Suất cọc xe VinFast Lux A2.0 được chào bán từ 30


VinFast Lux A2.0 đã dừng đặt cọc tại nhiều đại lý – Ảnh: NAM PHONG

Duy Mạnh (Hà Nội) đặt mua chiếc VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn tại một đại lý chính hãng chiều 30-6. Thời điểm đó, tư vấn bán hàng không chắc chắn rằng anh sẽ nhận được xe. “Trong trường hợp nhà máy không đủ xe giao, chúng tôi sẽ trả lại khoản tiền đã đặt cọc”, tư vấn bán hàng tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết.

Tình trạng như Duy Mạnh diễn ra tại nhiều hệ thống đại lý, bởi theo tư vấn bán hàng, đó là ngày cuối cùng nhận đặt cọc với dòng xe Lux A2.0. Tâm lý bồn chồn, hồi hộp chờ đợi đơn đặt hàng được giao trong tháng 7 hoặc tháng 8 ghi nhận ở nhiều người dùng. Khi đó, giá một chiếc Lux A2.0 tiêu chuẩn lăn bánh chỉ tương đương ô tô hạng B (kém hai hạng).

Khi các đại lý công bố dừng đặt cọc với dòng sedan này, nhiều người tiếc nuối bởi không thể sở hữu xe với mức giá hấp dẫn hơn trước đây. Nắm bắt tâm lý này, nhiều dân buôn, thậm chí chính tư vấn bán hàng của VinFast chào bán suất đặt cọc với giá từ 30 – 50 triệu đồng.

“Đại lý đã dừng đặt xe theo thông báo từ nhà máy. Tuy nhiên, nếu anh thật sự thích có thể mua lại suất của người khác với khoản tiền chênh lệch 50 triệu đồng. Em có suất đặt cọc của người thân muốn nhượng lại, anh chuyển khoản trước 100 triệu đồng, phần thủ tục còn lại em sẽ thực hiện”, tư vấn bán hàng một đại lý VinFast nói.

Nhiều tư vấn bán hàng cho biết doanh số hai ngày cuối tăng đột biến kể từ khi bán xe VinFast. “Riêng ngày cuối cùng tôi đã chốt cọc cho gần 20 khách hàng, nhiều nhất kể từ khi bán xe”, một nhân viên kinh doanh tại Thái Nguyên nói.

Trong khi đó, trên các hội nhóm người dùng mạng xã hội, nhiều người dùng cũng rao bán suất cọc xe Lux A2.0 với giá chênh từ 30 triệu đồng tùy phiên bản. Cùng với sự nóng lên của việc đặt mua dòng Lux A2.0, trên nhiều diễn đàn rộ lên các tin tức mua bán voucher Vinhomes dùng để mua xe. Từ mức giá khoảng 65 triệu đồng cho một voucher 200 triệu, hiện giá rao bán ở mức khoảng hơn 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo nhiều người, đây chỉ là chiêu trò đẩy giá của giới buôn voucher trong thời điểm thị trường nóng lên. “Thực tế nhu cầu của người dùng không nhiều đến mức sốt giá, chủ yếu dân buôn tự thực hiện chiêu trò để đẩy giá. Lượng xe bán ra theo chương trình mới không nhiều, trong khi số voucher trên thị trường khá nhiều. Nếu không bán nhanh, những người buôn voucher có thể khó thu lại vốn”, một người theo dõi thị trường voucher lâu năm cho biết.



Nguồn : Source link