Xe gầm cao vẫn áp đảo, MPV bất ngờ vượt sedan
Theo số liệu được tổng hợp từ hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước – VAMA và tập đoàn Thành Công, thị trường Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 19.059 chiếc xe trong tháng 4/2024. So với tháng liền trước, sản lượng bán hàng đã giảm 2.619 đơn vị sản phẩm, tương tương mức tăng trưởng âm 12%.
Đây là thống kê không đầy đủ, bởi chưa bao gồm số liệu từ thương hiệu Việt VinFast, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô VIVA hay một số nhà phân phối nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, con số hơn 19.000 xe cũng phản ánh khá đầy đủ bức tranh tổng thể thị trường ô tô trong nước tháng vừa qua.
Theo đó, Toyota vẫn là thương hiệu bán hàng tốt nhất trong tháng 4 vừa qua với sản lượng 4.483 xe. Xếp ngay phía sau là Hyundai với 4.276 sản phẩm giao đến tay khách hàng. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ford, Kia, Mazda, Mitsubishi và Honda…
Trong số các phân khúc sản phẩm, dòng xe SUV vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất của người tiêu dùng tháng qua, với 9.160 xe bán ra; chiếm 48% thị phần. Dòng sản phẩm sedan bất ngờ bị vượt mặt khi chỉ đạt doanh số 4.211 xe so với mức 4.789 xe của phân khúc MPV 7 chỗ.
Bảng xếp hạng 10 xe bán chạy nhất thị trường ghi nhận 1 mẫu bán tải, 2 mẫu sedan, 2 mẫu MPV và tới 5 mẫu xe gầm cao (gồm 2 mẫu crossover cỡ B, 2 mẫu CUV hạng C và một mẫu SUV phân khúc D).
Vị trí số 1 của Mitsubishi Xpander – mẫu xe “thống trị” phân khúc xe đa dụng giá rẻ với doanh số 1.263 chiếc. Ford Ranger xếp vị trí thứ 2 với 1.262 xe bán ra, chiếm tới 87,8% thị phần phân khúc bán tải. Toyota Vios đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba, với kết quả 923 xe bàn giao.
Có thể thấy, Mitsubishi Xpander và Ford Ranger – lần lượt đại diện cho phân khúc MPV và bán tải – vẫn là những sự lựa chọn phù hợp với số đông người tiêu dùng nhất với khoảng cách doanh số chênh nhau chỉ vỏn vẹn 1 sản phẩm. Toyota Vios sau nhiều tháng ngụp lặn đã quay trở lại dẫn đầu phân khúc sedan hạng B, dẫn trước đối thủ Hyundai Accent.
Ngược lại với Vios, Honda City bỗng mất tích trên bảng xếp hạng xe bán chạy tháng 4, dù các tháng trước đó đều đạt kết quả kinh doanh rất khả quan. Bộ đôi Mazda 2 và Mazda 3 cũng khá ổn định với doanh số lần lượt đạt 427 và 337 xe bán ra. Phân khúc sedan chỉ bán ra được 4.211 xe trong tháng 4 vừa qua.
Thị trường cũng đồng thời ghi nhận sự vươn lên của phân khúc MPV với 4.789 xe giao khách. Đặc biệt Toyota Innova Cross là một cái tên đáng chú ý khi doanh số đang dần đi vào quỹ đạo trong vài tháng gần đây, sau khi đã ổn định được nguồn cung nhập khẩu.
Phân khúc gầm cao hạng B và hạng C luôn được coi là “chiến trường” khốc liệt nhất, bởi số lượng sản phẩm cạnh tranh đông đúc nhất và doanh số cũng luôn thuộc hàng cao nhất, vượt trội gấp đôi so với dòng xe sedan hay MPV.
Bảng xếp hạng doanh số cho thấy xe crossover hạng B vẫn được ưa chuộng nhất, với hai cái tên Toyota Yaris Cross và tân binh Mitsubishi XForce – lần lượt đứng vị trí thứ 4 (với 882 xe bán ra) và vị trí thứ 6 (với kết quả 806 xe giao khách).
Trong phân khúc này, Hyundai Creta chưa lọt top, nhưng vẫn chứng tỏ được sự hấp dẫn khi đạt doanh số 530 xe. Kia Seltos mới ra mắt bản cập nhật, nhưng chỉ có 473 xe bán ra – chưa bứt phá so với quý I. Còn những cái tên như Mazda CX-3, CX-30 hay Honda HR-V dù sở hữu chất lượng tốt, nhưng giá bán cao vẫn là rào cản đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, phân khúc gầm cao cỡ C cũng “khốc liệt” không kém, với hai dòng sản phẩm Mazda CX-5 và Honda CR-V có doanh số lần lượt đạt mức 800 và 626 xe, xếp vị trí thứ 8 và thứ 10. Đáng chú ý, hai cái tên khác là Ford Territory hay Hyundai Tucson cũng đạt doanh số lần lượt là 449 và 480 xe, dù chưa đủ để lọt top nhưng phong độ cũng đang khá ổn định.
Ngoài ra, phân khúc SUV hạng D cũng đáng chú ý với sự dẫn dắt của Ford Everest – doanh số đạt 766 xe. Đối thủ trực tiếp của mẫu gầm cao Mỹ là Hyundai Santa Fe dù chưa lọt top, nhưng cũng đạt doanh số khá tốt khi bán ra 530 xe.
Hai đồng hương Toyota Fortuner và Mazda CX-8 chia nhau các vị trí tiếp theo với doanh số lần lượt đạt 267 và 202 xe bán ra. Những cái tên còn lại như Kia Sorento, Mitsubishi Pajero Sport hay Isuzu Mu-X chỉ bán được dưới 100 xe trong tháng vừa qua.
Thống kê cho thấy thị trường Việt Nam tiêu thụ 3.267 chiếc crossover cỡ B. Con số này ở phân khúc CUV cỡ C và SUV hạng D lần lượt là 2.643 và 1.897 xe. Như vậy số liệu cho thấy lượng khách hàng quan tâm tới phân khúc gầm cao hạng C và D cũng khá ổn định, dù chưa sôi động bằng phân khúc dưới.
Trong khi quý I/2024 chứng kiến sự chững lại của thị trường, thì bước sang tháng 4, số liệu cho thấy số lượng người tiêu dùng ra quyết định mua sắm đã giảm hẳn. Kinh doanh kém khiến hệ thống phân phối cũng như các hãng xe phải đồng loạt duy trì những chính sách ưu đãi cho khách hàng. Để cứu vãn tình hình, Chính phủ cũng đang yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu và sớm trình đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ, kích cầu mua sắm.
Nguồn : Source link