Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và nhà báo Khuất Thế Đạt về chủ đề: BYD số 1 thế giới, liệu có số 1 tại Việt Nam?
BYD hiện là hãng xe điện số 1 thế giới. Vậy khi vào Việt Nam, BYD có thể trở thành số 1 hay không, thưa anh?
BYD đang là hãng xe điện số 1 thế giới nhưng chưa chắc là số 1 ở Việt Nam. Thị trường Việt Nam hay là bất cứ thị trường nào khác đều có những đặc thù riêng.
Trong một bài viết mới đây, khi nói về việc BYD gia nhập thị trường, tôi có nói rằng BYD sẽ đối mặt với 3 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tâm lý của người tiêu dùng ở Việt Nam. Vấn đề thứ 2 là sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với một đơn vị nội địa. Vấn đề thứ 3 là về định giá.
Trong vấn đề tâm lý người tiêu dùng mà anh vừa nhắc tới, tôi thấy một bộ phận không nhỏ khách hàng lăn tăn về cách sạc xe điện BYD. Anh đánh giá thế nào về điều này?
Trong lễ thông báo BYD chính thức bước chân vào Việt Nam, hãng không lo lắng về trạm sạc và cho biết có thể giải quyết được bài toán trạm sạc. Nhưng cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm đó.
Bởi vì, hệ thống trạm sạc công cộng ở Việt Nam chưa phát triển. Hiện nay chỉ có VinFast triển khai lắp đặt hệ thống trạm sạc công cộng. Họ hiện cũng không có lý do gì chia sẻ lợi thế cạnh tranh của mình cho các đối thủ.
BYD nói rằng, họ sẽ cung cấp bộ sạc cầm tay và bộ sạc treo tường tại nhà nhưng tôi nhận thấy còn nhiều bất cập.
Bộ sạc cầm tay công suất nhỏ chỉ khoảng 7kW nên người dùng phải mất thời gian rất lâu để sạc đầy. Hãng nói rằng, chủ xe có thể dùng để cắm ở quán cà phê, nhưng vấn đề là chủ quán có đồng ý việc này hay không, không gian của quán có đủ chỗ để sạc điện hay không…
BYD cho biết sẽ hợp tác với các bên thứ 3 để lắp trụ sạc tại nhà. Tuy nhiên, nếu bộ sạc ở nhà công suất chỉ 7-11kW thì phải mất 11-12 tiếng để sạc đầy chiếc BYD Dolphin. Thời gian này là quá lâu và quá bất tiện đối với người dùng. Thêm nữa, nếu muốn làm trụ sạc tại nhà thì chủ nhà phải làm thủ tục chuyển đổi sang điện 3 pha.
Chưa hết, nếu muốn sạc ở nhà thì phải có không gian để sạc. Trong khi số lượng người có điều kiện kinh tế ở nhà đất diện tích rộng rãi, ngõ thông thoáng không nhiều. Tôi ở chung cư, có giải pháp sạc xe điện ở hầm, nhưng việc này khó có thể đảm bảo vấn đề phòng cháy chữa cháy và những vấn đề khác nữa.
Để trấn an người dùng, thương hiệu Trung Quốc nói rằng, xe điện BYD có thể đi vài trăm km mới phải sạc. Theo anh, con số này có đủ để khách hàng hài lòng nếu như không có mạng lưới trạm sạc công cộng hay không?
Tôi nghĩ đó chỉ là giải pháp mà họ nói ra. Còn thực tế người dùng đánh giá như thế nào thì còn phải xem xét. Họ nói rằng, xe BYD có thể đi được khoảng 400km cho mỗi lần sạc. Tuy nhiên, điều quan trọng là hãng chỉ có 3 giải pháp sạc, bao gồm: bộ sạc cầm tay, trụ sạc tại nhà và sạc tại showroom.
BYD đang có 13 showroom và tăng lên 20 showroom đến cuối năm nay. Ví dụ, tôi đi từ Hà Nội vào Vinh (Nghệ An) khoảng 300km là đã có trạm sạc tại đây. Nhưng vấn đề là nếu tôi muốn đi xa hơn thì các trạm sạc ở showroom quá thưa thớt.
So sánh với VinFast, hãng xe Việt có trạm sạc ở trung tâm thương mại, cây xăng, trạm dừng nghỉ… với độ phủ dày đặc. Đây là bất lợi của BYD.
Ngoài bất lợi về trạm sạc, giá bán của BYD cũng không tạo được sự bất ngờ. Theo anh, điều đó có khiến hãng xe Trung Quốc gặp trở ngại lớn?
Tôi nghĩ rằng đây là chiến lược của BYD và họ đã dự tính từ trước rồi.
Tôi đánh giá 3 mẫu xe BYD có độ hoàn thiện rất tốt. Khi lái thử, cảm giác mà BYD Seal mang lại rất tốt còn Atto 3 kém hơn.
Tôi cho rằng, cách định giá này là chiến lược của BYD, để định vị sản phẩm của mình ở phân khúc cao. Sau đó, hãng xe Trung Quốc sẽ từng bước để giảm giá xe.
Tại Thái Lan, BYD gặp phải làn sóng phản đối của khách hàng cũ khi liên tục giảm giá sản phẩm. Theo anh, hãng xe Trung Quốc có lặp lại “vết xe đổ” này tại Việt Nam?
Tôi nghĩ nếu BYD giảm giá xe quá nhiều như ở Thái Lan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có những động thái để ngăn chặn điều ngày. Ngoài ra, bản thân những nhà làm chính sách cũng sẽ có cách để tạo ra những rào cản, ngăn chặn việc này xảy ra.
BYD đã xác nhận tham gia Vietnam Motor Show 2024 và sẽ giới thiệu thêm sản phẩm mới. Anh kỳ vọng gì vào thương hiệu này tại triển lãm cũng như trong tương lai?
Chúng ta đã biết, người Trung Quốc làm cái gì cũng nhanh mà đặc biệt là xe điện làm quá nhanh. Bằng chứng là khi vừa công bố, BYD đã giới thiệu 3 mẫu xe điện cùng lúc tại Việt Nam. Tháng 10 tới, hãng cũng cho biết sẽ bổ sung thêm 3 mẫu xe nữa, nâng tổng số sản phẩm lên 6. Con số này gần bằng với VinFast hiện nay khi hãng xe Việt có 7 mẫu xe.
BYD cũng từng rất nhanh trong việc tiến vào thị trường châu Âu hay Đông Nam Á bằng nhiều cách làm độc đáo. Ở Singapore, hãng mở hai nhà hàng BYD, mời thực khách đến ăn và mời trải nghiệm xe điện. Ở châu Âu, BYD mở cửa hàng trong trung tâm thương mại, cạnh những nhãn hiệu thời trang nhiều người lui tới.
Trên đây là 2 cách làm chưa từng có đối với một hãng ô tô. Vì thế, bản thân tôi và Việt dù là những người làm truyền thông nhưng rất khó để có thể biết được BYD sẽ làm gì tiếp theo tại Việt Nam. Việc của chúng ta là chờ xem họ sẽ làm gì, liệu họ có thể trở thành số 1 tại Việt Nam hay không?
Cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi!
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Nguồn : Source link