Tin Trong Nước

“Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác!”


Giữa những ngày đường sá ở nhiều tỉnh, thành im phăng phắc vì thực hiện chỉ thị 16, người ta chỉ còn nghe tiếng xe của những lực lượng thuộc tuyến đầu chống dịch Covid-19. Trong đó, tiếng còi xe cấp cứu thường ngày đã khiến nhiều người nơm nớp thì nay lại càng trở nên ám ảnh hơn. Chỉ mong một ngày thứ âm thanh phát ra từ những chiếc xe cấp cứu vãn dần, và cuộc sống của mọi người lại trở về bình thường.

Đỗ Đăng Khoa, chàng sinh viên năm 4 của Đại học Kiên Giang suốt gần 2 tháng qua là 1 trong 4 tài xế lái xe cấp cứu mẫn cán của Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá với nhiệm vụ là chuyên chở những ca F0, F1 đi điều trị và cách ly. Suốt khoảng thời gian qua, chứng kiến biết bao nhiêu trường hợp dương tính trước mắt, anh chàng hiểu rằng công việc mình đang làm thực sự có ý nghĩa trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nam sinh tình nguyện làm tài xế cấp cứu chở F0, có ngày chở cả trăm ca: Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác! - Ảnh 1.

Xung phong làm tài xế xe cấp cứu, có ngày chở tới 100 ca F0 đi điều trị

Khi Kiên Giang có xuất hiện những trường hợp F0 đầu tiên, Đỗ Đăng Khoa đã đăng ký tham gia vào lực lượng trực chốt chống dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của Tỉnh Đoàn Kiên Giang. Tiếp đó, nghe tin Khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm y tế TP đang có 1 chiếc xe cấp cứu nhưng chưa có tài xế, với bằng lái xe B2 trong tay, ngay lập tức 9X đã xung phong qua đây để làm nhiệm vụ lái xe chở bệnh nhân.

Khoa cho biết, những ngày đầu, Trung tâm Y tế chỉ có 2 tài xế cho 2 chiếc xe hoạt động ngày đêm, sau này, trung tâm mới có thêm 2 “bác tài” nữa. Cứ mỗi 8h sáng hằng ngày cậu bạn có mặt tại trung tâm. Đôi lúc, có lệnh điều động gấp từ trưởng khoa, cậu bạn sẽ lập tức đến sớm hơn, có khi còn quên cả bữa ăn sáng. Thế nên, công việc này chẳng có giờ giấc rõ ràng, cụ thể.

Nói về cảm xúc của bản thân khi lần đầu ngồi sau vô lăng của chiếc xe cấp cứu, Khoa tâm sự: “Lúc đầu khi mới chở bệnh nhân, mình rất lo lắng, sợ mình bị nhiễm rồi lại lây cho mọi người mà lực lượng chống dịch dưới mình còn mỏng, do đó bản thân mình phải ý thức đảm bảo an toàn, tập trung tuyệt đối, không được sơ hở bất cứ thứ gì!”.

Nam sinh tình nguyện làm tài xế cấp cứu chở F0, có ngày chở cả trăm ca: Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác! - Ảnh 2.

Trước khi bắt đầu làm việc, anh chàng mặc đồ bảo hộ, lên xe thực hiện các bước đảm bảo an toàn như sát khuẩn, khử trùng,… trước khi đến nơi có các ca F0, F1 để chở họ đến khu điều trị, cách ly. Hết việc, anh chàng mới tháo bỏ lớp đồ bảo hộ rồi lại thực hiện sát khuẩn cơ thể và xe bằng cồn, xà bông,.., một lần nữa. Công việc cứ cuốn chiếu liên tục, có khi làm từ sáng đến quá chiều, qua cả giờ ăn trưa lúc nào không hay.

Từ ngày nhận nhiệm vụ chạy xe cấp cứu, một ngày anh chàng ăn ít hơn mọi hôm, có khi bỏ cả bữa mà cứ thế lao vào vùng tâm dịch để vận chuyển người bệnh.

Nam sinh kể về ngày làm việc căng thẳng nhất mình từng trải qua: “Hôm ấy, mình đến chở bệnh nhân ở hẻm 242 Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc, nơi sau xét nghiệm có tới 141 ca dương tính. Mình được gọi ngay trong đêm và phải vận chuyển hết tất cả các bệnh nhân đi vào khu điều trị. Khi chở được hơn 100 bệnh nhân thì mình quá kiệt sức nên đành gọi cho chú tài xế còn lại, trước đó chú chỉ chuyên chở người diện F1!”.

Không dám tiếp xúc với mẹ sau một ngày ngoài đường, từng lặng người trước những cảnh chia ly vì Covid-19

Khoa hiện tại đang sống cùng mẹ, bố của cậu bạn đã mất cách đây 5 năm. Dù nhà neo người song khi nghe tin con trai đăng ký hỗ trợ công tác chống dịch của địa phương, mẹ của cậu bạn lại ủng hộ quyết định của con trai mình. Bà luôn dặn dò con bảo vệ bản thân thật kỹ, không được lơ là trước mọi diễn biến của dịch.

Cũng vì công việc có phần nguy hiểm, thế nên sau một ngày dài làm việc với đội phản ứng nhanh và tiếp xúc với F0, khi về nhà, cậu bạn phải xịt cồn từ ngoài sân, nhanh chóng đi tắm rồi vào phòng riêng và tránh tiếp xúc, gặp gỡ mẹ.

Gần 2 tháng đồng hành cùng Trung tâm Y tế, Đăng Khoa cảm nhận sâu sắc những mất mát mà đại dịch này mang lại. “Mình thấy căn bệnh này quá tàn khốc với mọi người. Nó gây chia ly nhiều gia đình, có nhiều hoàn cảnh làm mình rất xúc động khi gia đình mỗi người mỗi nơi, cuộc sống bị xáo trộn tất cả, nó dường như đảo lộn mọi thứ, không còn gì là cuộc sống bình thường như trước đây!”.

Nam sinh tình nguyện làm tài xế cấp cứu chở F0, có ngày chở cả trăm ca: Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác! - Ảnh 3.

Kể về một chuyến đi khiến anh chàng nhớ mãi, Khoa cho biết đó là một lần đến với gia đình có 3 người gồm 2 vợ chồng và 1 đứa bé 10 tháng. Trong khi chồng là F1 được đi cách ly thì người vợ ở nhà sau vài lần lấy mẫu mới xác định là F0, riêng đứa bé vẫn có kết quả âm tính. Khi đưa đi điều trị, người mẹ phải bồng và giao lại con sang cho người cha đang ở khu cách ly trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang.

9X kể lại: “Khi di chuyển sang nơi chồng đang ở, đứa bé thấy mọi người mặc đồ bảo hộ nên ré khóc suốt đoạn đường. Khi đến nơi, hai vợ chồng đứng từ xa để giao nhận con, rồi cả 2 đều khóc, khoảnh khắc đó khiến mình vô cùng xúc động. Mình chỉ biết động viên cho gia đình giữ vững tinh thần để sớm hoàn thành việc điều trị, cách ly và về đoàn tụ”.

“Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác, ở đó trách nhiệm của mình nặng nề hơn”

Ngày thường, ngồi trên những chiếc xe 4 bánh mà không có chiếc còi hú thì việc điều khiển phương tiện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng với Khoa, từ lúc làm nhiệm vụ chạy xe cấp cứu, anh bạn lại có thêm những cảm xúc khác về người ngồi sau vô lăng mà khó nói thành lời. Anh chàng cho biết, những bữa đầu khá lo lắng và sợ vì từ trước đến giờ chưa cầm lái xe cấp cứu. Do đó, từ đầu Khoa đã dặn lòng phải giữ tinh thần thật cứng cáp, tập trung cao độ để chạy xe sao cho an toàn.

Khoa tâm sự: “Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác. Ở đó trách nhiệm của mình nặng nề hơn, mình không chỉ tham gia giao thông bình thường mà còn nắm trong tay rất nhiều tính mạng. Mình cảm nhận được sự quan trọng của công việc mình đang làm trong từng chuyến xe!”.

Nam sinh tình nguyện làm tài xế cấp cứu chở F0, có ngày chở cả trăm ca: Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác! - Ảnh 4.
Nam sinh tình nguyện làm tài xế cấp cứu chở F0, có ngày chở cả trăm ca: Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại là 1 chuyện khác! - Ảnh 5.

Công việc áp lực với khối lượng công việc nặng nhiều lúc khiến cậu bạn nản chí và đuối sức. Nam sinh chia sẻ: “Trước đây, Trung tâm Y tế chỉ có 2 tài xế và 2 chiếc xe, mình phải chạy liên tục, cộng thêm việc mặc đồ bảo hộ vừa nóng, vừa làm hạn chế thao tác, ngồi trên xe lại không mở máy lạnh nên rất nóng. Có hôm 2h sáng mới về tới nhà và kiệt sức. Đôi lúc mình nghĩ sao mà mệt mỏi quá!”.

Nhưng mỗi lần mệt mỏi như thế, anh chàng lại được tiếp thêm sức mạnh từ những lời động viên, những câu nói truyền động lực của đội ngũ y bác sĩ và các anh chị đội phản ứng nhanh nên chẳng mấy chốc mà Khoa vực lại tinh thần để tiếp tục công việc. Cứ thế, Khoa dần trở thành một thành viên không thể thiếu của đội phản ứng nhanh tại Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá.

Hy vọng một ngày nào đó, dịch bệnh sẽ qua đi, những chuyến xe của Đăng Khoa vãn người dần, cuộc sống trở về bình thường để cậu bạn quay trở về giảng đường, hoàn thành những môn học đang dang dở để kịp cầm trên tay tấm bằng cử nhân.

Chắc chắn, ngày ấy sẽ đến thôi!

Ảnh: Nhân vật cung cấp



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button