Vì sao giá xăng ‘tăng nhiều giảm ít’?


Từ 15h chiều 21/3, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã ra quyết định điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ điều hành 10 ngày/lần.

Cụ thể, xăng E5RON92: không cao hơn 28.330 đồng/lít (giảm 655 đồng/lít so với giá hiện hành); xăng RON95-III: không cao hơn 29.192 đồng/lít (giảm 632 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu diesel 0.05S: không cao hơn 23.633 đồng/lít (giảm 1.635 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu hỏa: không cao hơn 22.245 đồng/lít (giảm 1.673 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.423 đồng/kg (giảm 564 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Ngay khi giá xăng vừa giảm sau 7 lần tăng liên tục, không ít người dân thắc mắc vì sao giá xăng giảm nhẹ chứ không “sốc” như lúc tăng?

Thực tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm bao nhiêu phụ thuộc vào 2 nhân tố chính gồm diễn biến giá thế giới và cách thức trích lập và chi quỹ bình ổn.

Trong nửa đầu chu kỳ 10 ngày kể từ sau phiên điều chỉnh hôm 11/3, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh xuống dưới 100 USD/thùng. Nhưng sau đó giá thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện trích lập quỹ bình ổn cũng là một nguyên nhân khiến giá xăng giảm khiêm tốn. Sau một thời gian dài tăng giá liên tục, cơ quan điều hành phải chi sử dụng quỹ bình ổn. Tại nhiều doanh nghiệp, quỹ bình ổn âm hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, tại kỳ điều chỉnh này, việc trích lập được cơ quan điều hành sử dụng.

Liên Bộ thực hiện trích lập tại kỳ điều hành lần này và không chi cho Quỹ BOG.

Tại kỳ điều hành ngày 11/3, Liên Bộ chỉ thực hiện chi Quỹ BOG, không trích lập.

Cụ thể, Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 50 đồng/lít, dầu diesel 400 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập.

Kỳ này, cơ quan điều hành ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng dầu sau một thời gian dài liên tục “xả”.

Tại kỳ điều hành lần này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành đều giảm so với giá bình quân kỳ trước, và số dư quỹ đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp quỹ đã âm) nên để có dư địa điều hành giá cho các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, hai bộ đã quyết định bắt đầu trích lập.

Như vậy, giá xăng trong nước có lần giảm đầu tiên sau đà tăng 7 lần liên tiếp. Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng giá có thể giảm thêm nhờ vào quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, chiều thứ 4 (23/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Với mức dự kiến giảm là 50% so với quy định hiện hành, giá xăng dầu được kỳ vọng giảm thêm nhằm bớt đi gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19.

https://cafef.vn/vi-sao-gia-xang-tang-nhieu-giam-it-2022032121510286.chn



Nguồn : Source link