Theo một người chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu tư nhân, chiếc Rolls-Royce Cullinan Black Badge thứ 2 đang trên đường về nước để bàn giao cho chủ xe ở Hà Nội. Xe nhập khẩu từ Đức bởi EBB Exclusive Auto Group, giá ra biển trắng tại Việt Nam hơn 40 tỷ đồng. Trong khi đó, đại lý chính hãng đang phân phối dòng xe này với mức giá từ 37,217 tỷ đồng (chưa bao gồm biển số).
Rolls-Royce Cullinan Black Badge thứ 2 được cho là đang trên đường về Việt Nam.
Cullinan là mẫu Rolls-Royce thứ 3 có phiên bản Black Badge, sau cặp đôi Ghost và Wraith. Phiên bản Black Badge được hãng xe siêu sang Anh Quốc ra mắt năm 2016, cho phép khách hàng biến hóa chiếc xe với phong cách tối và thể thao hơn, đi ngược lại với truyền thống của hãng. Cũng nhờ Black Badge, mà độ tuổi trung bình của khách hàng mua Rolls-Royce đã thấp hơn, do hấp dẫn được nhiều những khách hàng trẻ tuổi.
So với phiên bản tiêu chuẩn, Cullinan Black Badge phủ crôm đen bóng cho biểu tượng Spirit of Ecstasy trước mũi xe, logo Rolls-Royce với nền đen chữ trắng, ngược với logo nền trắng chữ đen truyền thống. Một số những chi tiết như mặt ca-lăng, thanh ngang ở hốc hút gió, nẹp hông viền cửa sổ và viền ống xả cũng được phủ crôm đen bóng.
Xe sở hữu màu sơn đen và nội thất bọc da màu đỏ.
Để có được màu mong muốn, các thanh dọc trên mặt ca-lăng được đánh bóng tỉ mỉ. Rất nhiều lớp sơn và sơn mài phủ lên chi tiết này, trước khi được đánh bóng bằng tay trong 5 giờ đồng hồ. Mâm xe hợp kim kích thước 22 inch hình 5 cánh hoa đặc trưng của dòng Black Badge. Cùm phanh đỏ là trang bị lần đầu tiên xuất hiện trên một chiếc Rolls-Royce.
Rolls-Royce Cullinan Black Badge không chỉ khác biệt về mặt thẩm mỹ, khi động cơ V12 6.75L cũng được nâng cấp, cho công suất 600 mã lực và mô-men xoắn 900 Nm. Hộp số, hệ thống treo và các công nghệ hỗ trợ người lái được điều chỉnh để có được trải nghiệm hấp dẫn hơn. Tùy chọn âm thanh ống xả cũng là một tính năng thú vị trên Cullinan Black Badge.
Điểm nhấn bên trong khoang nội thất của Cullinan Black Badge là lớp phủ carbon họa tiết hình học 3 chiều, được tạo ra bởi sự kết hợp giữa nhà thiết kế, kỹ sư và thợ thủ công. Để có được điều này, Rolls-Royce phải dùng đến 6 lớp phủ, rồi phơi trong 72 giờ đồng hồ, trước khi được đánh bóng bằng tay cho đến khi hoàn thiện.
Cuối cùng, ở chính giữa tựa lưng hàng ghế 2 là biểu tượng vô cực, biểu tượng trong toán học đại diện cho tiềm năng vô cực, và biểu thị cho khả năng sáng tạo không giới hạn của Roll-Royce. Chúng được thêu kín đáo trong nội thất của tất cả phiên bản Black Badge. Biểu tượng này được sử dụng lần đầu tiên trên chiếc xuồng thủy phi cơ dùng động cơ Rolls-Royce, ra đời để cạnh tranh với những nỗ lực của người Mỹ trong cuộc chiến giành kỷ lục tốc độ trên mặt nước.
Nguồn : Source link