Khi di chuyển trên đường, bắt gặp những chiếc xe hơi hạng sang thường được gắn những biển số có dãy số ấn tượng như tứ quý, 6868, 12345,…Nhiều người không khỏi hoài nghi về sự trùng hợp ngẫu nhiên và tính minh bạch trong việc cấp và đăng ký biển số xe cơ giới ở một số nơi. Vấn đề đặt ra cần xác định rõ ràng chức năng của biển số và các quyền lợi liên quan đến biển số trúng đấu giá.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua mới đây và dự kiến trình Quốc hội vào kì họp thứ 4 đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân và cơ quan ban ngành. Bởi nếu được thông qua, chính sách đấu giá biển số xe sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước, tạo sự tin tưởng về tính công khai, minh bạch trong cấp biển số xe thời gian tới.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều 54, Luật giao thông đường bộ quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số cho những xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo an toàn kĩ thuật. Và như vậy, biển số xe được hiểu là là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý đối với các phương tiện giao thông xe cơ giới, đồng thời xác định quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân đối với phương tiện xe cơ giới.
Chính sách đấu giá biển số xe sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước, tạo sự tin tưởng về tính công khai, minh bạch trong cấp biển số xe thời gian tới.
Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, biển số xe không được xem là tài sản để thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự. Còn tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công. Do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về cấp quyền sử dụng sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; xác định giá khởi điểm…
Vậy có cho phép mua bán chuyển nhượng biển số xe hoặc không, vẫn đang là câu hỏi lớn, mà các cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện cần phải xác định rõ ràng. Nếu cho phép người trúng đấu giá được quyền chuyển nhượng, cho tặng, mua bán biển số xe, việc hình thành các thị trường kinh doanh biển số ấn tượng là điều tất yếu xảy ra, nếu người mua bán thực hiện “chui”, thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Mặt khác việc quản lý phương tiện, người sở hữu phương tiện sẽ khó hơn.
Tuy vậy, nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích là có thật, và biển số hoàn toàn có thể là một tài nguyên nếu được đấu giá, được quản lý sử dụng phù hợp. Với điều kiện, các cơ quan ban ngành cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành cho đồng bộ, trên cơ sở đánh giá kỹ tác động.
Cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá mang tính chất đặc thù. Bởi vậy, để việc đấu giá vẫn thu hút được sự quan tâm của người dân thì Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quyền lợi của người trúng đấu giá cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế.
Lựa chọn biển số xe thông qua đấu giá là giải pháp cần thiết, vừa đáp ứng mong mỏi của một bộ phận người dân vừa có thể giúp tăng thu ngân sách, lấy vốn để đầu tư nâng cấp các dự án hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để đề xuất này đi vào thực tế, vấn đề mấu chốt là các giải pháp kỹ thuật để sao cho yêu cầu về quản lý phương tiện, quản lý người lái gắn với biển số xe được chặt chẽ, qua đó đảm bảo TTATGT và trật tự xã hội, mà vẫn phát huy được giá trị của kho số gắn với biển số xe, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người dân về sở hữu các biển số yêu thích và gia tăng nguồn thu chính đáng cho ngân sách.
Lợi ích kinh tế dù lớn, nhưng luôn đứng sau yêu cầu về tính chặt chẽ của công tác quản lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể, đưa ra các quy định rõ ràng và chỉ nên áp dụng thí điểm đối với ô tô. Sau khi thí điểm, các cơ quan chức năng đánh giá hiệu quả mô hình rồi mới cân nhắc khả năng nhân rộng dần, nếu phù hợp và kiểm soát tốt./.
Nguồn : Source link