‘Chủ xe không cần cung cấp hồ sơ từ CSGT, xe bị cháy hoặc cây đổ vào đều được bảo hiểm bồi thường’


Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân về chủ đề: Những lần đòi quyền lợi bảo hiểm tưởng không thành có
Trong số phát sóng ngày 22/3, anh đã đưa ra 3 tiêu chí cần quan tâm khi mua bảo hiểm thân vỏ cho ô tô. Vậy trong quá trình tiếp nhận xử lý các sự việc đòi quyền lợi bảo hiểm, đâu là chiếc xe mà anh nhớ nhất?
Hồi tháng 6/2024, một sự việc được nhiều người tâm là chiếc Hyundai Creta đậu cạnh đường sắt ở phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã bị tàu hỏa đâm và thiệt hại rất nặng.

Chiếc Hyundai Creta bị tàu hỏa đâm vào. Ảnh: Mạng xã hội
Sau khi xảy ra, nhiều người trên mạng xã hội đều cho rằng lái xe đã vi phạm hành lang an toàn đường sắt nên doanh nghiệp (DNBH) không bồi thường là đúng. Thực tế, thời điểm đó, DNBH cũng đã từ chối bồi thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng xe vẫn được bảo hiểm. Sau khi nhận được ủy quyền từ chủ xe, tôi đã thành công trong việc yêu cầu DNBH bồi thường cho chủ xe.
Trong sự việc này, tôi cho rằng hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) là một giao kết dân sự và phải tuân theo các quy định của hợp đồng. Chỉ cần sự việc nằm trong phạm vi bảo hiểm của hợp đồng và không nằm trong điểm loại trừ, DNBH phải bồi thường. May mắn cho chủ xe, HĐBH của chiếc Hyundai Creta trong trường hợp đó không quy định điểm loại trừ đối với trường hợp xe vi phạm quy định về dừng đỗ theo quy định của luật an toàn giao thông. Vì thế, DNBH phải bồi thường cho chủ xe.

Vậy khi anh nhận ủy quyền từ chủ xe, đơn vị bảo hiểm có gây khó dễ để từ chối bồi thường hay không?
Không DNBH nào gây khó dễ một cách chính thức bằng văn bản với khách hàng, đặc biệt với trường hợp khách hàng đã ủy quyền cho bên thứ 3 có hiểu biết về pháp luật giải quyết sự việc.
Trước khi tôi tiếp nhận sự việc, một số nhân viên của doanh nghiệp này không hợp tác với khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi làm việc DNBH dựa trên hợp đồng, thỏa thuận một cách văn minh. Vì thế, trong quá trình xử lý sự việc, DNBH đã hợp tác với chúng tôi.

Một lần nữa chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc hiểu rõ HĐBH đã ký kết với DNBH. Theo anh, việc này cần lưu ý gì?
Khi ký HĐBH, chúng ta bỏ ra một số tiền không nhỏ và bảo hiểm cho một khối tài sản cũng không hề nhỏ. Vì vậy, trước tiên mỗi người phải chủ động và có trách nhiệm với việc bảo vệ tài sản của mình.
Khi mua bảo hiểm, chúng ta cần lựa chọn DNBH uy tín như tôi đã chia sẻ ở số trước. Bên cạnh đó, chúng ta cần yêu cầu người bán bảo hiểm tư vấn, giải thích từng điều khoản trong hợp đồng. Bởi vì, điều 20 luật kinh doanh bảo hiểm đã quy định như vậy. Trong quá trình yêu cầu người bán bảo hiểm giải thích tư vấn, chúng ta sẽ biết được trình độ, năng lực của doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định mua bảo hiểm.

Ngoài sự việc về chiếc Hyundai Creta này, còn vụ việc nào để lại cho anh nhiều suy nghĩ?
Hiện nay đang tồn tại một suy nghĩ không đúng nhưng rất phổ biến điển hình. Nhiều người cho rằng khi thiệt hại xảy ra do bên thứ 3 gây ra mà chủ xe hoàn toàn không có lỗi thì DNBH không có trách nhiệm bồi thường. Điều này không chỉ người mua bảo hiểm mà bản thân nhân viên công ty bảo hiểm đôi lúc cũng đang hiểu sai.
Theo điều 54 luật kinh doanh bảo hiểm và trong tất cả các HĐBH đều có điều khoản DNBH phải bồi thường khi xảy ra thiệt hại do bên thứ 3 gây ra. Lúc này, người mua bảo hiểm có nghĩa vụ chuyển quyền cho DNBH đòi bồi thường từ bên thứ ba, để sau khi bồi thường xong họ sẽ bắt đền bên thứ ba bồi thường. Tuy nhiên, việc có thể bắt đền được hay không là việc của DNBH với bên thứ ba. Đây chính là nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm.

Vào năm 2023, một vụ cháy gara tại Mỹ Đình (Hà Nội) đã thiêu rụi nhiều xe sang, trong đó có một chiếc Range Rover bị cháy hoàn toàn. Khi chủ xe yêu cầu bồi thường, phía DNBH từ chối vì cho rằng trách nhiệm thuộc về chủ gara. Bản thân chủ xe ban đầu cũng tin vào điều này.
Nhưng sau đó, chủ xe đã liên hệ với chúng tôi để tư vấn và xử lý vụ việc. Chúng tôi xác định rằng, đây là rủi ro hỏa hoạn, một trong những rủi ro cơ bản nhất được bảo hiểm trong hoạt động bảo hiểm. Thứ 2, chủ xe và chiếc xe đó không vi phạm bất kỳ điểm loại trừ nào trong HĐBH. Vì thế, chủ xe đương nhiên được bồi thường, thuộc trách nhiệm của DNBH. Sau khi bồi thường, DNBH có quyền thay của chủ xe đi đòi đền bù từ phía chủ gara.
Sau khi chúng tôi trực tiếp đàm phán với DNBH, họ đã chấp nhận bồi thường cho chủ xe. Việc của chủ xe tiếp theo là ký giấy chuyển quyền cho DNBH để đòi đền bù từ gara. Hiện nay, việc giải quyết hậu quả còn lại chỉ là giữa gara và DNBH, không còn liên quan đến chủ xe nữa. Hiện nay, phía DNBH và gara vẫn đang thương lượng với nhau.

Từ sự việc này, tôi muốn đưa ra lời khuyên cho khán giả rằng: Khi bị thiệt hại mà hoàn toàn không có lỗi, nếu gặp khó khăn trong việc yêu cầu bên thứ 3 đền bù, chúng ta hãy yêu cầu DNBH bồi thường và chuyển quyền cho phép họ đòi từ bên thứ 3.
Các DNBH có trách nhiệm phải bồi thường cho khách hàng. Khi mua bảo hiểm, chúng ta có thể hành xử một cách văn mình hơn, thay vì có những lời lẽ không đẹp khi xảy ra sự việc không mong muốn. Khi va chạm giao thông, chúng ta xuống xe bắt tay nhau, giao lưu với nhau và chờ DNBH đến giải quyết.

Vậy với những trường hợp xe bị thiệt hại do thời tiết như mưa bão khiến cây đổ lên xe, anh sẽ tư vấn như thế nào?
Thiên tai, mưa dông, bão lụt, sét đánh là những rủi ro cơ bản được bảo hiểm, quy định rõ trong HĐBH. Việc này cũng hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chủ xe. Vì thế, việc đền bù đương nhiên thuộc trách nhiệm của DNBH.
Với trường hợp thiệt hại do thiên tai, các thủ tục trong quá trình bồi thường sẽ rất đơn giản vì không liên quan đến bên thứ 3. Bên bảo hiểm sẽ buộc phải có trách nhiệm để thực hiện đúng theo như cam kết trong hợp đồng.

Vậy trường hợp xe bị cháy do đậu gần một đám cháy do người khác gây ra hoặc bị rơm rạ cuốn vào gầm xe gây cháy sẽ như thế nào, thưa anh?
Như tôi vừa mô tả ở ví dụ trước, cháy là một rủi ro được bảo hiểm và luôn luôn thuộc trách nhiệm bồi thường của DNBH. Vì thế, 2 trường hợp như câu hỏi trên đều là rủi ro được bảo hiểm trong HĐBH, nên DNBH luôn luôn phải bồi thường.
Ở bước tiếp theo, nhiều người thắc mắc liệu DNBH có thể đòi đền bù từ bên thứ 3 hay không. Câu trả lời của tôi là không. Bởi vì, bên thứ 3 không có chủ đích gây thiệt hại cho xe, việc xe bị cháy là do sự bất cẩn của chủ xe. Vì vậy, DNBH sau khi đền bù cho chủ xe không thể yêu cầu bên thứ 3 đền bù.
Nếu DNBH chứng minh được thiệt hại này do bên thứ 3 gây ra, và lỗi của bên thứ 3 là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn đến thiệt hại, họ có quyền yêu cầu bên thứ 3 bồi thường. Tuy nhiên, dù có họ có thể yêu cầu nhưng việc bên thứ 3 có bồi thường hay không thì phụ thuộc vào thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, họ có thể cùng giải quyết tại tòa án.

Hiện nay, nhiều người dùng ô tô quan tâm đến việc khi va chạm giao thông trên đường cần làm gì để được DNBH bồi thường?
Trong các rủi ro được bảo hiểm, rủi ro đâm va do xe tham gia giao thông là rủi ro nhiều nhất và chiếm tỉ trọng cao nhất trong các vụ tổn thất xe ô tô.
Thực tế cho thấy, một vấn đề đáng quan tâm là nhiều DNBH thường yêu cầu chủ xe phải cung cấp hồ sơ từ cảnh sát giao thông mới giải quyết bồi thường. Nếu chủ xe không cung cấp, phía DNBH thường áp dụng chế tài giảm trừ 30-50% số tiền bồi thường hoặc thậm chí từ chối bồi thường. Nhưng, tôi khẳng định chủ xe không cần cung cấp hồ sơ từ cảnh sát giao thông cho DNBH.

Trước hết, trong HĐBH của tất cả các DNBH đều không có quy định bắt buộc chủ xe phải có hồ sơ từ cảnh sát giao thông. Ngược lại, một quy định khác là DNBH có nghĩa vụ tự giám định và xác minh sự việc. Bản thân hồ sơ của cảnh sát giao thông (nếu có) chỉ là thông tin tham khảo để DNBH thực hiện nhiệm vụ giám định, xác định nguyên nhân thiệt hại.
Điều 53 luật kinh doanh bảo hiểm quy định, khi xảy ra thiệt hại DNBH phải tự giám định, xác định nguyên nhân thiệt hại bằng chi phí của mình. Nếu không đủ năng lực tự giám định, DNBH có thể thuê đơn vị độc lập. Hoặc DNBH có thể tự liên hệ với cảnh sát giao thông để xin kết luận về nguyên nhân tai nạn. Đây hoàn toàn là trách nhiệm của DNBH, không được yêu cầu chủ xe cung cấp. Đây là dưới góc độ các điều khoản trong HĐBH.

Dưới góc độ pháp luật, việc cảnh sát giao thông giải quyết tai nạn giao thông là theo quy định về hành chính. Cơ quan cảnh sát giao thông hiện nay sẽ không cung cấp hồ sơ cho DNBH. Vì vậy đưa điều khoản phải cung cấp hồ sơ vào trong quy trình giải quyết bồi thường là hoàn toàn trái pháp luật và không thể thực hiện trong thực tế. Trong các HĐBH cũng quy định, DNBH tự đi thu thập hồ sơ từ cảnh sát giao thông nếu cơ quan này có và cung cấp cho DNBH.
Vì vậy, nếu các DNBH yêu cầu cung cấp hồ sơ từ cảnh sát giao thông, lời khuyên của tôi là quý khán giả hãy trả lời không có. DNBH phải tự xác minh bằng khả năng của mình.
Cảm ơn anh Xuân rất nhiều vì những gì anh chia sẻ vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel.
Chương trình được phát sóng trên HTV9 lúc 18h10 từ thứ 2 đến thứ 7 và phát lại lúc 20h00 trên đa nền tảng VCCorp.

Nguồn : Source link