Trong chương trình Trên Ghế 52 phát sóng ngày 12/12, host Đăng Việt và khách mời Nguyễn Kiên sẽ thảo luận về chủ đề: Mua xe cũ cuối năm – Cần lưu ý gì?
Tôi được biết, anh bắt đầu nghề kinh doanh xe đã qua sử dụng sau một lần bị lừa khi đi mua xe cũ. Anh có thể chia sẻ gì về điều này?
Tôi nghĩ vết xe đổ này cũng là bài học của mọi người, đó chính là sự tin tưởng.
Năm đó, tôi đi mua một chiếc Honda CR-V với suy nghĩ tìm và mua xe từ chính chủ đang sử dụng. Lý do là bởi tôi sợ bị các salon xe cũ lừa. Cuối cùng, tôi lại bị chính chủ xe lừa.
Tôi đã mua chiếc Honda CR-V 2.4 2010 với giá 700 triệu. Thời điểm đó, là một người dùng bình thường, không có kinh nghiệm về xe cũ, chỉ biết tin tưởng chủ xe. Tôi đi mua xe cũ mà không biết phải xem gì, kiểm tra như thế nào, chỉ hỏi qua về tình trạng và chất lượng.
Khi mua xong, ngày hôm sau tôi mang xe ra đại lý Honda để bảo dưỡng. Lúc đó, cố vấn dịch vụ và kỹ thuật đều bảo rằng chiếc xe này bị tai nạn rất nặng, nếu muốn phục hồi về nguyên bản sẽ tốn rất nhiều tiền. Cảm xúc của tôi từ hưng phấn bao nhiêu sau giây phút đó tụt xuống bấy nhiêu.
Sau đó, tôi tìm đến nhà chủ xe ngỏ ý muốn trả lại xe và chịu thiệt một phần tiền nhưng họ nhất quyết không đồng ý. Họ bảo là đã dùng số tiền bán chiếc Honda CR-V để mua xe khác rồi nên không có để trả cho tôi nữa. Sau khi về, tôi được một người liên hệ để mua lại xe. Đến lúc này, tôi biết rằng chiếc CR-V đó trước khi bán cho người chủ trước cũng đã bị tai nạn.
Cuối cùng, tôi đã bán lại được chiếc xe đó cho người đã liên hệ với giá chỉ 600 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày tôi mất luôn 100 triệu. Đó là động lực thôi thúc tôi quyết tâm tìm hiểu về những chiếc xe bị đâm đụng, ngập nước.
Sau 2 năm “lăn lê bò toài” tại các xưởng sửa chữa, salon bán ô tô cũ, tôi đã đúc kết được cho mình những kiến thức về các vấn đề liên quan đến xe. Tôi biết được xe đâm đụng, ngập nước là như thế nào, vì sao những chiếc xe này lại mất giá như vậy.
Với những người mua xe lần đầu hoặc những người ít kinh nghiệm sẽ thấy rất mông lung nhưng thực sự là ô tô sẽ có logic. Anh có thể hình dung xe ô tô như một chiếc hộp, khi bị va vào chỗ nào chắc chắn chỗ đấy phải có dấu vết, có thay đổi, xô lệch. Nếu xoáy sâu vào những điểm đó, chúng ta sẽ tìm được lỗi của chiếc xe.
Thường mọi người sợ những chiếc xe bị thủy kích hoặc ngập nước, đây là 2 khái niệm khác nhau mà mọi người hay nhầm lẫn. Khi bán xe, tôi sẽ phải giải thích lại cho khách hàng về điều này.
Ngập nước được chia thành ngập tĩnh và ngập động. Xe bị ngập tĩnh là xe ở một vị trí cố định nhưng khu vực bất ngờ bị nước dâng lên rồi rút đi. Ngập động là xe đi vào khu vực ngập nước. Hậu quả của việc này nặng nhất là thủy kích, khi nước lọt vào động cơ gây ảnh hưởng đến các chi tiết máy.
Với những trường hợp ngập tĩnh nhẹ, nước chỉ dâng lên khoảng vài chục phút rồi rút xuống thì việc phát hiện khi kiểm tra xe cũ tương đối khó. Với những chiếc xe ngập tĩnh trong thời gian lâu thường sẽ đọng lại bùn đất hoặc ở những vị trí khó, người kiểm tra xe cần đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Đối với thủy kích, thực sự ai mua xe cũng rất ái ngại.
Cuối cùng, những chiếc xe bị lỗi đó chẳng đi đâu cả, vẫn tồn tại trên thị trường. Quan trọng, những chiếc xe đó sau này sẽ rơi vào tay ai và bằng cách như thế nào. Nếu không lựa chọn, kiểm tra kỹ càng trong quá trình đi mua xe cũ, ai cũng có thể gặp phải trường hợp như tôi trước đây.
Với những người làm nghề như chúng tôi, việc phát hiện một chiếc xe bị thủy kích không khó. Chiếc xe đó có thể được làm lại các chi tiết để trông như nguyên bản mà nhiều người gọi là “bùa phép”, nhưng nếu những người có kinh nghiệm kiểm tra kỹ càng thì dù kỹ đến đâu cũng vẫn có thể nhận ra.
Vậy với những người không có kinh nghiệm, làm sao để có thể phát hiện ra một chiếc xe bị lỗi?
Chúng tôi dù đã có một lượng kiến thức nhất định nhưng khi đi xem một chiếc xe cũng sẽ có những lúc bị mông lung. Khi đi xem những chiếc xe đã bị “bùa phép”, bản thân chúng tôi cũng cần một thời gian tĩnh lại, để xâu chuỗi những căn cứ một cách logic mới dám kết luận. Vì thế, với những mới mua xe tôi nghĩ sẽ rất khó để phát hiện được.
Vậy nên, người mua xe nên tìm những đơn vị có kinh nghiệm, có dịch vụ kiểm tra kỹ càng. Quan trọng, họ dám cam kết cũng như chịu trách nhiệm về những vấn đề mà họ kiểm tra. Lúc đó, chúng ta sẽ đỡ đau đầu hơn, thay vì lo lắng về xe thì dành thời gian đó để làm những việc mà có thể kiếm ra tiền nhanh hơn.
Sau khi đã tìm được một chiếc xe cũ có chất lượng tốt, làm sao để người mua biết được giá bán của xe là hợp lý?
Đây là một câu hỏi rất hay. Bản thân những người kinh doanh xe đã qua sử dụng như chúng tôi để định giá chính xác một mẫu xe đôi khi cũng rất khó. Bởi vì, giá bán của xe luôn biến động. Mỗi lần các hãng khuyến mãi, giảm giá xe mới từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, chúng tôi phải định giá lại xe cũ là chuyện bình thường.
Với câu hỏi này, chúng tôi sẽ định giá theo bằng trung bình cộng của mẫu xe đó trên thị trường xe cũ. Lấy trung bình cộng của giá thấp nhất và giá cao nhất, hoặc trung bình cộng của 10 giá khác nhau. Khi đó, kết quả là khoảng giá chung mà mọi người có thể mua được mẫu xe đó trên thị trường xe cũ.
Còn để định giá chính xác là rất khó. Bởi vì, những người đi mua xe đã qua sử dụng nếu tìm được chiếc xe ưng ý và chất lượng, họ sẵn sàng mua cao hơn 10-20 triệu so với thị trường. Bản thân tôi cũng vậy, với những sản phẩm giá trị cao, tôi không ưu tiên việc giá rẻ mà muốn mua sản phẩm chất lượng.
Với kinh nghiệm của mình, anh sẽ gợi ý những mẫu xe nào cho khán của Trên Ghế khi mua xe cũ?
Với câu hỏi này, tôi nghĩ cần phải chia theo ngân sách, với từng tầm tiền khác nhau thì sẽ có những cái mẫu xe phù hợp khác nhau.
Phân khúc hạng A đang có sự cạnh tranh của nhiều mẫu xe tầm giá dưới 400 triệu đồng, từ xe xăng đến xe điện. Với xe cũ, sự lựa chọn an toàn là Kia Morning, Hyundai Grand i10, VinFast Fadil. Trong đó, Fadil là một trong những ứng cử viên giá dưới 300 triệu đồng rất tốt cho phân khúc hạng A. Phân khúc hạng B, Honda City, Hyundai Accent và Toyota Vios là những mẫu xe được nhiều người tìm kiếm. City có điểm cộng rất lớn, mặc dù giá cao hơn các mẫu xe khác. Lên đến phân khúc hạng c thì sẽ là ờ Kia Cerato, Kia K3 và Mazda3. Những chiếc xe gầm cao ăn khách có thể kể đến Kia Seltos, Mitsubishi Xforce. Cao hơn có Mitsubishi Outlander, Honda CR-V, Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Mazda CX-5.
Đấy là những cái mẫu xe mà ở mỗi phân khúc khi tìm xe cũ, người dùng đã ấn định những cái tên đó trong đầu.
Khi đi vào sâu hơn, chúng ta lựa chọn năm sản xuất, màu sơn, quãng đường đi được. Kinh nghiệm của tôi là chúng ta chỉ nên chọn 2 lấy 1, nếu dàn trải quá thì rất khó. Bởi vì nếu chọn màu, chọn phiên bản, chọn số km đi được mà vẫn phải phù hợp ngân sách mất nhiều thời gian. Khi đã chọn được rồi, salon đã bán mất chiếc xe đó, chúng ta lại đi tìm từ đầu.
Vì thế, mọi người khi mua xe cũ hãy cố gắng gạch ra những cái đầu dòng, sau đó hỏi những người có kinh nghiệm về mẫu xe đó. Thường người mua sẽ mua theo ý thích hoặc lý trí. Nếu ai mua bằng lý trí sẽ lâu hơn.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ này.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Nguồn : Source link