Doanh số ô tô giảm 16 tháng liên tiếp, người Thái Lan ngậm ngùi: ‘Tại xe Trung Quốc’
Doanh số bán ô tô của Thái Lan giảm mạnh trong quý III. Các nhà phân tích cho hay thị trường Thái Lan đang bước vào giai đoạn suy thoái, giảm 28% theo năm và 9,5% theo quý. Nguyên nhân được cho là do tình trạng nợ hộ gia đình ở mức cao, kéo dài khiến ngân hàng buộc phải siết chặt các khoản vay mua ô tô.
Nikkei Asia đã tổng hợp dữ liệu bán hàng trong quý III tại 5 quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Tổng doanh số bán ô tô tại 5 thị trường đạt 763.000 xe, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Khoảng cách về doanh số giữa Thái Lan và Malaysia – quốc gia đã vượt Thái Lan để trở thành thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á từ quý III/2023, đã gia tăng trong khi khoảng cách giữa Thái Lan và Philippines xếp dưới bị thu hẹp còn hơn 12.600 xe. 2 năm trước, khoảng cách giữa 2 thị trường là hơn 113.000 xe.
“Chiếc xe của tôi đã 7 năm tuổi rồi nhưng tôi sẽ tiếp tục sử dụng nó. Tôi không dám vay nợ mới vào thời điểm kinh tế còn yếu”, Patchara Attachai, một nhân viên văn phòng 32 tuổi cho biết. Doanh số bán ô tô của Thái Lan đã giảm trong 16 tháng liên tiếp kể từ tháng 6/2023.
Surapong Paisitpattanapong thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho rằng sự không chắc chắn về việc chuyển sang xe điện khiến doanh số giảm. Chính phủ Thái Lan đã tích cực thúc đẩy trợ cấp, thu hút 7 nhà sản xuất Trung Quốc gia nhập thị trường này.
“Mặc dù các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn chưa sản xuất hết công suất, chúng ta có thể thấy nguồn cung xe điện trên thị trường xe điện Thái Lan đang dư thừa”, Surapong cho biết, nói thêm rằng nguồn cung dồi dào trong thời kỳ sức mua yếu đã gây ra một cuộc chiến về giá. Điều này khiến người dùng Thái Lan trì hoãn quyết định mua e vì dự đoán giá sẽ giảm trong tương lai.
“Tôi đang nghĩ đến việc mua một chiếc xe điện vì nó là xu hướng nhưng tôi sợ nhà sản xuất sẽ lại giảm giá sau khi tôi mua”, Boonchoo Chaicharoen, một chủ cửa hàng mì 40 năm tuổi cho biết.
Trong khi đó, thị trường ô tô Philippines sôi động hơn, với doanh số tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng chậm lại so với mức tăng 11% của quý II nhưng các nhà quan sát cho rằng niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện.
Tại Indonesia, doanh số ô tô quý III đã giảm 10,4% so với cùng kỳ, theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Indonesia Gaikindo. Doanh số bán ô tô của Indonesia đã giảm trong 15 tháng liên tiếp kể từ tháng 7/2023.
Anton Jimmi Suwandy, Giám đốc tiếp thị của Toyota Astra Motor, nói với Nikkei Asia rằng có nhiều yếu tố dẫn đến sự chậm lại này, gồm “điều kiện kinh tế toàn cầu không ổn định, giá cả hàng hoá thay đổi và áp lực lạm phát”. Irreza, giám đốc chiến lược và hoạt động giao dịch tại PwC Indonesia dự đoán doanh số ô tô mới của Indonesia sẽ giảm 10-12% so với năm ngoái.
Malaysia, thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á, đã chậm lại đôi chút – giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế của Malaysia tiếp tục hoạt động tốt, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ, tiêu dùng cá nhân cũng tăng trưởng đều. Tuy nhiên, chính phủ có kế hoạch chấm dứt trợ cấp giá xăng vào cuối năm, có thể ảnh hưởng đến doanh số bán ô tô.
Các nguồn tin trong ngành cho biết xe hybrid đang ngày càng phổ biến tại quốc gia này và Haval H6, mẫu xe mà Great Wall Motor bắt đầu sản xuất nội địa từ tháng 9, có thể cạnh tranh với các thương hiệu nội địa.
Với Việt Nam, thị trường đang sôi động với doanh số tăng 25% trong quý III. Điều này được cho là nhờ quyết định hỗ trợ 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 9 đến tháng 11/2024. Doanh số bán ô tô của Việt Nam đã tăng 45% vào tháng 9.
Xe hybrid cũng đang có doanh số tốt tại Việt nam với doanh số tích luỹ từ tháng 1 đến tháng 10 đạt 7.000 xe. VinFast, nhà sản xuất xe điện trong nước, công bố doanh số bán hàng trong nước đạt 51.000 xe sau 10 tháng đầu năm.
Nguồn : Source link