Việt Nam đặt thời hạn dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch
VIỆT NAM DỪNG SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU XE XĂNG NĂM 2040
Ngày 22 tháng 7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình hành động về Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải (Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, chương trình đặt ra mục tiêu tổng quát là “Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050″.
Tại phần “Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh”, lộ trình tiến đến giảm phát thải ròng bằng 0 của giao thông đường bộ được lập như sau:
– Giai đoạn 2022 – 2030
+ Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
+ Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
+ Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
– Giai đoạn 2031 – 2050
+ Đến năm 2040: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
+ Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
+ Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.”
Như vậy, theo kế hoạch của chương trình thì năm 2040 là mốc thời gian Việt Nam sẽ dừng toàn bộ việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô và xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sau mốc thời gian này, các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục được sử dụng, trước khi bị loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống giao thông Việt Nam vào năm 2050.
Trước khi tiến tới giai đoạn giảm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2031 đến năm 2050, chương trình có quy định rõ trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030 sẽ thúc đẩy tỷ trọng sử dụng phương tiện xanh, năng lượng xanh, đi kèm với việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ.
Ngoài quy định về giao thông đường bộ, chương trình cũng đặt các quy định cho đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, giao thông đô thị.
XE XANH TẠI VIỆT NAM
Trong nhiều năm gần đây, thị trường Việt Nam đã liên tục đón nhận các mẫu xe xanh. Ngoài nhà sản xuất nội địa VinFast vẫn luôn tập trung và phát triển phương tiện chạy điện, các hãng xe khác cũng đã mang tới thị trường Việt Nam các phương tiện với công nghệ hiện đại, giúp giảm đáng kể lượng nhiên liệu tiêu thụ. Bên cạnh các mẫu xe lai điện, các hãng xe cũng đã mang tới người tiêu dùng Việt các mẫu xe thuần điện mới và hiện đại nhất thế giới.
Những chiếc xe xanh thực tế đã xuất hiện tại Việt Nam từ trước khi xu hướng xe xanh lan mạnh trên thế giới. Có thể lấy ví dụ với mẫu Mercedes S400 Hybrid được nhập về Việt Nam từ năm 2011. Mercedes S400 Hybrid được xem là mẫu xe lai điện đầu tiên được nhập khẩu chính hãng về Việt Nam. Sau đó ít lâu, các mẫu xe lai điện khác cũng đã xuất hiện tại Việt Nam như Lexus LS400hL hay Lexus LX400h.
Thậm chí, nhiều chiếc xe lai điện Toyota Prius dù không được phân phối chính hãng cũng đã xuất hiện trên đường phố Việt Nam, rất có thể được các showroom tư nhân đưa về. Cho đến nay, Toyota Corolla Cross được xem là mẫu xe lai điện phổ thông đầu tiên được phân phối chính hãng, từ tháng 8/2020. Số liệu của Toyota cho thấy trong 6 tháng đầu tiên bán ra, đã có hơn 1000 chiếc Toyota Corolla Cross phiên bản lai điện được chuyển tới tay khách hàng, chiếm khoảng 14% doanh số của riêng mẫu xe.
Không chỉ có các mẫu xe lai điện, các mẫu xe thuần điện cũng đã có mặt và lăn bánh trên đường phố Việt Nam từ lâu. Theo ghi nhận, năm 2012 đánh dấu chiếc xe thuần điện Tesla đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam thông qua một đơn vị tư nhân. Sau đó khoảng 9 năm, VinFast đã sản xuất và bán ra mẫu xe điện phổ thông VinFast VF e34. Đi kèm với việc tập trung phát triển xe thuần điện, VinFast cũng đã cố gắng mở rộng mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam, góp phần làm xe điện trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng.
Ngoài hai mẫu xe kể trên, Hyundai và KIA cũng đã giới thiệu mẫu xe điện chủ chốt của hãng tới thị trường Việt Nam, đó lần lượt là Hyundai Ioniq 5 và KIA EV6. Đây đều là những mẫu xe điện có được thành công lớn trên thị trường quốc tế và được người dùng đón nhận, dự báo sẽ khiến thị trường xe điện Việt Nam thêm phần sôi động khi chính thức xuất hiện.
TÔN VINH XE XANH VIỆT NAM
“Xe Xanh 2022” là tên của một hạng mục tại chương trình Car Choice Awards 2022 – chương trình bình chọn xe của Việt Nam nhằm tìm ra các mẫu xe phù hợp nhất với các nhu cầu của người Việt.
Đưa các mẫu xe xanh (xe sử dụng công nghệ để giảm thiểu hoặc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch) vào giải thưởng nhằm nêu cao vai trò của các mẫu xe định hướng người dùng đến việc bảo vệ môi trường. Cổng bình chọn vòng 1 We Vote (15/08 – 15/09) đang diễn ra với mẫu Toyota Camry phiên bản Hybrid xếp vị trí thứ nhất tại hạng mục Xe Xanh 2022; sát ngay sau là mẫu xe thuần điện VinFast VF e34.
Nguồn : Source link