Tuy nhiên, những thủ tục hành chính giữa 3 bên, người mua, chủ nợ (ngân hàng) và con nợ luôn là điều khiến người mua xe phải e ngại, đây cũng là lý do chính khiến xe ô tô do ngân hàng thanh lý thường không có độ “hot” như thị trường bên ngoài, dù cho giá cả có vẻ rẻ hơn chút ít.
VIB, VPBank, TPBank, Vietcombank, BIDV,… đang là những ngân hàng có lượng xe ô tô cần thanh lý nhiều nhất theo thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo, hoặc thông báo bán đấu giá của ngân hàng.
Đó là những chiếc xe được người vay dùng để thế chấp cho khoản vay, nay không có khả năng trả nợ nên ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo. Tài sản này được các ngân hàng thu hồi, đưa về kho bãi một thời gian rồi tiến hành đấu giá, thanh lý tài sản nhằm thu hồi vốn.
Hiện có 3 hình thức thanh lý tài sản từ ngân hàng.
Thứ nhất, đấu giá tài sản phát mại: Hình thức này thường được các ngân hàng áp dụng đối với những tài sản có giá trị và được nhiều người hỏi mua, cụ thể họ tổ chức một buổi đấu giá tài sản, có thể là bằng miệng hoặc bỏ phiếu gián tiếp, tài sản sẽ thuộc về người trả giá cao nhất.
Thứ hai, mua trực tiếp tại công ty phát mại mà không cần phải đấu giá.
Thứ ba, nếu muốn hiểu rõ về tài sản mà mình định mua thì có thể thỏa thuận với chủ của tài sản, tuy nhiên nếu mua xe ô tô thông qua hình thức này, người mua cần có kinh nghiệm trong việc xem xe bởi rủi ro rất cao.
Khi mua xe ô tô thanh lý từ ngân hàng sẽ mất khoảng 3 tuần để phía ngân hàng hoàn thành thủ tục đối với chủ cũ, khi tài sản phát mại không còn liên quan đến chủ cũ thì lúc đó ngân hàng mới tiến hành sang tên cho chủ mới.
Chính vì thế, nếu mua xe để sử dụng ngay cần phải lưu ý vấn đề này, bởi từ lúc mua đến khi hoàn thành thủ tục thanh lý có thể mất đến 3 tuần, đồng thời ngân hàng chỉ cung cấp giấy tờ pháp lý còn việc sang tên tài sản sẽ do người mua chủ động thực hiện.
Với hai phương thức đấu giá và mua trực tiếp, các ngân hàng thường thuê một đơn vị khác để định giá tài sản trước khi bán. Khách hàng có thể liên hệ với ngân hàng và làm các thủ tục nếu muốn mua trực tiếp, còn hình thức bán đấu giá sẽ thông qua một công ty thứ ba.
Sau đó, các đơn vị này sẽ thực hiện các bước để đấu giá những chiếc xe theo quy trình bao gồm: Đăng thông tin về tài sản cần đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của ngân hàng, tiến hành đấu giá và thực hiện giao dịch.
Người mua khi có nhu cầu mua theo hình thức này sẽ phải mua, điền hồ sơ đấu giá, tham gia đấu giá mới có thể mua được xe. Sau khi đấu giá thành công, quá trình giao dịch sẽ được thực hiện như mua bán xe bình thường.
Với phương thức mua qua đấu giá, ngân hàng sẽ phát giá khởi điểm ở mức rẻ hơn so với giá thị trường. Điều này kích thích tâm lý ham rẻ của người mua và thu hút được nhiều người đăng ký đấu giá.
Tuy nhiên, do có sự cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá, mức giá thường được đẩy lên cao, đôi khi giá bán chiếc xe thực sự sẽ không còn rẻ nếu người mua không phải là dân buôn bán xe.
Xe thanh lý đương nhiên có giấy tờ đầy đủ, rõ về nguồn gốc nên người mua không lo ngại các vấn đề về xe vi phạm, xe trộm cắp khi mua ngoài. Tuy nhiên, người mua sẽ phải mất thời gian tìm hiểu, đặc biệt là cần thuê hoặc nhờ người có khả năng để thẩm định lại xe mua, bởi xe bị thu giữ thường trải qua thời gian dài nằm ngoài bãi, không được chăm sóc.
Hơn nữa, ngân hàng không phải là tổ chức kinh doanh xe nên sẽ không cung cấp dịch vụ bảo hành cho người mua xe, quá trình sử dụng nếu có hư hỏng người mua sẽ phải chịu hoàn toàn.
Vì là thanh lý để thu hồi nợ xấu, ngân hàng sẽ không cung cấp dịch vụ tài chính cho người mua, mà lấy toàn bộ bằng tiền mặt, vậy nên rất khó cho những ai có tài chính hạn hẹp.
Trong khi đó, xe có thể đã quá hạn đăng kiểm sau thời gian dài, cơ quan đăng kiểm có thể sẽ yêu cầu phải đăng kiểm lại, chi phí đăng kiểm lại sẽ do chủ mới phải chịu.
Nguồn : Source link