Quân đội Việt Nam đã nhập khẩu và nhận chuyển giao xe bọc thép “Humvee Trung Quốc”?


VIỆT NAM NHẬP KHẨU XE BỌC THÉP “HUMVEE TRUNG QUỐC”

Theo báo QĐND, sáng 21/10/2021, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo BQP về tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai Đội Công binh số 1 tham gia hoạt động GGHB LHQ tại Phái bộ Sudan (UNISFA).

Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra các trang bị của Đội Công binh tại Kho 88B và công tác huấn luyện chuyển giao trang bị tại Lữ đoàn 249 – lữ đoàn công binh vượt sông dự bị chiến lược thuộc Binh chủng Công binh.

Những hình ảnh tại Kho 88B cho thấy trong các xe máy công binh được nhập khẩu để phục vụ Đội Công binh gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp Quốc (LHQ) gồm một số trang bị có nguồn gốc từ Trung Quốc gồm xe bọc thép chở quân 4 bánh Đông Phong Mãnh Sĩ, xe tải chở hàng, xe cẩu tự hành XCMG, xe nâng, xe ủi, trạm trộn bê tông,…

Các trang thiết bị mua sắm trang bị cho Đội CB số 1 bảo đảm các tính năng kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ và tuân thủ các tiêu chuẩn của LHQ. Ảnh: QĐND.

Đáng chú ý nhất trong số các trang bị và phương tiện mà mà Việt Nam vừa tiếp nhận có những chiếc xe bọc thép Đông Phong Mãnh Sĩ, một loại xe bọc thép chở quân 4×4 được mệnh danh là “Humvee Trung Quốc”. Tên gọi đó là có cơ sở, bởi lẽ chiếc xe này đã học hỏi chiếc Humvee của Mỹ khá nhiều.

Cụ thể, vào năm 1988, hãng AM General đã cố gắng bán các xe bọc thép 4×4 Humvee cho Trung Quốc, nhưng không thành công. Để vớt vát, hãng này tặng lại cho quân đội Trung Quốc một chiếc Humvee để trưng bày trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng Bắc Kinh năm 1988, với hi vọng Bắc Kinh sẽ đổi ý.

Ban đầu phía Trung Quốc không quan tâm đến chiếc Humvee, vì cho rằng nó quá cồng kềnh và có chi phí bảo dưỡng lớn.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự thể hiện của những chiếc Humvee quân đội Mỹ trong thực chiến tại Chiến dịch bão táp sa mạc (Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991), các tướng lĩnh Trung Quốc đã nghĩ đến việc sở hữu những chiếc xe tương tự như vậy để trang bị cho quân đội.

Tình cờ, vào thời điểm này, các doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc đã nhập khẩu các xe Hummer (phiên bản dân dụng của Humvee) để sử dụng vào đầu thập niên 1990.

Với khả năng sao chép hàng đầu thế giới, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện “thiết kế ngược” chiếc Humvee, để cho ra đời một phiên bản Trung Quốc.

Hai doanh nghiệp đã tham gia thiết kế chiếc Humvee Trung Quốc, và cuối cùng Tập đoàn ô tô Đông Phong đã chiến thắng Công ty hàng không Thẩm Dương trong cuộc cạnh tranh tay đôi, giành được quyền sản xuất những chiếc ô tô bọc thép theo kiểu Humvee tại Trung Quốc. Chiếc xe được mang tên Đông Phong Mãnh Sĩ.

Xe bọc thép “Humvee Trung Quốc” được trang bị cho Đội công binh GGHB Việt Nam tại LHQ. Ảnh QĐND.

“XE HUMVEE TRUNG QUỐC” MÀ VIỆT NAM NHẬP KHẨU CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Căn cứ trên hình ảnh được báo QĐND đăng tải, có thể thấy những chiếc xe bọc thép “Humvee Trung Quốc” mà Việt Nam vừa nhận là loại EQ2050.

Theo các thông tin do nhà sản xuất công bố, năm 2002, phiên bản “Mãnh Sĩ” sản xuất lớn đầu tiên mang số hiệu EQ2050 đã hoàn thành thử nghiệm, và sau đó được ra mắt năm 2003.

Quân đội Trung Quốc bắt đầu xem xét đưa các xe này vào trang bị. 57 chiếc Đông Phong EQ2050 đã được quân đội thử nghiệm trong 3 năm 2004-2006, trên nhiều địa hình khác nhau, từ cao nguyên Tây Tạng, sa mạc Gobi, cho đến những vùng lạnh giá của tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc).

100 chiếc EQ2050 đầu tiên được lắp ráp với các bộ phận do Mỹ sản xuất. Nhờ có sự hỗ trợ từ Tập đoàn Genera Motors (Mỹ), những chiếc xe thiết giáp “Humvee của Trung Quốc” dần dần được sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa gần như 100%.

Tất cả các bộ phận quan trọng nhất như khung xe, hộp số và động cơ đều do Tập đoàn Đông Phong sản xuất. Đơn vị đầu tiên được trang bị chiếc EQ2050 là lực lượng đặc nhiệm thuộc Quân khu Quảng Châu (Trung Quốc).

Sau đó, các đơn vị cứu hỏa của Vũ cảnh (Cảnh sát vũ trang) và các đơn vị cảnh sát của Công an Trung Quốc cũng tiếp nhận loại xe này vào trang bị. Một phiên bản dân sự của loại xe này cũng được sản xuất và xuất hiện tại Triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2011.

Về tổng thể, xe Đông Phong Mãnh Sĩ EQ 2050 dài gần 5m, rộng hơn 2m, cao gần 2m, nặng 3,25 tấn, chở được 4 người, trang bị hộp số tự động 4 cấp, cùng động cơ turbo V8 6,5 lít của GM, chạy bằng dầu diesel, cho phép đạt tốc độ tối đa 130km/h.

Xe bọc thép “Humvee Trung Quốc” có nhiều phiên bản khác nhau.

Đến nay, dòng xe Mãnh Sĩ đã trải qua nhiều lần cải tiến, trở thành khung gầm tiêu chuẩn cho các đơn vị lục quân hạng nhẹ của Trung Quốc. Tương tự như xe Humvee, xe Mãnh Sĩ có mức độ bảo vệ cao hơn xe ô tô thông thường, trong khi lại nhẹ hơn và cơ động hơn các xe tải hay xe bọc thép hạng nặng.

Có thể hiểu rằng đây là một chiếc xe ô tô bọc giáp, được trang bị cho các lực lượng bộ binh nhẹ. Vì vậy, xe rất phù hợp để trở thành loại khung gầm tiêu chuẩn cho những lực lượng bộ binh nhẹ cơ động cao, lực lượng đặc nhiệm, bộ binh sơn cước, lính thủy đánh bộ, lính dù, v.v…

Trên cơ sở xe Đông Phong Mãnh Sĩ chở quân tiêu chuẩn, có thể phát triển nhiều phiên bản như xe tuần tra gắn súng máy, súng phóng lựu, xe súng cối cỡ 82mm PCP001, xe cứu thương, v.v…

Ước tính, mỗi lữ đoàn hạng nhẹ của lục quân Trung Quốc được trang bị đến 600 phương tiện sử dụng khung gầm Mãnh Sĩ.

Theo Báo QĐND, cho đến nay, lô hàng vận chuyển bằng đường bộ gồm 193 phương tiện, thiết bị và 29 bộ phụ tùng, phụ kiện đã được vận chuyển về đến Kho K88B an toàn. Lô hàng vận chuyển bằng đường biển dự kiến gồm 2 chuyến, sẽ cập cảng Lạch Huyện, Hải Phòng trong thời gian sớm nhất.

Ở trong nước, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cải hoán nhiều loại xe để trang bị cho đội công binh gìn giữ hòa bình, như xe thiết giáp cứu thương, thiết giáp chở quân, xe công trình bảo dưỡng sửa chữa nhà xưởng, xe công trình bảo dưỡng sửa chữa ô tô-xe máy, xe hút bể phốt, rơ moóc chở dầu, rơ moóc chở nước, rơ moóc chở hàng (loại 2 trục), rơ moóc một trục loại nhỏ chở hàng và rơ moóc chở máy phát, đèn pha.

Trong đó, 8 nhóm trang bị đã được Viện Kỹ thuật Cơ giới Quân sự, Tổng cục Kỹ thuật nghiệm thu cấp cơ sở, đảm bảo trang bị cho đội công binh hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Phi.

Số trang bị công binh nhập khẩu và tự hoán cải sẽ giúp Đội Công binh gìn giữ hòa bình của Việt Nam đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Phi trong thời gian sắp tới.



Nguồn : Source link