Sự điên rồ của những người không muốn sống một đời nhàm chán


Buổi sáng, anh Lê Anh Sơn đạp xe đến trường đại học Nagoya để làm công tác giảng dạy nghiên cứu. Buổi chiều, vợ chồng và con gái quây quần trong căn nhà ấm cúng. Cuối tuần, gia đình đi dã ngoại, tận hưởng không khí trong lành và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Đó là những ngày tháng bình yên và đủ đầy khi còn sống ở Nhật Bản của anh Lê Anh Sơn – CEO của Phenikaa X, công ty vừa ra mắt chiếc xe tự hành cấp độ 4 Made in Vietnam đầu tiên.

Bỏ lại những đặc quyền ở nước ngoài, Lê Anh Sơn quyết định về Việt Nam vì “chỉ 5-10 năm nữa thôi, nếu không trở về, có lẽ mình sẽ sống một đời nhàm chán”.

Việc nghiên cứu chiếc xe tự hành bắt đầu như thế nào, thưa anh?

Chúng tôi bắt đầu dự án từ khoảng 9 tháng trước. Đã có rất nhiều trăn trở về việc tại sao không chọn thứ khác đơn giản, dễ làm hơn? Ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật cũng chỉ làm đến mức độ 4 còn mình thì vừa bắt tay vào làm trong khi chưa hiểu về thị trường, chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đó là quyết định khá điên rồ.

Khi Chủ tịch hội đồng quản trị (ông Hồ Xuân Năng – Pv) đồng ý cho nghiên cứu về xe tự hành, tôi bắt đầu thành lập đội. Tới tháng 9/2020, mất 3 tháng để tìm người đồng hành, nói đúng hơn là đi thuyết phục người khác với ý tưởng rất của mình thì đội thành lập.

“Chúng tôi đang có 1 thứ điên rồ đây, muốn các bạn nhảy vào, các bạn có muốn tham gia không?” (Cười).

Sao anh không gọi nó là tham vọng mà lại gọi là “điên rồ”?

Nếu là tham vọng thì ít nhất chúng ta đã phải có gì đó trong tay và biết được con đường để đi đến mục tiêu kia, còn chúng tôi chẳng có gì ngoài một ý tưởng liều lĩnh.

Khó khăn đầu tiên là Việt Nam chưa có chuỗi cung ứng thiết bị. Mọi thứ phải đặt ở nước ngoài với giá rất đắt và mất 3 tuần – 1 tháng mới về.

Khó khăn nữa là kiến thức. Chúng tôi phải lên mạng tự đọc và nghiên cứu vì các công ty công nghệ thường không chia sẻ thông tin. Trong mấy tháng đầu, nhóm cũng quay quắt lắm. Sau đó mới định hình bài toán, xem những thứ cần cho xe tự hành là gì.

Chúng tôi nghĩ: có thể bắt đầu từ một con robot bình thường chạy trong trường đại học Phenikaa. Sau đó, xây dựng bản đồ số, rồi chuyển đổi từ xe bình thường sang xe tự hành bằng cách thay đổi toàn bộ hệ thống lái, hệ thống ga và hệ thống phanh thành các hệ thống có thể dùng máy tính ra lệnh và điều khiển.

Từ đó anh em tập trung lại để nghiên cứu thuật toán khiến cho máy tính trung tâm giống như con người, tức là có thể nhận diện môi trường xung quanh, đi lại đúng như ý người điều khiển mong muốn.

Mất khoảng sáu tháng để ra sản phẩm đầu tiên.

Tại sao lúc đó nhóm chọn xe điện tự hành?

Ban đầu, tôi không quyết định là xe điện hay xe có động cơ mà chỉ nghĩ làm một cái xe tự chạy đã, nhất là khi Covid-19 đang diễn ra. Khi đó, định sẽ làm một chiếc xe nhỏ, công nghệ rẻ tiền nhưng rồi cả đội họp lại, nghĩ rằng đã dấn thân vào con đường xe tự hành thì quyết tâm làm xe thực sự hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng như ở các nước phát triển đang có.

Sau đó, nhóm xem xét là làm xe điện hay động cơ xăng truyền thống. Phát thải của xe xăng rất lớn, trong khi điện là thứ có thể thay thế được trong tương lai nên mình quyết tâm làm xe điện.

Có vẻ như các anh có may mắn là được tiếp thu kiến thức công nghệ từ thế giới nên tiến độ làm xe mới nhanh như vậy?

Đúng vậy. Trên thực tế, công nghệ bị giấu kín nhưng kiến thức thì mở. Khác nhiều năm trước, chúng ta không phải khó khăn đi tìm dữ liệu mà có kho kiến thức khổng lồ về từng lĩnh vực trên mạng internet. Chúng ta hoàn toàn tìm hiểu được các hãng đang làm ô tô như thế nào, bắt đầu ở cấp độ nào…

Từ đó mình tự phân tích được, cần bắt đầu với cái gì, đi từng bước như thế nào. Đó là lợi thế mà internet mang lại.

Dân công nghệ hay nhắc đến sự “liều” như là “mốt” vậy?

Không phải. Trong lĩnh vực công nghệ, tỉ lệ thất bại lên tới 80, thậm chí là 99%. Chúng tôi nhảy vào mà không biết mình sẽ làm gì, bắt đầu như thế nào mà vẫn lao vào, đó là lý do mọi người hay nói là liều.

Giống như là khi yêu ấy (cười). Cứ bất chấp như thế là yêu.

Cái “liều” đó có phải điều kiện tiên quyết để tạo ra những sản phẩm công nghệ đột phá?

Thực ra đó không phải yếu tố tiên quyết. Có tham vọng, liều lĩnh nhưng biết chấp nhận là quan trọng nhất. Anh có thể đặt mục tiêu, làm và chấp nhận không thành công. Trong số 99 cái chỉ có 1 cái thành công mà thôi.

Cho nên, nếu chiếc xe tự hành không thành công, tôi chỉ thấy bình thường. Không thành công thì làm sản phẩm khác, không sao cả.

Với chiếc xe tự hành này, mục tiêu của các anh có phải là tham gia giao thông?

Ước mơ lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm này đủ khả năng để tham gia giao thông. Nó thực sự sẽ thay đổi diện mạo giao thông của các quốc gia nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều thứ như cơ sở dữ liệu số, tín hiệu giao thông, bản đồ số…

Ngoài ra là hành lang về pháp luật. Ví dụ, xe gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý thế nào? Có lẽ tương lai ấy sẽ không ít hơn 10 năm.

Vậy chính xác mục tiêu của các anh là gì?

Người làm công nghệ không tính gần như vậy, chúng tôi không chùn chân nếu 5 năm nữa, xã hội chưa sẵn sàng cho xe tự hành. Ở đây vấn đề là xây dựng công nghệ lõi để 10 – 20 năm sau, khi được chấp nhận, với sự sẵn sàng, công nghệ sẽ tràn ra rất nhanh.

Thực tế, mục tiêu của chúng tôi xa hơn, và xe tự hành chỉ là điểm khởi đầu để chứng minh Việt Nam có thể làm mọi thứ. Cái chúng tôi hướng đến là công nghệ tự hành, giống như Tesla làm chủ công nghệ phóng tàu vệ tinh.

Sau đó, với công nghệ tự hành, chúng tôi phát triển các sản phẩm mới như smarthome, robot nhỏ ở nhà giúp đỡ người già, máy bay tự hành ứng dụng trong nông nghiệp… Thậm chí có thể là xuất khẩu công nghệ tự hành Made in Vietnam ra nước ngoài.

Có phải hơi tự mãn không khi dân công nghệ luôn nói “tôi sẽ nắm công nghệ lõi” trong khi việc đưa được sản phẩm ra khỏi phòng nghiên cứu cũng đã là điều khó khăn?

Công nghệ là thứ không nhìn thấy được.

Ví dụ Google, xuất phát ban đầu công nghệ của họ chỉ là công nghệ tìm kiếm nhưng hiện giờ độ phủ của họ thật kinh khủng. Facebook chỉ là công nghệ chat và đăng tải thông tin thôi nhưng nếu ngắt, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Nhiều vấn đề sẽ xảy ra.

Cho nên người nào nắm được công nghệ lõi thì người đó thắng. Tesla không to đến vậy nhưng người ta đánh giá cực cao công nghệ lõi của họ, và các nhà đầu tư định giá Tesla bằng những công nghệ có thể ứng dụng trong tương lai chứ không phải qua việc họ bán được bao nhiêu chiếc xe ra ngoài.

Nhiều người nói rằng, chỉ cần “bê” thành quả nghiên cứu ở nước ngoài về và đầu tư nhiều vào để đưa ra một công nghệ Made in Vietnam, thế là có thể hô lên là thực hiện giấc mơ công nghệ Việt. Vậy tại sao các anh lại mất công và nhiều thời gian vào việc tự nghiên cứu và sản xuất vậy?

Nếu công nghệ làm dễ dàng thì chắc hẳn sẽ không còn có nước có công nghệ phát triển mà các nước sẽ có công nghệ như nhau. Không phải chỉ nghĩ ra ý tưởng, tìm kiếm, mua sắm toàn bộ từ nước ngoài về lắp ráp vào với nhau và nó sẽ tự hoạt động. Hoặc có thể tung ra một khoản tiền thật lớn để thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc sau đó mình lấy thành phẩm và nhân rộng.

Nhưng trên thực tế hoàn toàn khác. Nếu chỉ “bê” thành quả của nước ngoài và đầu tư thật nhiều bằng cách thuê các chuyên gia nước ngoài thì đơn giản vẫn là 1 sản phẩm của nước ngoài. Mình không có khả năng làm chủ được công nghệ đó để có thể tùy biến, để có thể thay đổi.

Công nghệ ở đây muốn nói đến là công nghệ kết hợp giữa phần cứng và phần mềm. Đừng nghĩ đến việc mua các thiết bị về lắp vào với nhau là có thể hoạt động được mà cần phải lập trình ra nó. Việc lập trình cho một sản phẩm cũng giống như việc ghép nối giữa thể xác và linh hồn vậy. Cùng một thuật toán nhưng mỗi người lập trình có cách hiểu khác nhau, có cách phát triển thuật toán ra một hướng khác nhau và kết quả là hoàn toàn khác nhau.

Cũng nhờ việc tự phát triển công nghệ thì người Việt mới có khả năng hiểu hết được và đẩy tính tùy biến của sản phẩm lên. Tạo ra những sản phẩm mới phù hợp hơn với điều kiện thực tế ở VN. Còn nếu chỉ là mua bán công nghệ, bạn khó có thể làm được điều này.

Đang có cuộc sống đáng mơ ước ở Nhật, vì sao anh quyết định về Việt Nam?

Thực tế, một phần là vì tôi cảm thấy chán. Nếu sống ở Nhật Bản thêm 5-10 năm nữa, tôi cũng chỉ làm nghiên cứu.

Một vài người thầy của tôi chia sẻ, cả cuộc đời họ chỉ làm nghiên cứu. Họ cho ra hàng nghìn bài báo và công trình nghiên cứu nhưng bài viết đó chẳng áp dụng được vào thực tế. Họ khuyến khích, nếu tôi có cơ hội làm ra những thứ có thể ứng dụng được thì tốt hơn rất nhiều việc chỉ ngồi nghiên cứu.Ứng dụng mới là thứ biến các nghiên cứu thành hiện thực. Vì điều đó, tôi quyết định trở về.

Có thể gọi như vậy là liều lĩnh không?

Đương nhiên là liều lĩnh vì công việc ở trường đang rất ổn định. Sáng tôi đạp xe đến trường. Chiều đạp xe về, cuối tuần thứ 7 chủ nhật đi chơi. Không phải suy nghĩ nhiều về thu nhập. Cuối tháng nhận lương, con được học miễn phí, môi trường ổn định sinh sống học tập ổn định,… Tôi cũng mất đi nhiều lợi ích như hộ chiếu, nhà cửa, công việc ổn định, môi trường sống trong lành…

Nhưng đã quyết định thì phải chấp nhận và tôi thấy xứng đáng.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có rất nhiều người giỏi, chỉ là họ chưa đủ liều lĩnh hoặc còn vương vấn vì một lý do nào đó. Nhiều người không dám từ bỏ công việc ở nước ngoài để về Việt Nam vì sợ chui ra khỏi cái hộp an toàn của họ, không dám phá vỡ cái hộp để nghĩ đến thứ to lớn hơn.

Nhưng không ai về thì ai sẽ đóng góp vào việc xây dựng Việt Nam?

Vợ anh phản ứng thế nào với quyết định này?

Rất may là vợ tôi luôn ủng hộ tôi trong mọi quyết định, dù rằng cô ấy cũng trăn trở rất nhiều. Nhưng tới thời điểm này tôi thấy về Việt Nam là một quyết định đúng đắn. Chúng tôi thấy thích Việt Nam hơn.

Thích hơn như thế nào?

Ở Nhật, người dân rất tốt, luôn giúp đỡ mọi người nhưng nhiều khi nó mang tính ‘thói quen” theo kỷ luật. Còn ở Việt Nam, việc chúng ta tốt với nhau, giúp đỡ nhau là do chúng ta có tình cảm với nhau. Tình cảm đó nó rất khác với thói quen.

Thêm nữa, ở nước bạn, mỗi ngày tôi chỉ đi làm đúng công việc của mình, đánh máy, mô phỏng, thử nghiệm… xong rồi về, lặp đi lặp lại như một cái máy. Cuộc sống mất đi sự vui vẻ. Tôi bảo vợ, ở Việt Nam sướng, gặp nhiều và giao lưu nhiều người, được làm thứ mình thích.

Trở lại dự án xe tự hành, anh hạnh phúc vì được tự do sáng tạo, không bị ông chủ áp đặt suy nghĩ. Nhưng ông Hồ Xuân Năng – người đồng hành có ép deadline các anh ‘gắt” không?

Thực ra nhóm tự ép deadline là chính. Chúng tôi tự gồng mình để xem giới hạn bản thân đến đâu nên chạy deadline cực kỳ kinh khủng. Tháng đầu cảm thấy không thể làm nổi nhưng về sau quen dần thấy 1 tuần cũng làm được (Cười).

Tuần trước nhóm họp lại, thấy có gần 100 mục việc cần làm trong tuần này, tôi mới hỏi mọi người “có làm được không”, mọi người bảo “cứ gồng lên thôi, không còn cách nào khác” (cười).

Đấy là cách mà nhóm xem có thể đẩy giới hạn mỗi người đến được đâu để phát triển hết khả năng của mình.

Vì chúng tôi đam mê công việc này, nó không phải là cái gì đó bị buộc phải làm, nên sếp không cần ép. Chính vì thế, ban đầu lên ý tưởng, nhóm dự định là 2 năm sẽ cho ra mắt chiếc xe. Sau đó ép xuống còn 9 tháng.

Phần thưởng lớn nhất khi vượt deadline là mình thích sản phẩm của mình.

Nói như vậy, anh có cho rằng Việt Nam bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho người Việt trẻ trở về?

Cá nhân tôi cho rằng, bây giờ đang là thời điểm vàng cho những người nước ngoài trở về Việt Nam khởi nghiệp. Trên thực tế, tại các nước phát triển như Nhật, Mỹ, “đất” đã cạn rồi. Họ đã phát triển lên một giới hạn không thể đẩy lên được nữa, những bài toán nhỏ nhất cũng đã làm đến. Mình gần như không còn đất để diễn.

Còn ở Việt Nam thì khác, rất nhiều bài toán, vấn đề xảy ra nhưng chưa giải quyết. Đấy chính là mảnh đất cho các nhà khoa học từ nước ngoài trở về. Điều quan trọng nhất là Nhà nước ủng hộ, các doanh nghiệp chung tay.

Anh đánh giá như thế nào về trình độ công nghệ của Việt Nam bây giờ và vai trò của các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Viettel, FPT hay Phenikaa?

Tôi về Việt Nam năm 2019, cảm nhận Việt Nam đang muốn nâng cao tầm công nghệ, nhưng đổi lại các công ty của chúng ta vẫn đang thiên về mua sản phẩm rồi bán lại chứ chưa đào sâu vào nghiên cứu (R&D).

Tính toán số tiền mà các công ty đổ tiền vào hoạt động nghiên cứu, sở hữu công nghệ lõi thì thấy. Nó còn ít so với thế giới. Một công ty ở Nhật có thể dành 30% số tiền lãi để đầu tư ngược lại cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Trong khi các công ty Việt Nam chỉ ở khoảng 1-3%, như vậy là chưa đủ.

Muốn Việt Nam phát triển công nghệ phải có một đầu tàu dẫn dắt toàn bộ hệ thống. Ví dụ một cái xe có vô vàn thiết bị, cần 1 hệ thống các công ty phía dưới, mà các công ty này phải tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Sản phẩm ban đầu là do công ty mẹ đặt hàng nhưng sản phẩm tiếp theo thì các công ty con tự phát triển.

Cần có những doanh nghiệp đủ lớn để tạo ra bài toán lớn và đó phải là bài toán chia sẻ chứ không nên đóng kín. Họ có thể chia sẻ cho 5-10 công ty phía dưới để mỗi công ty phát triển mạnh, qua đó chuyên biệt hóa tăng lên, kéo cả công cuộc R&D công nghệ tiến lên.

Theo anh, Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ bằng các giải pháp nào?

Sự ủng hộ của nhà nước là rất quan trọng, ví dụ hành lang pháp lý hay như mở ra các khu thử nghiệm. Giả dụ có 1 khu thử nghiệm xe tự hành hoặc khu thử nghiệm cho các công ty công nghệ ở 1 tỉnh nào đó chẳng hạn, đó cũng là điều tuyệt vời mà không phải các nước có thể làm được.

Về dữ liệu, nếu cơ quan cơ quan Nhà nước có thể mở những kho dữ liệu có thể khai thác cho tất cả startup công nghệ tiếp cận, nghiên cứu, phát triển sản phẩm thì cũng tuyệt vời.

Cảm ơn anh về những chia sẻ này!



Nguồn : Source link