Một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây nhằm đưa ra những nghiên cứu, phương hướng liên quan đến việc từng bước hạn chế sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch giai đoạn từ nay đến 2050 theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc Vinfast bày tỏ những khó khăn: “Trong quá trình xây dựng trạm sạc chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
“Một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể thường khác nhau, nguồn điện/mức độ cung cấp điện không đồng đều. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô. Trong tương lai, Vinfast sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện”.
Để giải thích những vướng mắc của Vinfast, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GTVT nói: “Trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn/tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công thương. Theo luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng. Cùng với đó, toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn”.
Trong quá trình xây dựng mạng trạm sạc, Vinfast đã từng gặp sự phản đối của người dân sống xung quanh vì nỗi lo nguy cơ hỏa hoạn. Nhằm giải quyết tồn tại này, GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất: “Hiện chúng ta chưa có quy hoạch lưới điện phục vụ phương tiện dùng điện. Đây là lý do Vinfast bị phản đối vì sợ cháy nổ. Tất nhiên, Vinfast phải tính toán đáp ứng nhu cầu thì mới phát triển hệ thống trạm sạc. Đương nhiên, hiệu quả sẽ giới hạn. Do đó, nếu có quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc thì sẽ tốt hơn nhiều, hệ thống trạm sạc sẽ tốt hơn, an toàn hơn”.
Cũng liên quan tới việc cần bổ sung thêm quy chuẩn riêng cho xe điện, ông Phạm Minh Thành – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT cho biết: “Xe điện tương tự như các dòng xe khác ( xe xăng, diezen, CNG…) cũng phải đảm bảo các điều kiện an toàn và tuân thủ các quy định của Luật GTĐB. Bản chất của hai dòng xe này chỉ khác nhau về nguồn năng lượng. Trong quá trình phát triển, hình thành dòng xe mới, phân loại mới thì sẽ là dòng xe tự lái, khi đó không còn vô lăng nữa. Đây là vấn đề rất đau đầu sau này sẽ quản lý thế nào”.
Đồng thời, ông Phạm Minh Thành thông tin thêm rằng Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn 09:2015/BGTVT, cơ bản đáp ứng được các quy định liên quan đến việc kiểm soát an toàn kỹ thuật về môi trường với xe ô tô điện. Tuy nhiên, quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh, cần bổ sung thêm các quy định về các công nghệ, định hướng phân loại phương tiện, công nghệ hỗ trợ tính năng lái tự động, phân loại phương tiện theo cấp độ tự động lái.
Nhiều chuyên gia nhận định các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) hiện chưa thực sự bao quát được hết các vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên, nền công nghiệp EV đang phát triển rất nhanh chóng trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Vì vậy, để hoàn thành việc hạn chế sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch, hướng tới sử dụng phương tiện chạy năng lượng xanh, các Bộ, Ban ngành cùng các chuyên gia cần cùng ngồi lại, bổ sung kịp thời những TCVN và QCVN để lấp đầy những khoảng trống, khiếm khuyết hiện nay.
Nguồn : Source link