Vì sao nhiều mẫu xe là ‘vua doanh số’ nước này lại ế ẩm ở nước khác?
Mặc dù ô tô là ngành công nghiệp toàn cầu, bộ mặt ngành có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí. Cùng là phương tiện di chuyển, nhưng hình dạng chiếc xe có thể thay đổi ở bất kể thị trường nào. Một số có ở mọi nơi, một số chỉ có thể nhìn thấy trên đường phố của các thị trường cụ thể. Có loại chỉ dành riêng cho một số quốc gia nhất định.
Khi các nền kinh tế trên thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc vào nhau, ngành công nghiệp ô tô đã nhanh chóng phát triển một mạng lưới ô tô toàn cầu. Về cơ bản, một ý tưởng xe được thiết kế cho đối tượng ở nhiều khu vực khác nhau.
Mặt khác, vẫn có nhiều chiếc xe được hình thành, thiết kế và phát triển chỉ cho một thị trường duy nhất. Có rất nhiều mẫu xe mà chúng ta sẽ không thấy hàng ngày. Tại sao những chiếc xe như vậy vẫn tồn tại dù không có tiềm năng phát triển toàn cầu?
Thị trường Bắc Mỹ thống trị bởi những các dòng xe bán tải cỡ lớn. Người tiêu dùng ở đây đã sử dụng loại phương tiện này trong nhiều thập kỷ. Chúng không chỉ trở thành một phần cảnh quan mà còn định hình cả cách lái xe và thiết kế giao thông.
Ford F-150, Ram pickup và Chevrolet Silverado là những ví dụ rõ nét nhất về loại xe được thiết kế dành riêng cho những người sống ở Bắc Mỹ. Người Mỹ cũng mua nhiều sedan nhưng đều là các mẫu xe hạng C, D như Toyota Camry hay Honda Civic.
Những chiếc bán tải cỡ lớn chiếm tới 14% doanh số bán xe mới ở Mỹ và 18% ở Canada. Điểm chung của thị trường Mỹ và Canada là khoảng cách di chuyển xa, giá xăng tương đối thấp nên người mua chủ yếu chọn các mẫu xe lớn, có khả năng vận chuyển cao.
Rất khó thấy chúng xuất hiện ở các quốc gia khác, trừ một số quốc gia vùng Trung Đông hoặc một số chiếc xe được xuất xưởng từ nhà máy ở Nam Mỹ. Đơn giản vì chúng quá lớn, không phù hợp với điều kiện đường sá ở những nơi khác.
Tương tự tại Trung Quốc, người dân tại đây thích những chiếc minivan lớn và sang trọng. Còn những người bên ngoài Trung Quốc lại thấy chúng nhàm chán, đắt đỏ và không phù hợp với điều kiện đường sá của họ. Trong khi phân khúc MPV mất đi nhiều sức hút tại các thị trường như Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tiếp tục ưa chuộng.
Nếu Bắc Mỹ chuộng bán tải cỡ lớn thì Nam Mỹ lại thích bán tải cỡ nhỏ. Brazil là minh chứng rõ nét cho gu xe này. Nguyên nhân là bởi nghề nông vẫn chiếm tỉ trọng lớn, điều kiện đường sá kém và sức mua của người dân thấp. Đó là lý do mà các loại xe “bán tải giá rẻ” như Fiat Strada, Volkswagen Saveiro và Chevrolet Montana rất phổ biến tại các quốc gia Nam Mỹ này.
Còn dân châu Âu lại chuộng wagon. Dù vẫn có thể tìm thấy ở các thị trường như Mỹ và Trung Quốc, nhưng việc mua chúng ngày càng khó khăn nếu không sống ở “lục địa già”. Nguyên nhân là do wagon bị đánh giá là xe gia đình nhàm chán.
Bên cạnh đó, đường phố ở châu Âu chật chội hơn so với Mỹ. Các thành phố dày đặc xe cộ khiến việc lưu thông và tìm chỗ đỗ xe khó khăn. Xe càng nhỏ càng dễ di chuyển ở châu Âu. Ngày nay, khoảng 64% xe wagon được sản xuất ra vẫn ở châu Âu.
Trong khi đó, người dân châu Á thích những dòng xe giá rẻ nhưng phải tiện dụng, thường là các mẫu cỡ nhỏ, xe MVP. Việt Nam cũng là một quốc gia ưa chuộng các dòng xe hạng A, B. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia châu Á khác những mẫu SUV hay crossover lại đang chiếm ưu thế.
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Accent đẫn đầu top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 9/2022
Ngược lại, Thái Lan được coi là thiên đường bán tải. Không ngạc nhiên khi các mẫu bán chạy nhất của hãng đều là xe bán tải như Toyota Hilux, Isuzu D-max và Ford Ranger, Mitsubishi Triton và Nissan Navara.
Điều đáng nói, hai mẫu xe Isuzu D-Max và Toyota Hilux ở Việt Nam lại không quá được yêu thích, đặc biệt là Isuzu D-Max thường xuyên “đội sổ” trong phân khúc. Với xe phân khúc hạng B, người Thái lại yêu thích Honda City chứ không phải Vios hay Accent như Việt Nam.
Có những nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc lựa chọn xe ở các quốc gia. Một trong số đó là do quy định của chính phủ. Để bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước, một số quốc gia đưa ra những quy tắc khuyến khích sản xuất trong nước và giảm hàng nhập khẩu. Xe kei của Nhật Bản là ví dụ điển hình nhất.
Việc đánh thuế trong khi các ưu đãi hào phóng đã khiến những chiếc xe nhỏ bé này trở thành hình ảnh phổ biến trên các con đường Nhật Bản. Năm 2021, xe kei chiếm tới 30% tổng doanh số bán xe của cả nước. Quốc gia này cũng tập trung hoạt động sản xuất trong nước và tách biệt với xu hướng toàn cầu.
Hoặc như người Malaysia, họ mua xe nội không chỉ bởi niềm tự hào dân tộc mà xe nội của họ có những ưu điểm thực sự: Giá rất tốt, có chiếc tính ra chỉ tương đương hơn trăm triệu đồng tiền Việt (Perodua Axia), trong khi GDP bình quân đầu người gấp khoảng 5-6 lần Việt Nam.
Nguồn : Source link