Vào ngày 29/4, Honda đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phúc đáp về việc “phối hợp nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, trong đó có đoạn đáng chú ý nói về khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh của hãng xe tại Việt Nam.
Theo đó, với lý do tình hình “thị trường ô tô, xe máy suy giảm do tác động của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020” khiến “sản lượng ô tô sản xuất trong nước giảm do khó khăn trong việc khôi phục sản xuất”, Honda Việt Nam cho biết hãng “có khả năng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu”.
Nếu điều này trở thành hiện thực, Honda sẽ chỉ còn lắp ráp mảng xe máy ở Việt Nam, nơi hãng chiếm gần 80% thị phần và nắm chắc vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, thị trường ô tô lại là một câu chuyện không hề đơn giản đối với hãng xe này.
Đối với lĩnh vực ô tô, Honda chiếm 10,6% thị phần trong 3 tháng đầu năm nay với tổng doanh số đạt 5.290 chiếc, xếp sau Toyota và THACO. Nhà sản xuất Nhật Bản sở hữu danh mục sản phẩm gồm 7 mẫu xe: Brio, Jazz, City, Civic, HR-V, CR-V, Accord.
Phân chia thị phần của các mẫu xe Honda trong 3 tháng đầu năm 2020.
Theo biểu đồ trên, City được ghi nhận là ô tô bán chạy nhất của Honda tại Việt Nam trong quý I/2020, chiếm khoảng 29% số lượng xe bán ra của hãng xe Nhật Bản. Tuy nhiên, tất cả các mẫu xe còn lại đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Thậm chí, nếu tính trong cả năm 2019 vừa qua, CR-V mới là mẫu đứng đầu với doanh số 13.337 chiếc, đây cũng là một trong những mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy một phần sự phụ thuộc của Honda đối với các ô tô nhập khẩu, và ngày càng được thể hiện rõ ràng.
Trước đây, nhà máy ô tô Honda ở Vĩnh Phúc từng lắp ráp nhiều nhất 3 mẫu xe: City, Civic và CR-V; nhưng qua thời gian, từng đại diện rơi rớt dần và hiện Honda Việt Nam chỉ còn mẫu City lắp ráp nội địa, trong khi 6 mẫu xe còn lại đang bán đều được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan (Jazz, Civic, HR-V, CR-V, Accord) và Indonesia (Brio).
Trong khi đó, City được giữ lại lắp ráp ở Việt Nam do có doanh số khá ổn định tại Việt Nam vì khi đó, đây là mẫu xe ăn khách nhất của Honda, đồng thời nhu cầu của khách hàng đối với dòng xe này vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, sedan phân khúc B đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây vì bị nhiều nhiều đối thủ dồn ép mạnh.
Doanh số Honda City tại Việt Nam từ năm 2015 đến 2019.
Ở phân khúc B, Toyota Vios và Hyundai Accent vẫn luôn là nhưng mẫu sedan ăn khách nhất, đạt doanh số lần lượt 6.359 và 4.440 chiếc trong quý đầu tiên của năm nay. Ngoài ra, Kia Soluto cũng đang vươn lên với số lượng xe bán ra đạt 1.639 chiếc trong 3 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, Honda City chỉ đạt 1.509 chiếc, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, Honda đã chính thức dừng hoạt động lắp ráp ô tô tại Philippines kể từ tháng 3 vừa qua khi đóng cửa nhà máy ở phía nam thủ đô Manila. Lý do cho việc này nằm ở sản lượng ô tô sản xuất tại Philippines quá nhỏ so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan.
Dù chính phủ Philippines đã tung một chương trình ưu đãi thuế vào năm 2015 nhưng đã không thành công trong việc nâng cao sản lượng ô tô. Bắt đầu vận hành từ năm 1992, nhà máy Honda ở đây có tới 650 nhân viên trước khi bị đóng cửa, và đang sản xuất các mẫu BR-V và City để phục vụ cho nhu cầu nội địa.
Trong khi đó, nhà máy ô tô Honda Việt Nam nằm tại thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) bắt đầu được cấp phép hoạt động từ tháng 3/2005 với số lượng nhân viên làm việc được hãng xe công bố vào tháng 3/2019 là 537 người. Hiện nhà máy chỉ còn lắp ráp Honda City để phục vụ cho thị trường trong nước, thế hệ mới của mẫu xe này vừa ra mắt tại Thái Lan vào cuối năm ngoái và chưa xuất hiện ở Việt Nam.
Honda City thế hệ mới được giới thiệu tại Thái Lan.
Việc Honda rút mảng lắp ráp ôtô khỏi Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra nếu doanh số của mẫu sedan hạng B tiếp tục giảm đến một mức nhất định và nhu cầu của thị trường không đủ. Các mẫu xe nhập khẩu mà hãng đưa về Việt Nam đạt doanh số ổn định có thể trở thành hình mẫu để Honda tự tin khi chuyển các sản phẩm của mình sang nhập khẩu toàn bộ.
Nguồn : Source link