“Tác dụng phụ” liều thuốc giảm lệ phí trước bạ


Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến 31-1-2025.

Đề xuất giảm phí trước bạ được Bộ Tài chính đề xuất trong bối cảnh thị trường ô tô trong nước khá ảm đảm. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc hiệp hội trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 58.165 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xe du lịch đạt 41.858 chiếc, giảm 21%; xe thương mại đạt 15.915 chiếc, giảm 6% và xe chuyên dùng đạt 392 chiếc, giảm 48% so với Quý I năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho sự trầm lắng của thị trường xe hơi, từ những khó khăn, thách thức do các yếu tố trong và ngoài nước cho tới sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng cao… Điều đó làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Một khó khăn khác cũng được VAMA nêu ra là sự cạnh tranh quyết liệt từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Vì những lẽ đó, cơ quan quản lý cho rằng việc tiếp tục thực hiện giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đề xuất giảm phí trước bạ ô tô của Bộ Tài chính tất nhiên được các doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; những người kinh doanh ô tô lắp ráp trong nước và những người tiêu dùng có điều kiện mua ô tô hoan nghênh. Việc giảm phí này, tùy loại xe, có thể khiến giá mua giảm từ vài chục tới thậm chí cả trăm triệu đồng. Rõ ràng là một mức giảm đáng kể, có thể kích cầu tiêu dùng mặt hàng khá đắt tiền này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn khác. Có thể thấy ngay rằng việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nếu được chấp thuận, sẽ làm giảm một khoản thu ngân sách trong khi còn nhiều lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực văn hóa, xã hội… cũng cần phải chi. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách bình quân khoảng 867 tỉ đồng/tháng.

Trước đó, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã đề xuất thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Việc giảm được thực hiện trong 3 đợt, gồm: từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020; từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022; và từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023. Trung bình, mỗi lần áp dụng việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 – 9.000 tỉ đồng.

Việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời điểm dịch bệnh rất khó khăn là hợp lý. Nay khi kinh tế đã hồi phục ổn định với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế cả nước ở mức cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, có nên thực hiện một chính sách được thực hiện trong bối cảnh khó khăn hơn hiện nay nhiều.

Theo các chuyên gia, bất kỳ chính sách nào cũng có tính hai mặt. Với đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng vậy. Bên cạnh mặt được đã được nêu ra khi đề xuất, mặt khác cũng phần nào khiến các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cảm thấy bị phân biệt đối xử giữa kinh doanh trong nước và nước ngoài, có thể có ảnh hưởng tới nhìn nhận của họ về môi trường đầu tư.

Đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nếu được thực hiện có thể khiến thị trường “ấm” hơn, doanh số xe hơi tăng cao. Nhiều phương tiện giao thông hơn cũng có nghĩa là áp lực với môi trường sẽ lớn hơn trong khi chúng ta hiện đang trong quá trình thực hiện cam kết quốc tế đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Khi xem xét về đề xuất giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, vì thế cũng cần tính tới cả những “tác dụng phụ” có thể có.



Nguồn : Source link