“Thông thường vào cuối năm, tiêu thụ ô tô tăng do nhiều người mua xe đi lại dịp Tết hoặc tranh thủ chạy dịch vụ trong mùa cao điểm. Do vậy, trước đây các hãng cũng như đại lý không những không chạy chương trình ưu đãi, giảm giá mà còn tăng giá bán đáng kể. Nhưng năm nay, nhà sản xuất và giới kinh doanh xe vẫn duy trì giảm giá đến thời điểm này và chưa có dấu hiệu dừng lại” – một đại lý thông tin.
Khách đã quen được giảm giá
Các đại lý ô tô đều xác nhận hầu như tháng nào cũng phải giảm giá, ưu đãi gói phụ kiện… để tăng doanh số. Những tháng cuối năm, chương trình ưu đãi càng phải tốt hơn thì mới mong thu hút được khách hàng.
Theo ghi nhận, sau khi mẫu xe Mitsubishi Xpander lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, các đại lý bán mẫu này nhập khẩu cũng phải hỗ trợ lệ phí trước bạ tương đương trong nước. Chưa kể, Mitsubishi còn tặng gói bảo hiểm vật chất và nhiều phụ kiện khác để tăng thêm sức hút với khách hàng. Tương tự, hãng Honda cũng tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua mẫu CR-V, Mercedes giảm 50%-100% lệ phí trước bạ với các mẫu xe hoặc giảm giá đến cả trăm triệu đồng tiền mặt.
Volkswagen tặng 100% lệ phí trước bạ với các mẫu xe và giảm từ 60-180 triệu đồng tiền mặt tùy mẫu xe. Suzuki ngoài tặng lệ phí trước bạ và bảo hiểm vật chất còn giảm giá từ 20-40 triệu đồng/chiếc. Ford giảm giá cho mẫu Ecosport vừa ra mắt 30 triệu đồng/chiếc và giảm các mẫu khác 70-90 triệu đồng/chiếc, đồng thời tặng lệ phí trước bạ 50%, tặng bảo hiểm thân xe và nhiều phụ kiện khác.
Nếu đột ngột dừng ưu đãi, sức mua ô tô tháng cuối năm có thể không đạt kỳ vọng
Một số hãng tập trung giảm giá trực tiếp bằng tiền mặt với các mẫu xe có khả năng tiêu thụ cao, như: Hyundai giảm giá bán từ 20-35 triệu đồng/xe tùy mẫu, xe Peugeot 3008 giảm 120 triệu đồng, xe Mazda giảm 30-50 triệu đồng/chiếc và tặng kèm gói phụ kiện hàng chục triệu đồng, Toyota cũng giảm giá vài chục triệu đồng mỗi chiếc…
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10 vừa qua, tiêu thụ ô tô tăng đáng kể với 33.254 chiếc, tăng 22% so với tháng trước đó và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đại lý ô tô thừa nhận doanh số tiêu thụ xe tăng bởi các chương trình ưu đãi, khuyến mại kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp đã kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt, những tháng đầu năm, do dịch Covid-19 bùng phát nên nhiều người có ý định mua xe đã tạm gác lại nhu cầu và hiện nay đã là thời điểm thích hợp để mua xe. Dự báo, sức mua tháng 11 tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào tháng 12 nhưng giá bán vẫn sẽ tiếp tục giảm.
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, đánh giá thị trường ô tô hiện tại và tương lai sẽ cạnh tranh rất quyết liệt. Các hãng, đại lý buộc phải thường xuyên giảm giá, tung nhiều ưu đãi hơn mới bán được xe. Ngoài ra, khách hàng đã quen được giảm giá, tặng gói phụ kiện… trong nhiều tháng liên tiếp nên nếu đột ngột dừng các chương trình ưu đãi sẽ khiến khách hàng quay lưng.
Giảm giá để giải phóng hàng tồn
Nhiều đại lý cho biết dù sức mua đã tăng nhưng vẫn chưa đủ để giải phóng tồn kho, các mẫu xe đời 2019, 2020 còn khá nhiều do những tháng đầu năm gần như không bán được chiếc nào. Trong đó, nguồn xe lắp ráp trong nước chiếm tỉ lệ khá cao do các nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động kể cả trong dịch. Còn xe nhập khẩu tuy được điều tiết giảm theo nhu cầu thị trường ở đợt giãn cách đầu tiên nhưng lại nhanh chóng được nhập về ồ ạt và gặp đợt dịch bùng phát lần thứ 2 nên chưa tiêu thụ được hết.
Thông tin từ giới kinh doanh cũng cho thấy trong tháng 12 sẽ có khoảng 31.000-32.000 xe được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, sức tiêu thụ thực tế được dự báo chỉ xoay quanh con số 22.000 xe, tức có thể tồn kho đến hàng ngàn chiếc. Giới kinh doanh cũng cho hay VAMA ghi nhận tiêu thụ hơn 33.000 chiếc vào tháng 10 và dự kiến sức tiêu thụ tương tự vào tháng 11. Trong khi đó, thực tế, đại lý không bán hết và thường có mức hàng tồn từ 10% trở lên. Bởi vậy, lượng xe tồn tại kho của các đại lý vẫn khá lớn. Nếu không thường xuyên giảm giá, tặng gói ưu đãi có giá trị hấp dẫn… thì không có khả năng tiếp cận được người mua.
Thậm chí, áp lực tồn kho khiến các đại lý buộc phải chăm sóc khách hàng thông thường bằng các chính sách tương tự như khách “VIP”. Chẳng hạn, khách có thể ở nhà, nhân viên đại lý mang xe đến tận nơi cho khách xem và lái thử. Nếu đồng ý mua, ngoài việc giảm giá, tặng gói ưu đãi như đã thông tin công khai, khách còn được “đàm phán” lần hai để được giảm giá thêm đến vài chục triệu đồng hoặc được hưởng thêm nhiều trang bị kèm theo khác.
Ông Nguyễn Duy Bình, Trưởng Phòng Marketing ô tô – Công ty TNHH Việt Nam Suzuki, nhận định sức tiêu thụ ô tô từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ tăng cao nên các hãng và đại lý sẽ tranh thủ mùa mua sắm để xả hàng tồn bằng việc đưa ra các gói ưu đãi. Nếu không quyết liệt xả hàng, tồn kho đến năm sau thì xe sẽ rất khó bán.
Nguồn : Source link