Khá nhiều hãng ô tô đã hoàn thiện website bán hàng trực tuyến và liên kết với các sàn thương mại điện tử để phục vụ khách hàng có nhu cầu mua xe. Khách hàng chỉ cần vào trang web của hãng là có thể dễ dàng chọn mẫu, phiên bản, màu xe và được nhân viên tư vấn trước khi quyết định mua.
“Dò sóng” bán hàng trực tuyến
VinFast là một trong những hãng ô tô bán hàng trực tuyến khá thành công. Tháng 5 vừa qua, chỉ sau 66 giờ mở bán online, hãng xe Việt đã ghi nhận 27.649 đơn đặt cọc mẫu ô tô điện mini VF 3. Hiện tại, VinFast vẫn tiếp tục nhận đặt mua hàng trực tuyến đối với các dòng VF 3, VF e34, VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. Ngoài ra, hãng xe này còn đa dạng hóa hình thức bán hàng, thông qua kết hợp với các streamer nổi tiếng tổ chức bán hàng trực tiếp trên kênh TikTok hoặc kết hợp với các trang bán hàng online.
Mới đây, Ford Việt Nam cũng chính thức bán các mẫu ô tô trên trang thương mại điện tử của hãng. Trong khi đó, với hình thức livestream bán hàng thông qua kết hợp với người nổi tiếng, hãng đã triển khai bán thành công 2 mẫu Ranger Stormtrak, Everest Platium và dự kiến tiếp tục triển khai các mẫu xe còn lại.
Trên cửa hàng trực tuyến của hãng xe sang Mercedes-Benz Việt Nam, khách được đội ngũ tư vấn viên trực tuyến hỗ trợ trong thời gian từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Hình thức bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử cũng được hãng áp dụng tại thị trường Úc, New Zealand, Nam Phi, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.
Cũng có động thái “dò sóng” bán hàng trực tuyến, hãng Kia mới đây triển khai bán mẫu Kia K5 theo mô hình này. Một hãng xe Hàn Quốc khác là Hyundai đã đưa đầy đủ thông tin về giá bán, thông số và trang bị của chiếc SUV 7 chỗ Santa Fe lên showroom trực tuyến. Công ty CP Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ đưa thêm nhiều mẫu xe khác lên hệ thống bán hàng trực tuyến.
Hạn chế tình trạng “bia kèm lạc”?
Nếu trước đây, các món hàng đắt tiền như ô tô thường không được hãng xe bán trên kênh online thì hiện nay, mô hình bán hàng trực tuyến đã trở thành xu thế mới. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này phần nào gây khó khăn cho các đại lý và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Thái Quang Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn ô tô Gia Định, cho hay thời gian đầu, khách mua xe theo hình thức trực tuyến chưa nhiều song sau đó tăng dần, ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của đại lý.
Về phía khách hàng, một số ý kiến cho rằng khi mua xe trực tuyến, họ sẽ được mua đúng với giá niêm yết, đồng nghĩa tuy không bị đại lý ép mua “bia kèm lạc” song không được hưởng lợi khi mua xe trong những đợt giảm giá mạnh đối với những mẫu bán chậm.
Ông Ruchik Shah, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, nhìn nhận mua bán xe trên nền tảng thương mại điện tử sẽ minh bạch, đơn giản và thuận lợi hơn so với mua trực tiếp. Do đó, các thị trường khác của Ford trên thế giới đều đã triển khai bán xe trực tuyến và Việt Nam là thị trường cuối cùng trên toàn cầu của Ford ứng dụng mô hình này. “Đây là xu hướng tất yếu, giúp giá cả được niêm yết rõ ràng, tránh được tình trạng bán bia kèm lạc” – ông Ruchik Shah nhận định.
Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cam kết sẽ trao đổi với đại lý liên quan xung đột giữa hãng và đại lý về giải pháp bán hàng trực tuyến. Bởi lẽ, đây là giải pháp lâu dài, thân thiện và dễ tạo được sự tín nhiệm của khách hàng bởi xe được giao đúng hạn, bán đúng giá niêm yết. Trong khi đó, hãng xe cũng kiểm soát được số lượng phân phối và giảm đáng kể chi phí.
Theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP HCM, một trong những lợi ích chính mà các hãng ô tô có thể thu được khi áp dụng bán hàng trực tuyến là tiết kiệm đáng kể về chi phí. Nhờ đó có thể tập trung nguồn lực vào phát triển hệ thống bán hàng hiện đại, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và cung cấp các dịch vụ sau bán hàng trực tuyến.
Về phía khách hàng, ThS Trần Anh Tùng cho rằng giao dịch online sẽ mang lại sự tiện lợi và tính linh hoạt cao cho khách hàng khi có thể dễ dàng truy cập, so sánh giá, thực hiện các thủ tục mua hàng mà không cần đến đại lý. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến cũng đồng nghĩa với việc các hãng ô tô phải đầu tư vào việc xây dựng và vận hành hệ thống bán hàng trực tuyến ổn định, an toàn và dễ sử dụng. Bên cạnh đó, việc thay đổi quy trình từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến cũng có thể gây ra những cản trở về mặt văn hóa và tổ chức.
Giới kinh doanh cho hay mặc dù mua hàng trực tuyến có nhiều tiện ích song không ít khách hàng vẫn mong muốn được trải nghiệm trực tiếp với sản phẩm trước khi quyết định mua. Vì vậy, hãng xe cần tìm cách cân bằng giữa giải pháp bán hàng trực tuyến và dịch vụ trải nghiệm tại đại lý để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nguồn : Source link