https://www.youtube.com/watch?v=3WUp_AYGSHs
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh về chủ đề: “Haval đang sai ở đâu?”
Tháng 8 này là tròn 1 năm thương hiệu Haval ra mắt và mở bán mẫu xe đầu tiên tại Việt Nam. Hãng xe Trung Quốc chỉ có 1 sản phẩm duy nhất là H6 Hybrid, dù không công bố doanh số nhưng rõ ràng số lượng xe xuất hiện trên đường phố là rất ít. Vậy theo anh, việc chỉ ra mắt 1 sản phẩm có phải nguyên nhân cho sự chưa thành công này?
Haval vào Việt Nam đã có sẵn một hệ thống nhà phân phối ổn định của một thương hiệu khác. Vì thế, tôi nghĩ hãng chỉ bán 1 sản phẩm là có lý do. Đó là, họ cần thời gian để tối ưu hóa hệ thống đại lý kinh doanh, dịch vụ, đào tạo cũng như hoàn thiện các hạng mục khác. Đây là chiến lược mà nhiều thương hiệu sử dụng khi mới tham gia vào thị trường, không chỉ ở Việt Nam cũng như không riêng ngành ô tô.
Nhưng tôi nghĩ rằng, thời gian 1 năm vừa qua là đã đủ để Haval triển khai những bước tiếp theo. Hãng đã có những nỗ lực nhất định trong việc mở rộng hệ thống đại lý cũng như đưa chiếc H6 Hybrid tiếp cận tới công chúng. Vì thế, tôi nghĩ việc Haval ra mắt 1 mẫu xe ban đầu không phải vấn đề.
Tuy nhiên, từ việc mẫu xe Haval H6 xuất hiện rất ít trên đường, có thể thấy rằng, khi chỉ ra mắt 1 sản phẩm duy nhất, nếu muốn có sự thành công thì sản phẩm đó phải nổi bật trên thị trường về khía cạnh nào đó. Thực tế, chất lượng có thể tốt nhưng thật sự mẫu xe này chưa có gì xuất sắc để thu hút người tiêu dùng.
Để thành công, các sản phẩm khi ra mắt đều phải có điểm riêng biệt đặc trưng. Ví dụ, Wuling được chú ý đến như một thương hiệu xe Trung Quốc “không giống ai”, thành công hay không thì còn nhiều điều để nói nhưng rõ ràng họ có sự nổi bật.
Hiện nay, xu hướng xe thuần điện và hybrid được chú ý nên việc ra mắt chiếc H6 Hybrid là lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, mức giá của xe đang làm cho công nghệ này khó tiếp cận đối với đại đa số người tiêu dùng.
Anh nói Haval cần có gì đó nổi bật hơn. Vậy đó là gì, thưa anh?
Thứ nhất, với một sản phẩm mới trên thị trường nên có một khía cạnh hút đối tượng khách hàng hướng đến. Ví dụ như xe Trung Quốc có thế mạnh về thiết kế, công nghệ. Với thế mạnh về chuỗi cung ứng, giá của các mẫu xe Trung Quốc rất là tốt.
Đó là 3 yếu tố Haval rất có lợi tại Việt Nam. Chưa hết, hãng xe này có lợi thế hơn khi tận dụng được hệ thống phân phối phần lớn có sẵn hoặc các đối tác ổn định thay vì loay hoay tìm đối tác như một số thương hiệu Trung Quốc khác. Chính vì thế, Haval có thể tập trung hơn vào việc tiếp thị sản phẩm. Tôi nghĩ Haval có thể triển khai các chương trình ưu đãi hoặc các giá trị gia tăng cho khách hàng.
Hiện nay sản phẩm của các hãng xe Trung Quốc tương đối giống nhau, không tạo thành các phong cách khác biệt như xe Nhật hay xe Mỹ. Ví dụ, nói đến Ford thì nói đến phong cách sống, nói đến Toyota là sự bền bỉ và tính tin cậy. Thế nhưng khi nhắc đến Trung Quốc thì các hãng xe không có cá tính hay sự nổi bật nào. Trong khi nhóm khách hàng trẻ tuổi muốn thể hiện cái tôi và rất mong muốn có phong cách riêng. Một mẫu xe nếu không có điều đó thì khó để lọt vào “mắt xanh” của đối tượng khách hàng này, chưa nói đến chất lượng ra sao, ưu đãi thế nào.
Yếu tố thứ hai là sự quen thuộc của thương hiệu đối với người tiêu dùng. Những thương hiệu như VinFast rất thông minh khi họ sử dụng các dịch vụ để đưa xe ra đường để người dân nhìn thấy hàng ngày, cảm thấy quen thuộc. Trong khi Haval xuất hiện rất ít trên đường, thậm chí xe chạy thử cũng không nhiều. Vì thế, hầu hết người dùng đều cảm thấy lạ lẫm khi nhắc đến thương hiệu này cũng như khi nhìn thấy xe trên đường. Điều này gây nên tâm lý cẩn trọng. Đó là yếu tố thứ 2 mà Haval nên thay đổi.
Thứ 3 là câu chuyện giá bán. Gần đây Haval áp dụng giảm giá thường xuyên. “Chiêu” này không mới, vì nhiều hãng đẩy ra niêm yết và giá bán ra chênh nhau để tạo hình ảnh họ mong muốn cho mẫu xe của mình. Cách làm này hợp lý nhưng chỉ giảm giá bán không đủ để thuyết phục khách hàng.
Haval nên cân nhắc về những gói giá trị gia tăng, dịch vụ. Các hãng xe ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khi hướng đến nhóm khách hàng trẻ mới đều đi kèm nhiều dịch vụ. Ví dụ như ưu đãi, kết nối hệ thống, kết nối với các dịch vụ gắn liền đời sống hàng ngày hay trải nghiệm mua hàng từ khi gửi xe đến vào showroom. Đó là những điều mà người tiêu trẻ dùng cảm thấy hào hứng.
Trước đó, Haval đã tiết lộ lộ trình ra mắt sản phẩm mới nhưng không làm được đúng lịch theo như họ kỳ vọng. Anh nhận định gì về điều này?
Hiện nay, dải sản phẩm xe Trung Quốc đang rất phát triển. So với các thị trường khác, xe Trung Quốc có sự gắn kết với nhau rất tốt, nhưng đây là con dao hai lưỡi. Về cung ứng thì rất có lợi nhưng để tạo cá tính riêng thì bất lợi lớn.
Chính vì thế, Haval muốn đưa các sản phẩm dành cho số ít đối tượng thì phải tô đậm được cá tính của mình. Việc ra mắt chậm sản phẩm cũng là bất lợi. Khi đang chỉ có 1 sản phẩm thì hãng nên tranh thủ thời gian đó để tối ưu kinh doanh, trải nghiệm khách hàng…
Nhưng khi mẫu xe đó bắt đầu trở nên nhàm chán thì hãng cần có những sản phẩm tiếp theo để duy trì hình ảnh và độ phủ của thương hiệu trên thị trường. Tháng 10 tới, Vietnam Motor Show 2024 được xem như màn chào sân của làn sóng xe Trung Quốc tại Việt Nam, nếu Haval không có sản phẩm mới thì hãng đã bỏ lỡ một sự kiện quan trọng.
Chính vì thế Haval nên tăng cường sự hiện diện trên truyền thông hoặc có những phương thức để các mẫu xe của mình trở nên quen thuộc trong mắt công chúng Việt Nam.
Hãng cho biết sẽ phân phối chiếc 2 Jolion và Tank trong tương lai. Đây đều là những dòng xe khén khách. Anh đánh giá cơ hội của các dòng xe mới này như thế nào?
Tôi nghĩ Jolion là mẫu xe dễ bán hơn H6 vì mức giá dễ tiếp cận. Đây là mẫu xe Haval hoàn toàn có thể triển khai dịch vụ vận tải hành khách tương tự như một số mẫu của VinFast. Tôi biết Haval cũng đang có ý định như vậy. Theo tôi đây là hướng tiếp cận ổn. Còn riêng với Tank, tôi nghĩ đây là một sản phẩm thiên về làm thương hiệu và xây dựng hình ảnh.
Tôi nghĩ sự xuất hiện của 2 sản phẩm này sẽ bổ trợ cho nhau và cơ hội dành cho Jolion là rất lớn. Nhưng việc ấn định mức giá không phải là dễ trong bối cảnh hiện nay vì phân khúc của Jolion có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, bản thân các đồng hương Trung Quốc cũng đang gây ra sức ép không nhỏ đối với Haval.
Cảm ơn anh Linh rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi.
Đọc thêm
Nguồn : Source link