Mới đây, một bản tài liệu được cho là lưu hành nội bộ của VinFast đã bị rò rỉ, hé lộ kế hoạch của hãng trong năm 2021. Theo đó, hãng ô tô Việt sẽ cho ra mắt 3 mẫu ô tô mới, thuộc các phân khúc C, D, E, bao gồm cả xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong.
Trong 3 mẫu xe mới, sẽ có 2 mẫu chạy bằng điện được ra mắt ở nước ngoài. Rất có thể chúng sẽ được trưng bày trong triển lãm lớn để có sức lan tỏa với số đông, điều mà VinFast từng làm với 2 mẫu VinFast Lux.
Dù thông tin trên chưa được xác minh nhưng trước đó, vào tháng 10 vừa qua, hình ảnh một mẫu xe mới của VinFast cũng đã lộ ra từ tài liệu đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.
Bản tài liệu được cho là của VinFast rò rỉ ra ngoài tuy nhiên hãng xe Việt chưa xác thực thông tin này.
Bản đăng ký bản quyền kiểu dáng mẫu coupe của VinFast.
Hồi tháng 5/2020, hình ảnh được cho là chiếc SUV của VinFast, với lớp ngụy trang kín mít, cũng được bắt gặp trên đường phố khi đang chạy thử nghiệm.
Dù không biết những thông tin, tài liệu này rò rỉ từ đâu hay do ai tiết lộ nhưng không thể phủ nhận rằng chúng đều nhận được sự quan tâm của công chúng. Liệu đây có thực sự là một sự cố rò rỉ, hay hãng ô tô Việt cũng đang vận dụng tuyệt chiêu marketing đã từng được các hãng lớn như Apple , Samsung hay H&M sử dụng thành thục?
Sự cố như “cơm bữa” của Apple, Samsung,…
Vào ngày 6/10/2015, người phụ nữ ở Chicago tên là Kathryn Swartz Rees đã cùng lúc đăng gần một nửa trong số 99 mẫu trang phục – phụ kiện trong BST sắp ra mắt của H&M và Balmain trên tài khoản instagram của mình.
“Tình cờ tìm kiếm trong Google, tôi thấy xuất hiện một đường link chứa đầy đủ các sản phẩm của BST này. Tôi đã kịp tải chúng xuống ngay khi nó bị gỡ bỏ khỏi Google”, Swartz Rees giải thích với tạp chí New York.
Khoảng 1 tuần trước khi xảy ra vụ rò rỉ, H&M cũng đã tiết lộ những nét phác thảo đầu tiên của BST nhằm kích thích người tiêu dùng tò mò, tưởng tượng.
Đồng thời, thay vì tức giận hay có hành động pháp lý với người phụ nữ trên, H&M và Balmain còn tỏ ra thích thú trước những phản ứng của giới mộ điệu và các nhà bán lẻ.
Sự cố rò rỉ hàng chục thiết kể của H&M và Balmain.
Với Apple , giờ đây chúng ta đã coi chuyện iPhone bị rò rỉ hình ảnh, thông số kỹ thuật hay giá trước ngày ra mắt là chuyện quá đỗi bình thường, thậm chí nếu chúng không bị lộ mới là điều bất thường. Apple đã nỗ lực ngăn chặn một vài sự cố rò rỉ, nhưng nhiều lần khác thì không.
Ảnh chụp cận cảnh khung máy iPhonw 12 trước thềm ra mắt.
Gần nhất là iPhone 12, iPhone 12 Pro Max khi sản phẩm chưa ra mắt nhưng thiết kế, phần cứng hay màu sắc đều đã được lan truyền khắp các cộng đồng, mạng xã hội.
Samsung cũng không khác là bao. Các mẫu điện thoại mới như Galaxy 8S, Galaxy S20, Galaxy Z Fold 2,… đều bị rò rỉ gần như hầu hết thông tin trước thềm ra mắt.
Không chỉ trong giới công nghệ, tình trạng này còn diễn ra với các hãng ô tô Porsche, Honda, Nissan,…
Chiêu thức marketing khôn ngoan phía sau “sự cố”
Những tin đồn hay sự cố rò rỉ đã nhiều lần khiến các sự kiện ra mắt không còn thu hút với công chúng hay thậm chí là thất vọng nếu sản phẩm không được như mong đợi. Tuy nhiên, việc cố tình để rò rỉ thông tin cũng mang lại không ít hiệu ứng tích cực.
Chi phí thấp
Từ năm 2016, Apple đã ngừng tiết lộ thông tin về ngân sách mà hãng này dành cho việc quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Vital Design cho biết nhà “táo khuyết” chỉ chi 6,3% doanh thu của mình cho việc bán hàng.
Nhiều chuyên gia nhận định Apple đã sử dụng chính những tin đồn và cố tình làm rò rỉ thông tin để thực hiện chiến lược marketing của mình. Thương hiệu này hiểu rất rõ tâm lý người tiêu dùng, biết họ quan tâm nhiều hơn đến các tính năng, thiết kế, giá cả và những thứ khác liên quan đến Apple.
Nhắc nhẹ trước ví tiền cho fan
Mọi người đều muốn biết những tính năng, thiết kế của Apple, Samsung hay Vinfast nhưng những người thực sự muốn mua sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá cả.
Mỗi lần ra mắt iPhone mới, luôn có hàng dài người xếp hàng đợi mua.
Khi đó, giới thạo tin hay các nhà phân tích tài chính đóng vai trò quan trọng. Hoặc các thương hiệu có chủ đích làm rò rỉ thông tin về giá, hoặc những nhà phân tích sẽ dựa trên công nghệ hay khoảng giá của dòng sản phẩm trước đó để dự đoán.
Điều này tạo cho người mua tâm lý chuẩn bị, thậm chí có thể tiết kiệm từ sớm để có đủ ngân sách, sẵn sàng “rước” sản phẩm mới về ngay sau khi nó ra mắt.
Gây áp lực cho đối thủ
Luôn tồn tại sự cạnh tranh khắc nghiệt giữa các công ty cùng ngành trong việc tạo ra những sản phẩm không chỉ tuyệt vời hơn sản phẩm cũ mà còn phải hơn cả đối thủ.
Ví dụ, khi các đối thủ của Apple biết những thông tin rò rỉ về kết cấu, thiết kế sản phẩm, họ cảm thấy áp lực phải giới thiệu các tính năng tương tự hoặc nâng cao hơn trong sản phẩm tiếp theo của mình. Tuy nhiên, những tin đồn sẽ được tiết lộ vào thời điểm không quá lâu trước ngày ra mắt, để không cho phép các đối thủ có đủ thời gian lấy “cảm hứng” từ thiết kế mới của Apple.
Đối với Vinfast, Honda, Toyota, Nissan,… trong ngành ô tô cũng tương tự.
Đồng thời, các thông tin được tiết lộ trước thềm ra mắt có thể giúp giá cổ phiếu của công ty tăng trưởng nếu nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Tuy nhiên, ngược lại, nếu khiến “fan hâm mộ” thất vọng, giá trị vốn hóa của công ty cũng dễ dàng bị “thổi bay” hàng triệu hoặc hàng tỷ USD.
Nguồn : Source link