Ngày 24/6/2021, tại đại hội cổ đông Tập đoàn Vingroup, khi trả lời ý kiến của cổ đông về những lo lắng cho dự án VinFast, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: “Xe điện không dễ dàng nhưng là thứ để Việt Nam thay đổi tầm vóc của mình. Nếu tôi nói con số chúng tôi dự định bán tại các thị trường nước ngoài có lẽ các anh còn thấy lo lắng hơn. Ví dụ tại Mỹ, năm 2026 chúng tôi kế hoạch bán hàng trăm nghìn xe”.
Không ai nghi ngờ tham vọng của ông Vượng và VinFast khi tạo nên một hãng xe có chỗ đứng tại Việt Nam chỉ trong 2 năm, lên kế hoạch ra mắt ô tô điện tại Mỹ và 4 quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, VinFast lấy gì làm “vốn” để chinh phục các thị trường đó thì vẫn còn là dấu hỏi mà rất nhiều người chưa có lời giải đáp.
Chỉ trong ít ngày gần đây, cũng đúng vào dịp sinh nhật 28 năm của Tập đoàn Vingroup, họ đã phần nào hé lộ câu trả lời.
Vingroup muốn làm chủ “khối óc” của những chiếc xe điện
2 thông tin cực kỳ quan trọng liên quan đến “hình hài” những chiếc ô tô điện VinFast trong tương lai đã được tiết lộ. Ngày 8/8, một video quay cảnh chiếc xe điện tự lái cấp độ 4 dán logo Vin Bigdata chạy bon bon ở đảo Hòn Tre (Nha Trang) xuất hiện và thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.
Tất nhiên, Vingroup không chỉ nghiên cứu ra tính năng đó chỉ để phục vụ xe điện chở khách du lịch mà đích họ nhắm đến chính là ô tô điện VinFast, đúng như những gì họ công bố trước đó.
Vingroup thử nghiệm ô tô điện tự lái cấp độ 4.
Đến ngày 10/8, thêm một video về trợ lý ảo có tên Vivi VinFast xuất hiện, cho thấy người dùng có thể ngồi bên trong xe ra lệnh cho xe mở nhạc, chỉnh nhiệt độ điều hoà, thực hiện cuộc gọi cũng như trò chuyện bằng tiếng Việt với chiếc xe.
Công nghệ tự hành, trợ lý ảo đều là những công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay mà tất cả hãng công nghệ cũng như nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đang nghiên cứu. Quan trọng hơn, dù bước chân vào lĩnh vực này chưa lâu nhưng Vingroup đã cho ra kết quả bước đầu và tất cả quá trình phát triển này đều nằm trong lộ trình của họ.
Cách đây ít lâu, Vingroup tuyên bố dừng mảng sản xuất điện thoại thông minh và TV của VinSmart để tập trung vào phát triển các tính năng infotainment cho VinFast (và lĩnh vực IoT). Không rõ thành quả bước đầu hiện tại có liên quan gì đến quyết định trên hay không nhưng sự quyết tâm dồn toàn lực cho VinFast là điều có thể nhìn rõ.
Trong phần trả lời với cổ đông, ông Phạm Nhật Vượng có nhắc đến việc xe VinFast sở hữu các tính năng thông minh hơn nhiều so với xe xăng nên việc cạnh tranh là rất khả thi. Ông cũng khẳng định “tính năng tự lái thông minh của chúng tôi hàng đầu thế giới”.
Và cả “trái tim” để hoàn thiện một hệ sinh thái khép kín
Dồn một lượng lớn đầu tư và tâm huyết cho “khối óc” của những chiếc xe VinFast, Vingroup cũng không bỏ quên một công nghệ sống còn khác trên ô tô điện là pin – thứ được ví như “trái tim” của ô tô điện.
Ngày 9/8, Vingroup công bố thông tin về việc thành lập CTCP Giải pháp năng lượng VinES với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. 2 cổ đông chính là Tập đoàn Vingroup (51%) và ông Phạm Nhật Vượng (48,5%). Ngành nghề kinh doanh chính của VinES là sản xuất pin và ắc-quy.
Mô phỏng siêu nhà máy sản xuất pin của Tesla.
Pin không chỉ là thành phần quan trọng nhất mà còn là linh kiện đắt bậc nhất trên một chiếc ô tô điện nhưng để làm chủ công nghệ pin lại không hề đơn giản.
Để đẩy nhanh quá trình phổ cập ô tô điện, hầu hết nhà sản xuất ban đầu đều chọn cách nhập pin từ bên ngoài. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các công ty này đều “quay xe”, tập trung đầu tư rất mạnh vào pin với 2 hướng: 1) Rót vốn cả trăm triệu USD vào các startup hoặc công ty sản xuất pin để thu lời (vì nhìn ra tiềm năng của các công ty này) và giành quyền ưu tiên nhập pin để tránh phụ thuộc sâu vào đối tác bên ngoài. 2) Chi cả tỷ USD để tự đầu tư phát triển công nghệ pin. Tesla – hãng ô tô điện lớn nhất thế giới hiện nay từ năm 2019 đã công bố kế hoạch xây “siêu nhà máy” trị giá 6,9 tỷ USD để sản xuất pin tại Đức.
VinFast cũng từng công bố hợp tác với LG Chem – một trong những hãng sản xuất pin lithium-ion hàng đầu thế giới. Nhà máy của liên doanh VinFast – LG Chem đặt trong khu phụ trợ, tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở Cát Hải (Hải Phòng) và giờ đây, Vingroup tự lập một công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất pin cho ô tô điện. Chưa rõ thông tin về bộ máy nhân sự của VinES nhưng với “truyền thống” của Vingroup, việc hãng lôi kéo những nhân sự “có số có má” trong lĩnh vực công nghệ pin về VinES là điều không lạ.
Có cơ sở để tự tin
Nhìn rộng ra thị trường toàn cầu, hàng loạt nhà sản xuất lớn đều đang tham gia mạnh mẽ vào thị trường xe điện – được dự báo trị giá khoảng 802 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 22,6%. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn là các hãng ô tô truyền thống gặp không ít khó khăn trong việc phát triển các tính năng thông minh cho ô tô điện vì đó không phải thế mạnh của họ.
Trong khi đó, các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Huawei, Xiaomi đều lên kế hoạch tham gia vào thị trường bởi họ có nền tảng mạnh mẽ về công nghệ, nhưng gặp khó vì phải tìm đối tác (là nhà sản xuất ô tô truyền thống) để hợp tác, hoặc buộc phải chọn cách chỉ cung cấp nền tảng hoặc giải pháp dịch vụ.
VinFast sẽ mở bán ô tô điện tại Mỹ và châu Âu vào năm sau.
Cho đến nay, chỉ có số rất ít nhà sản xuất, trong đó có Tesla – được ví là Apple của thế giới ô tô – muốn tạo ra một giải pháp hoàn chỉnh, từ sản xuất xe đến phần mềm cũng như công nghệ pin.
Sẽ là khập khiễng nếu đem cách làm hiện tại của Vingroup với Tesla bởi quy mô và giải pháp là khác nhau. Tuy nhiên, với các động thái gần đây, có thể nhìn ra tham vọng của Vingroup chính là làm chủ các công đoạn quan trọng nhất trên một chiếc ô tô điện thông minh để tạo ra một hệ sinh thái khép kín. Đây chính là ‘vốn” để ông Vượng tự tin gia nhập Mỹ và châu Âu – những thị trường khó tính nhất thế giới.
Nguồn : Source link