là nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông

Xử phạt mạnh tay là chưa đủ

Bên cạnh việc tăng cường chế tài xử phạt, các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật, lan tỏa các thông điệp để tăng cường ý thức cho người dân, hạn chế việc sử dụng rượu bia hay có nhiều hình thức để người lái xe lựa chọn nếu muốn di chuyển khi đã uống rượu bia.

Tại Đức, sau khi chấp hành xong các án phạt hành chính và hình sự, người vi phạm quy định uống rượu lái xe còn phải chịu nhiều án phạt dân sự đánh vào các lợi ích kinh tế khác trong nhiều năm tiếp đó, như chịu mức mua bảo hiểm xe cao đáng kể so với mặt bằng chung, người làm nghề lái xe hoặc vận tải chuyên nghiệp sẽ bị lưu lý lịch vi phạm trong hồ sơ làm việc. Chưa kể họ phải gánh những chi phí như tiền phạt, tiền thuê luật sư bào chữa, tiền phí tòa án, tiền học và thi lại, thậm chí cả tiền thuê lái xe trong thời gian bị cấm…

Giới chức Anh thì chia sẻ thông tin vi phạm của những người này với một số quốc gia đồng minh thân cận khác như Mỹ, Australia… để ngăn chặn người vi phạm điều khiển phương tiện giao thông khi đến các nước đó. Các cơ quan chức năng tại Anh khuyến cáo người dân về nhà bằng các phương tiện khác nếu đã uống rượu bia, dù chỉ là một chút vì ảnh hưởng của cồn đối với mỗi người rất khác nhau và có những người chỉ cần “nhấp môi” cũng đã đủ vượt mức vi phạm. Thậm chí, ở Anh việc uống say nằm ngủ trong xe chờ tỉnh cũng bị nghiêm cấm tuyệt đối và bị xử lý không khác gì uống rượu lái xe.

Cái giá cho lái xe với tốc độ như trong “Fast and furiuos”

Không chỉ những hành vi vi phạm giao thông do sử dụng rượu bia mới bị xử phạt, ngay cả việc chạy quá tốc độ cũng khiến các tài xế dễ dàng nhận một vé phạt từ cảnh sát.

Ngày 10/5 vừa qua, cảnh sát Canada thông báo một thanh niên 19 tuổi ở nước này đã bị buộc tội lái xe quá tốc độ với vận tốc “không thể tin nổi”, trên đường cao tốc thuộc địa phận tỉnh bang Ontario

Trong một đoạn video đăng trên Twitter, Trung úy cảnh sát Kerry Schmidt cho biết tối 9/5, thanh niên trên đã chở bạn trên chiếc Mercedez của bố và phóng trên đường cao tốc Queen Elizabeth với vận tốc 308 km/h. Đây là tốc độ chỉ có trong các “bom tấn” hành động của Hollywood như serie “Fast and Furiuos” đình đám.

Nhà chức trách đã lập tức thu hồi bằng lái của thanh niên này. Chiếc ô tô cũng bị tạm giữ trong vòng 7 ngày. Cảnh sát khẳng định đây là bài học cho những ai có ý định lái xe với tốc độ kinh hoàng như vậy.

Theo tờ Gulfbusiness, A rập Xêút đã ban hành các hình phạt mới cứng rắn đối với các vi phạm giao thông bao gồm phạt tiền và phạt hình sự nếu gây nên tai nạn giao thông.

Người điều khiển xe ô tô sẽ bị thu phí tối đa 300 Riyal, (tức khoảng gần 80 USD) nếu không sử dụng đèn báo khi chuyển làn, lùi quá 20 m trên đường chính, lái xe không có giấy phép, bóp còi xe quá mức, xe không đăng kiểm đúng định kỳ, không thắt dây an toàn, không chừa khoảng cách vừa đủ giữa các phương tiện và gây ách tắc giao thông tại hiện trường vụ tai nạn.

Tài xế cũng có thể bị xử phạt vì các tội danh khác như xả rác, không tập trung lái xe, cầm bằng lái hết hạn và không sử dụng ghế trẻ em ở mức tối đa là 500 riyals, và tối đa 900 riyals vì dùng còi báo động chạy theo xe cấp cứu, vượt đèn đỏ, thay đổi màu xe khác với giấy đăng ký.

Nếu một người lái xe gây ra tai nạn khiến một người phải nhập viện trong 15 ngày, họ sẽ bị phạt tù ít nhất hai năm và phạt tiền lên tới 100.000 Riyal (tương đương 26.660 USD), hoặc cả hai hình phạt. Gây tai nạn dẫn đến tử vong hoặc khiến nạn nhân tàn tật suốt đời sẽ bị phạt tối đa bốn năm tù và phạt tiền lên tới 200.000 Riyal (tương đương 53.321 USD), hoặc cả hai hình phạt.

Hơn nữa, tài xế bị giữ xe và không đến nộp phạt để nhận lại xe trong vòng 90 ngày thì xe sẽ bị đem ra bán đấu giá.

Còn theo luật mới của Ireland được áp dụng từ khoảng một năm nay, các tài xế ở nước này sẽ phải giữ khoảng cách tối thiểu là 1 mét khi muốn vượt những người đi xe đạp trên đường với tốc độ dưới 5 km/giờ và giữ khoảng cách 1,5 m khi đi với tốc độ hơn 50 km/giờ. Những tài xế vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người đi xe đạp sẽ bị coi là phạm luật. Theo Bộ Giao thông Vận tải, các tài xế nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính 120 Euro và nhận 3 điểm phạt. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Ireland nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông gây chết người do ô tô đâm vào người đi xe đạp và chủ yếu nhằm vào những lái xe có hành vi vượt ẩu.

Cách đây hai tháng, Nội các Nhật Bản đã thông qua quy định chi tiết cho bộ luật giao thông sửa đổi của nước này, nhằm xử lí nghiêm hành vi điều khiển xe đạp không an toàn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến số lượng xe đạp sử dụng cho các dịch vụ giao hàng tận nhà đang ngày càng gia tăng.

Theo luật mới, nghiêm cấm các hành vi như cố ý bấm chuông xe đạp nhiều lần, hay chắn đường đi của các phương tiện khác. Người điều khiển xe đạp từ 14 tuổi trở lên sẽ buộc phải theo học một khóa huấn luyện về an toàn giao thông nếu phạm luật 2 lần trong vòng 3 năm. Nếu từ chối tham gia khóa huấn luyện này, người vi phạm có thể bị phạt với số tiền lên tới 50.000 Yen ( tức khoảng 460 USD). Trong khi đó, các cá nhân vi phạm quy định về điều khiển ô tô sẽ bị treo bằng lái ít nhất 2 năm. Việc cố ý cản trở các phương tiện khác đã được bổ sung vào danh sách các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông tại Nhật Bản, chẳng hạn như lái xe trong tình trạng say rượu và sử dụng điện thoại khi đang cầm lái.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngày càng có nhiều người dân đạp xe đi làm để tránh sử dụng các phương tiện công cộng, bên cạnh đó dịch vụ vận chuyển thực phẩm cũng trở nên phổ biến hơn do người dân hạn chế đi ăn tại các nhà hàng.

Vậy làm thế nào để quản lý được các tài xế trước khi họ trót gây ra tai nạn giao thông?

Hàn Quốc áp dụng bằng lái xe điện tử

Kể từ tháng 6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc và 3 tập đoàn viễn thông hàng đầu của nước này là SK Telecom, KT và LGU+ bắt đầu áp dụng “bằng lái xe điện tử”, cho phép xác định tư cách và thông tin cá nhân của lái xe thông qua ứng dụng PASS trên smartphone.

Theo đó, mỗi người dùng chỉ được đăng ký bằng lái xe di động trên một máy điện thoại thông minh đăng ký chính chủ. Trên giao diện chính chỉ hiển thị ảnh chứng minh thư sử dụng trên bằng lái xe và mã QR để xác nhận. Nhằm ngăn chặn hành vi chụp lại màn hình dùng cho mục đích xấu, trên màn hình ứng dụng luôn có một hình ảnh động. Bên cạnh đó, mã QR cũng được đặt lại sau một khoảng thời gian nhất định.

Ba hãng viễn thông trên cũng cho hay đã ứng dụng Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để ngăn chặn các hành vi làm giả đồng thời mã hóa liên kết từ dịch vụ này đến máy chủ “Hệ thống kiểm chứng thông tin bằng lái” của Cơ quan quản lý giao thông đường bộ (KoRoad) và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, cho phép đăng ký ảnh bằng lái xe thật lên ứng dụng. Ngoài ra, dịch vụ xác nhận bằng lái xe di động cũng được triển khai tại tất cả các cửa hàng tiện ích của hai thương hiệu CU và GS25 trên toàn quốc để xác nhận tuổi khách hàng. Cũng từ tháng 7/2020 trở đi, 27 trường thi bằng lái trên toàn quốc sẽ áp dụng “bằng lái xe điện tử” với các trường hợp xin cấp lại hay gia hạn bằng.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc còn cho biết đang xem xét ứng dụng dịch vụ trên tại một số chốt giao thông, còn các tập đoàn viễn thông sẽ xúc tiến kết nối với các doanh nghiệp cho thuê xe và cung cấp dịch vụ chia sẻ xe.



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Leave a Reply

Back to top button