Vì sao giá xe ô tô cũ ‘đội giá’ cao xe mới?
Theo khảo sát của PV Autonews tại các đại lý xe cũ, một số mẫu xe SUV đang hot trên thị trường hiện nay như Hynndai Santa Fe, Hyundai Tucson, Kia Seltos, Toyota Raize, Toyota Fortuner, Ford Everest,… “hàng lướt” đội giá cao hơn cả giá xe mới.
Toyota Fortuner 2.8V 4×4 AT 2019 được rao bán 1,25 tỷ đồng trên một chợ xe ô tô cũ.
Đơn cử như Hyundai SantaFe Premium 2.2L HTRAC đời 2020 đã đi 18.000 km đang được rao bán với giá 1,55 tỷ đồng, Hyundai SantaFe Premium 2.2L HTRAC đời 2021 đã đi 6.000 km được rao bán với giá 1,535 tỷ đồng. Trong khi đó, giá niêm yết xe mới của hãng đề xuất là 1,36 tỷ đồng (giá này chưa bao gồm thuế, phí).
Hyundai Tucson 2.0 AT CRDi bản Đặc biệt đời 2021 đã đi 20.000 km đang được rao bán với giá 989 triệu đồng, cao hơn giá đề suất xe mới 49 triệu đồng.
Mẫu Kia Seltos Premium 1.4 AT đời 2021 đã đi hơn 12.000 km đang được rao bán giá 769 triệu đồng, cao hơn giá xe mới 10 triệu đồng.
Toyota Fortuner 2.8V 4×4 AT đời 2018 đã đi 50.000 km được rao bán giá 1,14 tỷ đồng, giá xe mới hãng đề xuất là 1,423 tỷ đồng (giá này chưa bao gồm thuế, phí).
Lý giải về “nghịch lý” xe cũ lại có giá cao hơn cả giá đề xuất của xe mới, anh Bách Thắng chủ nhân của chiếc Toyota Fortuner 2.8V 4×4 AT đời 2018 đang được rao bán cho biết: “Tôi đi xe rất cẩn thận, giữ xe, chưa bị va quệt mạnh lần nào. Ngoài ra, biển xe đẹp, mọi thứ nội ngoại thất trong xe nguyên bản và được nhập khẩu Indonesia, nên tôi mạnh dạn để giá xe như vậy”.
Đa phần các chủ xe cũ đều nói lý do xe cũ tăng giá là vì khan hiếm hàng và xe của mình được “bảo đảm” vẫn còn “nguyên bản”. Tuy nhiên, giới kinh doanh xe cho rằng nguyên nhân chính vẫn là tình trạng ăn theo việc khan hiếm của xe mới chính là cơ hội cho xe cũ bị “thổi giá” lên.
Giá xe “lướt” trên các chợ xe cũ tăng cao.
Trao đổi với PV, nhân viên tại một đại lý xe Hyundai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho hay: “Do số lượng khách đặt hàng nhiều, thêm vào đó do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chíp bán dẫn nên nhà sản xuất không đủ linh kiện lắp ráp, dẫn đến tình trạng khan hiếm xe như hiện nay. Xe cũ nhiều rủi ro trong giao dịch nếu người mua không đủ kinh nghiệm nhưng vẫn nhiều người vẫn lựa chọn xe lướt thay vì ngồi chờ xe mới”.
Trong khi đó, chia sẻ với PV Autonews, anh Long chủ một showroom xe cũ trên đường Nguyễn Chánh (Hà Nội) nói: “Thông thường, vào mùa hè mức tiêu thụ của người tiêu dùng ít và giá xăng quá cao nên thị trường giảm. Chủ yếu từ tháng 10 trở đi thì người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm xe cao, khi đó thị trường sẽ sôi nổi hơn. Tuy nhiên đợt này có một số mẫu xe “hot” liên tục ra mắt và do nhu cầu người tiêu dùng cao đột biến, thêm vào đó việc thiếu linh kiện cho xe mới nên giá xe cũ tăng bất ngờ”.
Xe cũ thì tăng giá đột biến, còn với các mẫu xe hot, người tiêu dùng bên cạnh việc phải chờ đợi được giao xe, khách hàng cũng đối mặt với tình trạng bán xe kiểu “bia kèm lạc” của một số đại lý ô tô. Khách hàng phải mất vài chục đến cả trăm triệu “chênh” so với giá hãng niêm yết. Đơn cử các mẫu xe hot hiện nay như Hyundai SantaFe, Hyundai Tucson, Toyota Raize đang rất khan hàng.
Anh Nguyễn Quý, một người vừa đặt mua xe Hyundai Creta trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết: “Đầu tháng tư, tôi có đặt cọc trước 10 triệu để xếp lốt nhận xe, nhân viên hẹn 1 tháng để giao xe. Tuy nhiên, mãi đến tận 20/6 này mới nhận được xe, khiến tôi lỡ 1 số kế hoạch chuẩn bị từ trước. Những người bạn của tôi mới mua xe cũng phải chịu chung tình cảnh này”.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên cân nhắc cẩn thận việc mua xe vào thời điểm này. Với xe cũ, để tránh tình trạng mua phải ô tô cũ không đảm bảo chất lượng, cần có người am hiểu kiểm tra xe. Việc kiểm tra kỹ lưỡng trước khi mua sẽ tránh tình trạng mua những ô tô từng bị thuỷ kích, bị va đụng làm ảnh hưởng đến kết cấu khung khiến nhiều vị trí tiếp xúc trên xe không còn độ chính xác và cách âm không tốt. Còn với xe mới, nếu không quá cần kíp có thể tính toán kế hoạch hợp lý hơn để mua xe thay vì mua xe giá cao, mua xe bị ép kiểu “bia kèm lạc” mà vẫn phải chờ đợi nhiều tháng.
Nguồn : Source link