Bẵng đi vài năm, các loại ô tô xuất xứ từ Trung Quốc lại tái xuất và tạo nên những náo nhiệt. Những chiếc xe bóng bẩy, trang bị công nghệ ngập tràn và giá bán ở mặt bằng thấp. Thế nhưng, phía sau tương lai của ô tô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam vẫn cứ là một dấu hỏi lớn.
ỒN ÀO NHƯ XE… TRUNG QUỐC
Đầu tháng 10/2020, một doanh nghiệp tại Hải Phòng đã giới thiệu ra thị trường mẫu xe Beijing X7. Ngay lập tức, mẫu xe đến từ Trung Quốc tạo nên không khí ồn ào trên khắp các hội nhóm về ô tô, xe máy.
Xét về kích thước, Beijing X7 nằm ở phân khúc SUV cỡ C tương đương với các mẫu xe Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5 hay Nissan X-Trail.
Mẫu xe Beijing X7 nhập khẩu từ Trung Quốc đang tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội.
Điểm nhấn của mẫu xe này là trang bị công nghệ ngập tràn. Không cần so sánh với các mẫu xe cùng cỡ, nhiều công nghệ trên Beijing X7 chỉ có thể tìm thấy trên những dòng xe hạng sang.
Phiên bản cao cấp nhất của Beijing X7 sở hữu đèn LED projector, tay nắm cửa dạng ẩn như các dòng xe Range Rover thế hệ mới, tính năng hỗ trợ đỗ xe tự động, cụm đồng hồ tốc độ và màn hình giải trí cảm ứng nối liền kích thước lớn kiểu Mercedes, cụm điều hòa cảm ứng hao hao Audi trong khi nhìn tổng thể lại thấy đâu đó hình bóng của một chiếc Land Rover đời mới… Tất thảy những công nghệ đó đều là những chi tiết mà bất cứ người tiêu dùng ô tô phổ thông nào cũng khao khát.
Và, một điểm cực kỳ quan trọng là đi kèm những long lanh bóng bẩy về thiết kế và ngập tràn tính năng công nghệ, giá bán lẻ của Beijing X7 lại chỉ từ 528 triệu đồng đến 688 triệu đồng.
Rõ ràng, việc chi ra số tiền tương đương một chiếc compact SUV để sở hữu một chiếc SUV cỡ C rộng rãi và tha hồ trải nghiệm công nghệ quả thực là một cái giá quá hời.
Nhưng đó là xét về lý thuyết. Trên thực tế, trước Beijing X7, thị trường ô tô Việt Nam cũng đã tiếp nhận rất nhiều mẫu xe ô tô Trung Quốc như Zotye Z8, Brilliance V7, BAIC X55… Xung quanh những mẫu xe này luôn là không khí ồn ào. Nhưng rồi, hình bóng của những chiếc xe đầy náo nhiệt đó vẫn hiếm hoi trên đường phố, nơi chứng minh cho sức hút thật sự của từng mẫu xe ô tô.
KHÓ LOẠI BỎ ĐỊNH KIẾN
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các dòng xe ô tô Trung Quốc mới đang đổ về Việt Nam khá nhiều, ít nhất là ở phương diện “đong đếm” từng cái tên. Nó như một cơn sóng thứ hai vỗ vào “bờ” thị trường ô tô Việt Nam.
Làn sóng thứ nhất đã xuất hiện cách đây hơn một thập niên. Hồi giữa những năm 2000, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã ồ ạt du nhập vào Việt Nam. Thời gian này, quy mô của các cuộc “đổ bộ” của ô tô Trung Quốc còn lớn hơn.
Lifan và Chery được nhập khẩu vào Việt Nam qua kênh chính hãng thay vì nhập khẩu tiểu ngạch. Thậm chí, dựa trên những đánh giá về tiềm năng thị trường, Lifan và Chery đã từng lên kế hoạch mở nhà máy lắp ráp ngay tại Việt Nam nhằm phục vụ chiến lược dài hơi. Những chiếc xe Trung Quốc đình đám khi ấy có thể kể đến như Lifan 520, Chery QQ3 hay Riich M1 .
Tiếp theo, làn sóng ô tô Trung Quốc mới được kỳ vọng sẽ kích thích cho xu hướng tiêu dùng xe của người Việt. Những ồn ào cho thấy một thực tế là nhu cầu về những chiếc xe bóng bẩy và trang bị công nghệ hiện đại đang ngày càng lớn hơn thay vì chỉ cần “ăn chắc mặc bền” như trước đây.
Khoang nội thất đẹp long lanh và ngập tràn công nghệ của Beijing X7 đang tạo sức hút trên thị trường.
Nhìn nhận một cách công bằng, ô tô Trung Quốc đã và đang cho thấy nhu cầu về những chiếc xe giá rẻ nhưng lại được trang bị nhiều tính năng, công nghệ là khá rõ ràng. Đây cũng sẽ là một chỉ dẫn để các thương hiệu ô tô khác chú trọng hơn đến khả năng trải nghiệm của người tiêu dùng.
Thế nhưng, với ô tô Trung Quốc, đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có những định kiến. “Tiền nào của nấy” là một suy luận mang tính cố hữu. Thực tế cũng đã cho thấy, những mẫu xe ô tô Trung Quốc không khẳng định được chất lượng của mình và Lifan hay Chery trước đây đã từng thể hiện điều này một cách rõ nét.
Bản thân một số người tiêu dùng mua mẫu xe Beijing X7 mới đây cũng thừa nhận mua xe chỉ để trải nghiệm xem thế nào thôi, còn chất lượng ổn định hay không thì cần có thời gian để kiểm chứng.
Theo một chuyên gia trong ngành, định kiến với xe Trung Quốc (kể cả xe máy) là trạng thái tâm lý rất khó xoá bỏ đối với phần lớn người tiêu dùng. Sự “màu mè” vốn dĩ chỉ là vẻ bề ngoài. Ô tô là loại hàng hoá đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng con người. Do đó, sự cẩn trọng là cần thiết.
Cũng theo vị chuyên gia này, trào lưu xe Trung Quốc, nếu có, thì cũng chỉ phù hợp ở giai đoạn thị trường còn sơ khởi như cách đây chừng 15-20 năm. Còn hiện nay, khi thị trường đã bắt đầu phát triển mạnh và các loại ô tô Hàn Quốc, Nhật Bản rất đa dạng, mặt bằng giá cũng dần được kéo xuống thấp trong khi cuộc đua trang bị công nghệ ngày càng mạnh mẽ. Do đó, sẽ rất khó để ô tô Trung Quốc có thể cạnh tranh.
Ngay ở thị trường Trung Quốc, các thương hiệu lớn như BAIC, SAIC, Brilliance, Zoyte… cũng đang rơi vào trạng thái ế ẩm. Thậm chí thương hiệu lớn Brilliance còn đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi một thập niên trước đó, các thương hiệu này từng là “cứu cánh” với thị trường ô tô tỷ dân, là một lựa chọn ưu tiên với những người tiêu dùng Trung Quốc có thu nhập vừa phải.
Mẫu xe Trung Quốc Zoyte Z8 được nhiều người tiêu dùng Việt Nam gắn logo đinh ba “nhái” Maserati.
“SÓNG BẠC ĐẦU” ỒN ÀO NHANH TAN
Thời gian vừa qua, mẫu xe đình đám nhất Beijing X7 luôn tạo nên những chủ đề bàn luận trên các hội nhóm ô tô. Khen cũng lắm và chê cũng nhiều.
Sau khoảng một tháng ra mắt, nhà phân phối tung lên mạng xã hội thông tin đã có cả nghìn chiếc xe Beijing X7 được bán ra thị trường. Thậm chí, có những người tiêu dùng đã phải “đặt gạch” trước đến 200 triệu đồng để chắc chắn nhận được xe do nguồn cung không đủ.
Con số hơn 1.000 chiếc giao đến tay khách hàng chỉ sau một tháng ra mắt đã nhận được những ngờ vực. Với số lượng xe bán ra như vậy, không chỉ với xe Trung Quốc mà với đa số các loại ô tô khác, thì cũng là con số đáng mơ ước.
Trên thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, thì tổng lượng xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam trong tháng 10/2020 chỉ đạt vẻn vẹn 918 chiếc.
Điểm đáng lưu ý là ô tô xuất xứ Trung Quốc luôn có tỷ trọng rất cao là các loại xe tải và xe chuyên dụng. Cũng hoàn toàn dễ nhận thấy khi 918 chiếc xe CBU nhập khẩu từ Trung Quốc tháng 10 đã cho tổng giá trị kim ngạch xấp xỉ 30 triệu USD. Nghĩa là, tính bình quân mỗi chiếc xe Trung Quốc nhập khẩu về nước có giá khai báo hải quan bình quân hơn 32.556 USD, tương đương 750 triệu đồng/chiếc.
Trong khi đó, giá bán lẻ đến tay khách mua của những mẫu xe ồn ào nhất cũng thấp hơn giá bình quân tại cảng của chưa đầy 1.000 chiếc xe nhập khẩu về nước trong tháng 10/2020.
Nếu ví đợt du nhập của các loại ô tô Trung Quốc như một con sóng thì có lẽ, đó cũng sẽ chỉ là con sóng bạc đầu. Thứ sóng biển luôn ồn ào nhưng thậm chí có thể tan ngay từ lúc còn chưa kịp vỗ vào bờ.
Dẫu sao thì xe ô tô nhập khẩu Trung Quốc vẫn có đời sống riêng của nó. Và sự hiện diện của ô tô Trung Quốc, dù có thể không được đón nhận một cách hoàn toàn tích cực, song chí ít cũng là những tham số thú vị để người tiêu dùng hay các hãng xe so sánh.
Nguồn : Source link