Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu từ năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đã và đang khiến nhiều nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu gặp khó, trong đó có các nhà sản xuất xe ở Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do tác động của dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam thiếu hụt linh kiện nghiêm trọng, bởi hầu hết linh kiện sản xuất ô tô của Việt Nam là nhập khẩu, chưa chủ động được nguồn cung nội địa.
Mặc dù, cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đã được cảnh báo từ giữa năm 2021, song đến nay các doanh nghiệp mới thực sự “ngấm đòn” bởi linh kiện, phụ tùng dự trữ đã ở mức cạn kiệt.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đang gặp phải khủng hoảng thiếu linh kiện nghiêm trọng.
Đại diện VinFast cho hay, mặc dù đặt mục tiêu giao 2.000 xe ô tô điện VinFast VF e34 trong tháng 1/2022 nhưng trên thực tế, nhà sản xuất này mới chỉ giao được vỏn vẹn 40 xe.
XE GIAO NHỎ GIỌT, ĐẠI LÝ CHỈ CAM KẾT CÓ HỒ SƠ ĐỂ KHÁCH NỘP THUẾ
Sang tháng 2, tình hình khả quan hơn chút đỉnh nhưng số lượng xe giao tới tay khách hàng vẫn chưa thể như kỳ vọng.
Một nhà sản xuất khác là TC Motor – đơn vị phân phối và lắp ráp ô tô Hyundai hiện cũng đang gặp tình trạng thiếu hụt linh kiện của 2 mẫu xe ăn khách Hyundai Tucson và Hyundai Santa Fe.
Trong tháng 1, mẫu xe Hyundai Santa Fe chỉ giao được 1.093 xe, bằng khoảng 50% so với lượng xe bán được trong tháng 12 là 2.078 xe dù đây là tháng Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu của khách hàng tăng cao. Một số đại lý Hyundai hiện tạm dừng ký hợp đồng mua bán mẫu xe Santa Fe vì chưa rõ thời điểm xe về để giao cho khách.
Cùng cảnh ngộ, anh Nam Cường, nhân viên bán hàng tại một đại lý THACO cho biết, tình trạng thiếu hụt xe đã xảy ra khoảng hơn một tháng nay. Các mẫu xe Mazda hiện không thiếu, nhưng KIA thiếu khá nhiều.
Những mẫu xe như: KIA Carnival, KIA Sonet hay KIA Seltos đều không đủ giao cho khách. Hiện tại, nếu khách hàng đặt cọc KIA Sonet hay KIA Seltos thì phải tháng 4 hoặc tháng 5 mới nhận xe.
Hoặc nếu tình trạng thiếu hụt linh kiện kéo dài thì thậm chí sang tháng 5 mới có hồ sơ để khách hàng đi nộp thuế và hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chứ thực ra chưa có xe về để giao trả khách.
THIẾU HỤT LINH KIỆN NGÀY CÀNG TRẦM TRỌNG
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện & phụ tùng ô tô đạt 4,92 tỷ USD, tăng 22,9%, tương ứng tăng 916 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang tháng 1/2022, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu tới 395 triệu USD linh kiện & phụ tùng ô tô các loại. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng lớn về linh kiện, phụ tùng ô tô của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Các chuyên gia cũng dự đoán, tình trạng khan hiếm linh kiện thậm chí còn trầm trọng hơn trong thời gian tới do xung đột Ukraine – Nga.
Nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn tại Châu Âu như: Renault, Volkswagen hay Porsche cho biết, họ bị tổn hại nặng nề do việc ngừng kinh doanh tại Nga và thiếu các phụ tùng quan trọng từ Ukraine.
Chiến sự tại Ukraine đã khiến các nhà sản xuất linh kiện, dù nhỏ nhưng quan trọng, đóng cửa các nhà máy thậm chí ở xa khu vực xung đột. Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt cùng tình trạng phong tỏa các tuyến thương mại đang cản trở việc vận chuyển ô tô và linh kiện ô tô đến và đi từ Nga.
Tại quy mô toàn cầu, các nhà phân tích cho rằng, tác động ban đầu là làm giảm sản lượng ô tô toàn cầu năm 2022 với khoảng 1,5 triệu chiếc tương đương 2%, tổng sản lượng xe hơi toàn cầu 84,2 triệu chiếc mà IHS Markit dự báo trước khi xung đột ở Ukraine diễn ra.
Nguồn : Source link