[Trên Ghế 21] VMS 2024 và những thách thức cho cả hãng xe và BTC!
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh về chủ đề: Vietnam Motor Show 2024 có còn hấp dẫn?
Triển lãm Vietnam Motor Show 2024 (VMS 2024) sẽ chính thức diễn ra tại TP HCM trong thời gian 23-27/10 tới. Năm nay, tên tiếng Việt của VMS 2024 đã đổi thành “Triển lãm Ô tô & Xe máy Việt Nam 2024” thay vì chỉ mỗi ô tô như trước. Anh đánh giá như thế nào về thay đổi này?
Năm nay, VMS 2024 có sự tham gia của nhiều thương hiệu xe máy từ quen thuộc như Honda, Yamaha đến những tên tuổi lạ hơn về xe phân khối lớn. Vì thế, việc ban tổ chức đổi tên là điều hiển nhiên.
Tôi cho rằng, việc đổi tên này đáng hoan nghênh. Vì, không chỉ phản ánh đúng bản chất của triển lãm, việc này còn cho thấy đây không phải là lần đầu tiên các hãng xe máy tham gia dù trước đây chỉ mang tính “góp vui”.
Xe máy vốn là một phương tiện giao thông quen thuộc với người tiêu dùng Việt, năm nay đã thực sự trở thành một trụ cột quan trọng của triển lãm lớn nhất ngành. Thực tế, khách hàng cũng rất quan tâm đến xe hai bánh, bên cạnh những mẫu xe bốn bánh.
VMS 2024 không còn sự xuất hiện của các thương hiệu xe sang như Audi, Mercedes-Benz, Volvo, Lexus… Theo anh, điều này có khiến VMS 2024 mất đi sức hút đối với khán giả?
Việc các hãng xe sang chọn vắng mặt ngoài những lý do chủ quan còn có rất nhiều yếu tố khách quan.
Thứ nhất, xe sang là những dòng xe rất là cá tính. Khi đứng chung trong một không gian và phải hoạt động theo một khuôn khổ, họ rất khó để thể hiện cá tính riêng khác biệt của mình.
Một trong những vấn đề của xe sang chính là sự kết nối giữa hãng xe và người tiêu dùng. Trong một môi trường quá sôi động, người dùng khó có thể cảm nhận được sự cao cấp, tận tình trong việc chăm sóc khách hàng vốn là điểm mạnh của các hãng xe sang.
Thứ hai, đối với công chúng đến xem triển lãm, dù việc vắng các mẫu xe sang, siêu xe đắt tiền là một điều đáng tiếc, nhưng điều đó không có nghĩa là những mẫu xe phổ thông sẽ nhàm chán.
Chúng ta đều biết, không gian của triển lãm tại TPHCM không quá rộng, trong khi các hãng xe sang đòi hỏi diện tích trưng bày lớn. Vì thế, khi có cả xe sang và xe phổ thông, “đất diễn” cho xe phổ thông bị hạn chế rất nhiều.
Tôi cho rằng, với sự thay đổi này, nhóm xe phổ thông vốn được quan tâm hơn cả sẽ có nhiều đất diễn hơn. Các nhà sản xuất cũng sẽ có nhiều ý tưởng và mang lại nhiều “món ngon” cho người dùng thưởng thức khi họ đến với triển lãm.
Theo anh, vì sao các hãng xe sang rút lui khỏi VMS 2024. Liệu vì kinh phí hay do triển lãm đang hết thời như xu hướng của thế giới?
Chúng ta không thể phủ nhận những khó khăn do tình hình kinh tế chung trong thời gian vừa qua.
Triển lãm xe tại Việt Nam có tính chất rất khác so với triển lãm tại các quốc gia lớn khác. Tại nhiều triển lãm hàng đầu như Geneva hay Frankfurt, các hãng xe mang đến những sản phẩm mới, công nghệ mới lần đầu tiên xuất hiện.
Trong khi đó, Việt Nam nằm ở phía cuối của chuỗi kinh doanh ô tô trên toàn cầu. Vì thế, triển lãm mang tính chất của một hội chợ nhiều hơn, nơi khách hàng tiếp cận sản phẩm, nhà sản xuất tiếp cận khách hàng.
Khi tham gia triển lãm, dường như việc bán hàng, tiếp xúc trực tiếp với cả công chúng quan trọng hơn và nó đem lại nhiều cái giá trị hơn cho các hãng xe. Tuy nhiên, với hệ thống nhiều showroom như hiện nay, khách hàng có nhiều điều kiện để tiếp cận các mẫu xe hơn trước.
Trước đây, VMS luôn luôn là sự kiện quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính vì thế, sự hiện diện tại VMS là điều rất quan trọng với một hãng xe đang hoạt động ở Việt Nam. Nhưng, ở thời điểm này, việc hiện diện đó có thể hiểu theo nhiều nghĩa và mỗi hãng xe có quyền chủ động lựa chọn cách hiện diện phù hợp nhất với thương hiệu, túi tiền cũng như là mục đích kinh doanh.
Vậy với những thương hiệu còn ở lại với VMS 2024, họ cần làm gì để kéo công chúng đến với triển lãm năm nay?
Đối với những hãng xe mới, việc tham một sự kiện quan trọng như VMS giúp ghi giấu trong lòng công chúng, như một cách thông báo chính thức về sự hiện diện tại Việt Nam.
Đối với những hãng xe đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, việc tiếp tục tham gia triển lãm sẽ tái khẳng định cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam. Cả hai bên đều có lý do để đến với triển lãm.
Tuy nhiên, việc duy trì độ hấp dẫn của triển lãm rất khó. Những năm trước, các hãng xe khi tham gia VMS đều phải hoạt động chung với một quy chuẩn và một khung chương trình cố định. Mặc dù việc này đảm bảo tính công bằng với tất cả các thương hiệu tham gia chương trình nhưng vô tình bó hẹp sự sáng tạo.
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng bản thân những nhà tổ chức triển lãm nên có những điều chỉnh khoảng 20 năm giữ format như vậy. Họ cần có những điều chỉnh để khuyến khích sự sáng tạo của các hãng, cho phép các hãng thoải mái thể hiện cá tính. Việc này cũng là cách tạo điều kiện cho những công nghệ mới xuất hiện trên sân khấu của VMS.
Tôi từng tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài, chứng kiến nhiều màn trình diễn ấn tượng. Nhưng với không gian tổ chức và quy định của VMS là điều gây khó khăn để mang những tiết mục hấp dẫn về Việt Nam.
Thứ hai, VMS lâu nay được tổ chức với mục đích chính là kích cầu để tăng doanh số cho quý cuối năm. Dù các hãng xe tham gia VMS đều đặt ra mục tiêu doanh số cho riêng mình, nhưng tôi cho rằng điều này sẽ bó hẹp cho những sáng tạo cũng như trải nghiệm của khách tham quan. Nếu cứ chăm chăm nhắm vào việc ký hợp đồng, trải nghiệm của khách hàng đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ ba, dù Việt Nam nằm gần cuối chuỗi kinh doanh ô tô, nhưng thị trường còn rất nhiều dư địa để phát triển. Vì thế, các hãng xe nên có cân nhắc về chiến lược sản phẩm, nên ưu tiên hơn đưa về những “món mới, món ngon, món hút mắt” để người dùng cảm thấy hứng thú với thương hiệu.
Cuối cùng, cá nhân tôi cho rằng các nhà sản xuất hãy tổ chức các hoạt động tương tác nhiều hơn thay vì chỉ tổ chức những sân khấu nhạt nhẽo khi người dùng đứng nhìn từ xa. Hãy cho người dùng cơ hội tiếp cận trải nghiệm sản phẩm cũng như là trải nghiệm các công nghệ bên trong nhiều hơn. Triển lãm ở nước ngoài, nhiều hãng xe mang đến bộ ghế để khách tham quan trải nghiệm cảm giác lái. Thậm chí ở Trung Quốc, người trong gian hàng
Đấy là những trải nghiệm mà tôi chắc chắn là người dùng Việt Nam sẽ rất hứng thú, thay vì họ chỉ có thể quan sát những mẫu xe giống ngoài showroom.
Vậy đứng từ góc độ của người dùng, VMS 2024 có phải là một sự kiện thực sự đáng lưu tâm, nên tới để trải nghiệm hay không, thưa anh?
Tôi cho rằng, VMS 2024 sẽ là một sự kiện vẫn đáng quan tâm vì một lý do rất đơn giản.
Đây là một sự kiện có nhiều thay đổi rất lớn sau nhiều năm. Trong đó có sự xuất hiện của hàng loạt các hãng xe mới, đặc biệt là các hãng xe Trung Quốc vốn lâu nay là sự bí ẩn đối với phần lớn người tiêu dùng. VMS 2024 là dịp để họ chứng minh được chất lượng sản phẩm cũng như là những giá trị khác bên cạnh những thương hiệu mạnh của Nhật Bản, Mỹ đã thống trị ở thị trường Việt Nam nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường ô tô đang gặp nhiều khó khăn, triển lãm VMS 2024 là kỳ kích cầu rất xuất hiện đúng lúc. Chính vì thế, tôi cho rằng các hãng xe sẽ không ngần ngại đầu tư những món ngon. Việc này sẽ giúp người tiêu dùng thực sự có được trải nghiệm tốt nhất và có cảm tình với sản phẩm.
Cảm ơn anh Linh rất nhiều về những thông tin hữu ích vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Nguồn : Source link