
Sáng 24/4, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Cũng như những năm gần đây, phần lớn câu hỏi của cổ đông xoay quanh cái tên “VinFast”. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn cũng thẳng thắn giải đáp tất cả thắc mắc của cổ đông.
Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam chỉ rõ: VinFast có 2 nhóm thị trường, một là để “cắm cờ” và hai là để phát triển doanh số.
Nhóm thứ nhất, chính là Mỹ, châu Âu, Canada. “Chúng ta không có kế hoạch đẩy mạnh doanh số ở đó vì chi phí logistics lớn, đi vòng, đường xa, thuế phí cao. Việc của chúng ta là cắm cờ để chứng minh chất lượng xe đạt chuẩn quốc tế, vào được thị trường khó tính nhất”, ông Vượng nói.
Chia sẻ về dự án đầu tư tại Mỹ, ông Vượng cho biết dự án này đang tạm dừng, Vingroup đang “giấu mình chờ thời”, quan sát diễn biến thị trường rồi mới đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng không phải là một thị trường hấp dẫn vì VinFast bán xe vào đây đang chịu lỗ. “Chẳng có gì phải vội cả, hết nạc mới vạc đến xương. Bây giờ ngồi ngắm cờ là được rồi, không việc gì phải lao vào, còn bao nhiêu miếng nạc cứ chén trước đi đã”, Chủ tịch Vingroup chia sẻ.
Nói về ‘miếng nạc’, chính là nhóm thứ hai, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết đây là những thị trường mà VinFast sẽ tập trung đầu tư và có lợi thế, chủ yếu là Ấn Độ, Indonesia, Philippines.
Ông Vượng tiết lộ, ngày 30/6 tới đây, VinFast dự kiến khai trương và vận hành nhà máy Ấn Độ, và tiếp đó là tháng 10 có nhà máy Indonesia. Khi có 2 nhà máy, VinFast sẽ bắt đầu thúc đẩy doanh số tại các thị trường này và sang năm 2026, dự kiến doanh số thị trường nước ngoài sẽ khác biệt. Trong tương lai, ông Vượng cho biết đương nhiên doanh số chính sẽ đến từ thị trường quốc tế, bởi dung lượng thế giới là 70-80 triệu xe/năm, trong khi dung lượng của thị trường Việt Nam chỉ 450.000-500.000 xe/năm.
Để ‘mở khóa’ thị trường quốc tế, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết: Trạm sạc chính là chìa khóa.
“Để phát triển lượng bán xe, chúng ta phải đầu tư và trạm sạc chính là chìa khóa quan trọng. Tại những thị trường chúng ta làm, chúng ta đầu tư hệ thống trạm sạc y như tại Việt Nam. Mạng lưới cũng sẽ đầy đủ, cũng sẽ rộng khắp để tạo nên sức mạnh cạnh tranh. Đây là việc mà đối thủ không dám làm vì không chỉ mất rất nhiều tiền, mà mất rất nhiều công sức, nhưng “cái gì ngon thì tập đoàn đầu tư, cái gì xương thì tôi đầu tư”, ông Vượng nói.
Về thị trường Việt Nam, mục tiêu VinFast năm nay là bán được 200.000 xe. Nếu đạt được con số này, VinFast sẽ chiếm tới 40% thị phần nội địa, mức cao nhất của một hãng xe tại Việt Nam từ trước tới nay. Đáng chú ý, nếu đạt được con số 200.000 xe, VinFast sẽ chạm tới điểm hòa vốn.
Về cạnh tranh, ông Vượng cho biết xe VinFast có 3 yếu tố cơ bản, xe tốt, giá hợp lý và dịch vụ hậu mãi cực tốt. Đây là 3 trụ cột để cạnh tranh.
Trong đó, giá thành và giá xe liên tục được nghiên cứu, cải tiến, cải tổ để giảm chi phí – từ chi phí linh kiện, chi phí phát triển xe đến chi phí kinh doanh. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng có thể cạnh tranh ngang ngửa với các hãng xe khác.
Theo ông Vượng, thế mạnh vượt trội của xe VinFast là tận tâm phục vụ khách hàng – điều mà hầu như các hãng bỏ qua: “Tesla sửa xe mất hàng tháng, thay linh kiện mất tới 6 tháng vẫn chưa xong. Chúng tôi hướng tới chuẩn 8 tiếng. Hiện này, hàng ngày nếu xe nào sửa quá 8 tiếng thì phải báo cáo trực tiếp với tôi, tất nhiên là trong điều kiện tiêu chuẩn chứ không thể sửa xe đâm đụng trong 8 tiếng. Tóm lại, dịch vụ hậu mãi được chúng tôi đặt lên hàng đầu”.
Nguồn : Source link