1. Hyundai SantaFe và Tucson
Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại, nếu khách hàng ký hợp đồng mua xe Hyundai SantaFe sẽ phải chờ rất lâu mới được nhận xe do số lượng xe từ nhà máy không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đáng chú ý, hầu hết các phiên bản của mẫu xe SantaFe đều được các đại lý Hyundai bán với mức giá chênh từ 40-50 triệu đồng so với niêm yết.
Đặc biệt, một số đại lý Hyundai còn từ chối thông báo giá mẫu Hyundai SantaFe ở thời điểm tại, vì không có xe để ký nên chẳng biết bao nhiêu.
Một nhân viên kinh doanh của đại lý Hyundai ở Hà Nội cho biết, sau Tết chỗ anh tạm dừng ký hợp động chờ mua xe SantaFe vì không biết bao giờ mới có xe để giao trả khách. Có những hợp đồng ký chờ từ tháng 11/2021 đến giờ vẫn chưa có xe để giao, xe về quá ít. Nên nếu khách có nhu cầu mua xe thì có thể để lại thông tin cá nhân, phiên bản, màu sắc… để khi có xe thì sẽ báo lại. Lúc đó có thể qua lấy xe ngay hoặc đặt cọc, đợi ngày mang xe về.
Tình trạng khan hàng, tăng giá bán không chỉ xảy ra với mỗi dòng xe SantaFe của Hyundai mà các mẫu Tucson cũng như vậy. Các phiên bản của Tucson cũng đang được các đại lý Hyundai tại Hà Nội bán chênh từ 20 – 70 triệu đồng (tùy phiên bản và đại lý).
Tìm hiểu về nguyên nhân của việc giá xe của hai mẫu Hyundai SantaFe và Tucson bị chênh so với niêm yết, PV VOV đã có trao đổi với nhà phân phối và lắp ráp dòng xe Hyundai tại Việt Nam – TC Motor và được biết, việc giá xe bị chênh thêm so với giá niêm yết có thể phát sinh chi phí vận tải điều chuyển xe giữa các đại lý, một vài chi phí tài chính phát sinh,…khiến đại lý thỏa thuận thống nhất thu thêm với khách hàng theo từng trường hợp cụ thể.
Còn về tình trạng khan hàng, đại diện TC Motor cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu đối với hai mẫu xe này. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất phải kể đến từ cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu khiến cho nhiều linh kiện cấu thành nên sản phẩm bị thiếu hụt.
“Đặc biệt là với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như Santa Fe & Tucson thì sự ảnh hưởng về thiếu hụt linh kiện lại càng rõ rệt. Bên cạnh đó, sự tác động của Covid-19 dẫn đến khả năng cung ứng sản phẩm linh kiện & vận chuyển của các nhà sản xuất trong hệ thống Hyundai toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nhất định. Trong thời gian tới, khi tình hình thiếu hụt linh kiện được giải quyết, khả năng sản xuất của chúng tôi được ổn định hoàn toàn thì tình trạng trên sẽ được sớm được giải quyết” – đại diện TC Motor cho biết.
Hiện nay, TC Motor đang nỗ lực trong việc tăng cường nguồn cung linh kiện và các hoạt động sản xuất để có được sản phẩm sớm nhất phục vụ người tiêu dùng.
2. Ford Explorer 2022
Vừa ra mắt đầu tháng 1/2022 tại Việt Nam, nhưng mẫu SUV Ford Explorer 2022 của hãng xe Mỹ nhanh chóng nhận được sự chú ý và được nhiều khách hàng tìm mua nhờ những nâng cấp bắt mắt về thiết kế, trang bị nhiều công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, do lượng xe khan hiếm, “cung không đủ cầu” nên đã có hiện tượng chênh giá so với niêm yết.
Cụ thể, theo khảo sát của PV, hiện tại mốt số đại lý Ford xe đã về nhưng số lượng khá ít không đủ để trả khách đặt và giá bán thực tế của Explorer 2022 cao hơn từ 200 – 300 triệu đồng so với niêm yết (2,366 tỷ đồng); hoặc khách có thể phải mua thêm phụ kiện với mức tương đương.
Theo một số nhân viên kinh doanh, hiện nay nếu khách muốn đặt hàng Ford Explorer 2022 thì cũng phải đợi khoảng một tháng hoặc hơn mới có xe và mức chênh thì tương đương hiên nay hoặc giảm hơn một chút.
Tại Việt Nam, Ford Explorer 2022 chỉ có một phiên bản duy nhất được trang bị hộp số tự động 10 cấp, kết hợp cùng động cơ xăng EcoBoost 2.3L, giúp sản sinh công suất tối đa 301 mã lực và mô-men xoắn cực đại 431,5 Nm. Khác với phiên bản trước, chiếc xe mới này còn sở hữu động cơ đặt dọc thiên về lực đẩy, đi kèm với hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian thông minh trên khung gầm unibody hoàn toàn mới.
Ngoài việc mẫu Explorer 2022 bị chênh giá bán tại đại lý, đầu năm 2022, Ford cũng đã điều chỉnh giá bán của Ranger và Everest với mức tăng 12-13 triệu đồng. Trong đó, tất cả phiên bản Ranger đều có mức tăng 12 triệu đồng so với năm 2021 (trừ bản Raptor). Ford Everest tăng giá 12 triệu đồng, riêng bản cao cấp nhất Titanium 4×4 tăng 13 triệu đồng.
3. Toyota Land Cruiser
Được ra mắt tại Việt Nam vào giữa năm 2021, Toyota Land Cruiser 2022 có nhiều sự thay đổi từ kiểu dáng, trang bị và động cơ so với thế hệ cũ.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất không phải là những thay đổi hay nâng cấp đó mà là giá bán của Toyota Land Cruiser 2022 nhanh chóng bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với niêm yết tại Việt Nam.
Ngay sau khi ra mắt, để mua được mẫu xe này, khách hàng phải chấp nhận số tiền chênh lệch so với niêm yết từ 300 – 400 triệu đồng mới lấy được xe sớm. Mức chênh lệch này cũng ngày một tăng khi số lượng xe về Việt Nam ngày càng ít đi.
Theo khảo sát của PV, thời điểm trước Tết, khách hàng muốn sở hữu được mẫu xe này phải trả số tiền chênh từ 500 – 700 triệu đồng so với giá niêm yết (4,06 tỷ đồng, màu sơn trắng có giá 4,071 tỷ đồng).
Mới đây nhất, số tiền chênh để sở hữu Toyota Land Cruiser 2022 tại Việt Nam đã lên tới cả tỷ đồng, có nghĩa là bằng 1/4 giá trị của xe.
Đáng chú ý là nhiều khách hàng chấp nhận số tiền chênh như vậy nhưng vẫn không thể có xe ngay mà phải chờ đợi.
Theo khảo sát của PV, hiện tại nhiều đại lý của Toyota đã tạm dừng nhận đặt hàng cho mẫu xe này vì không biết bao giờ có xe để trả khách.
Một nhân viên kinh doanh của Toyota chia sẻ, mẫu Toyota Land Cruiser 2022 đã khan hàng từ vài tháng nay. Các đại lý hầu như không có xe để bán dù lượng khách khá nhiều. Hiện chỉ có một số lượng xe được mọi người mua từ trước theo dạng thương mại và giờ khan hàng họ bán ra để ăn chênh lệch. Mức chênh có thể lên đến 1 tỷ đồng/xe hoặc hơn, tùy vào thỏa thuận giữa hai bên (mua-bán).
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1/2022, Toyota Land Cruiser bán được tổng cộng 30 xe. Là 1 trong 10 mẫu xe có doanh số thấp nhất tháng 1/2022 tại Việt Nam.
Được biết, cùng với Toyota Land Cruiser, tình trạng chênh giá còn bị ở mẫu Land Cruiser Prado, với mức chênh khoảng 100-200 triệu đồng; Toyoa Raize chênh lệch từ 20-30 triệu đồng./.
Nguồn : Source link