Khó nhưng vẫn có cửa
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và chuyên gia Trịnh Thanh Tùng – Quản trị viên Xe Tinh tế – tinhte.vn về chủ đề: Xe AION bán cho ai?
AION đã giới thiệu 2 dòng xe đầu tiên bao gồm Y Plus và ES. Anh đánh giá như thế nào về cơ hội của AION cũng như 2 mẫu xe này tại Việt Nam?
Đối với tôi, cơ hội lớn nhất của AION là thời điểm ra mắt.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại không có quá nhiều thương hiệu xe. Điều này khác biệt so với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan. Thị trường Việt Nam còn rất mới, là thời điểm phù hợp để các thương hiệu có thể gây dựng được những nền móng vững chắc.
Họ sẽ gây dựng lòng tin với khách hàng bằng cơ sở hạ tầng, quy mô của các cơ sở này như showroom, đại lý… Khi có được các cơ sở tốt, nền tảng tốt, hãng sẽ chiếm được lòng tin của khách hàng. Ở Việt Nam, lịch sử cho thấy không ít thương hiệu sớm đến rồi sớm đi.
Vì thế, đối với tôi, cơ hội của AION chính là thời điểm mà thương hiệu này xuất hiện tại Việt Nam, giống một vài thương hiệu khác thời gian gần đây đang đến ngày càng nhiều.
Gần đây, làn sóng xe Trung Quốc vào Việt Nam đang hiện diện rõ ràng. Nhiều người nói với nhau rằng: Xe điện khó bán, xe Trung Quốc khó bán, AION là xe điện Trung Quốc nên chắc chắn khó bán hơn nữa. Vậy theo anh, đâu là thách thức mà AION phải đối mặt?
Giống như mọi người đã nhìn thấy, theo tôi, 2 thách thức mà AION đang phải đối mặt là thương hiệu và trạm sạc.
AION hiện chỉ bán xe điện, vì thế người mua chắc chắn sẽ quan tâm rất nhiều đến hệ thống trạm sạc. Vấn đề này sẽ cần một thời gian dài để giải quyết.
Với thương hiệu, tôi nghĩ hãng có thể giải quyết được bằng các hoạt động marketing, truyền thông… để giúp người dùng hiểu được về thương hiệu của họ.
Trung Quốc có rất nhiều thương hiệu xe khác nhau, có những thương hiệu chỉ bán nội địa với chất lượng không quá cao. Họ cũng có nhiều thương hiệu bán ở thị trường toàn cầu, thậm chí là châu Âu và họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Bản thân AION cũng đang có kế hoạch như thế khi trong năm nay họ dự kiến sẽ ra mắt thị trường châu Âu với một chiến dịch hoành tráng.
Vì thế, tôi nghĩ rằng điều quan trọng chính là cách AION sẽ làm như thế nào để khỏa lấp về vấn đề mà họ gặp phải.
Anh đánh giá như thế nào về hai mẫu xe AION vừa giới thiệu là Y Plus và ES?
Tôi nhận thấy hai mẫu xe này có đôi chút khác biệt so với những mẫu xe Trung Quốc đã ra mắt tại Việt Nam trước đây.
Hai sản phẩm này hướng đến nhu cầu sử dụng cơ bản và thực dụng hơn. AION không làm những mẫu xe quá màu mè, ngập tràn option, động cơ rất mạnh, dẫn động 4 bánh… Thay vào đó, họ tập trung vào 2 yếu tố chính: Thiết kế xe đơn giản, nội thất rộng rãi và quan trọng nhất là phạm vi hoạt động dài. Nhờ đó, tôi đánh giá AION đang nhắm đến nhu cầu thực dụng nhiều hơn. Đây có thể là một chiến lược hấp dẫn với khách hàng Việt. Bởi những thương hiệu khác đang bỏ qua yếu tố thực dụng.
Ví dụ, một khách hàng thông thường sẽ cần tìm mua một mẫu xe điện phổ thông, đáp ứng được nhu cầu bình thường. Quan trọng nhất, xe có thể đi dài hơn vì hiện nay đang có ít trạm sạc. Họ cũng không cần một chiếc xe quá mạnh, bởi bản thân động cơ điện đã có gia tốc tốt.
Tôi nghĩ rằng, đây là yếu tố then chốt.
Ranh giới giữa sự thực dụng và nhạt nhòa rất mong manh. Một số ý kiến cho rằng xe AION nhạt nhòa, không có gì hấp dẫn. Anh phản bác như thế nào với ý kiến này?
Tôi cho rằng, AION không hướng đến việc có một điều gì đó quá nổi bật. Tương tự giống BYD ra mắt trước đấy, họ không có điều gì quá bùng nổ, nhưng hãng xe này có thiên hướng về sự cá tính, độc đáo và một chút công nghệ. Còn AION đi vào những giá trị cốt lõi hơn.
Ví dụ, một khách hàng thông thường chỉ muốn trải nghiệm xe điện mới, sẽ không dám đánh cược vào những mẫu xe không mang lại sự tin cậy. Họ cũng không muốn đánh cực vào những chiếc xe có tầm hoạt động ngắn, vì sẽ rủi ro trong quá trình sử dụng. Họ thực sự chỉ muốn một chiếc xe điện bình thường.
AION ES có giá 788 triệu đồng, trong khi mức giá của Y Plus là 888 triệu đồng. Anh nghĩ sao về con số này?
Mức giá này sẽ rất khó khăn cho AION. Lịch sử cho thấy người Việt thường mua xe Trung Quốc chỉ vì một lý do lớn nhất là giá rẻ.
Việc của AION bây giờ là thuyết phục người dùng tin rằng giá trị mà những mẫu xe đó mang lại tương xứng với số tiền mà khách hàng bỏ ra. Nhưng ngược lại, tôi đặt ra câu hỏi: Nếu một người không thích khác biệt, tại sao họ phải bỏ ra gần 800 triệu để mua mẫu xe này thay vì xe xăng?
Tuy nhiên, tôi cho rằng ở thời điểm đầu, AION muốn có điều gì đó nổi bật một chút. Trong tương lai, chính sách bán hàng, giá bán, marketing có thể thay đổi theo thực tế thị trường.
Nếu không bán được xe, hãng hoàn toàn có thể triển khai các chương trình ưu đãi, thậm chí ưu đãi rất nhiều. Đó cũng là cách mà một cái thương hiệu Trung Quốc khác đang làm tại Việt Nam, khi giá bán lúc ra mắt chênh lệch rất lớn so với khi đến tay người tiêu dùng.
Vậy, ai sẽ là người mua xe AION tại Việt Nam?
Chắc chắn, AION sẽ không nhắm đến những người mua xe lần đầu phục vụ gia đình. Khách mua xe AION phải là những người am hiểu về xe, đã sở hữu xe, mua chiếc xe thứ 2 hoặc đổi từ chiếc xe đang sử dụng sang AION. Chủ yếu, họ mua thêm một chiếc xe cho vợ để đưa đón con, đi trong thành phố hay thêm một trải nghiệm mới.
Với những người mua xe lần đầu, hầu hết sẽ nhắm đến lựa chọn an toàn nhất. An toàn ở đây được hiểu là mua một chiếc xe xăng, giá bán chỉ khoảng 550 triệu đồng để phục vụ che mưa, che nắng. Rất khó để đối tượng khách hàng này bỏ ra gần 800 triệu mua một chiếc xe điện Trung Quốc.
Vì thế, tôi đánh giá số lượng khách hàng của AION không quá nhiều.
Cảm ơn anh Tùng rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Nguồn : Source link