Đấu giá biển số ôtô ra sao?


Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ôtô, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đấu giá trực tuyến

Theo dự thảo, đấu giá biển số ôtô được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên mạng internet.

Biển số đưa ra đấu giá bao gồm biển số ôtô của các tỉnh, thành phố, ký hiệu series A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z có nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an là người có thẩm quyền quyết định số lượng biển số ôtô đưa ra đấu giá và phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu giá cho từng phiên đấu giá.

Trường hợp chưa đến kỳ đấu giá tiếp theo mà công an các tỉnh, thành phố hết biển số ôtô để đăng ký, Bộ Công an giao Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) quyết định.

Để tổ chức đấu giá, Bộ Công an sẽ lựa chọn, ký hợp đồng với một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe. Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản, hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và được lựa chọn biển số ôtô trong danh sách biển số đưa ra đấu giá của tất cả tỉnh, thành trên toàn quốc.

Kết quả tổ chức đấu giá được gửi vào hòm thư điện tử của người tham gia đấu giá, đồng thời gửi tới Bộ Công an để phê duyệt, cấp hóa đơn (sau khi nộp đủ tiền đấu giá) cho người đấu giá, rồi làm thủ tục đăng ký xe.

Cũng theo dự thảo, Bộ Công an sẽ mở một tài khoản chuyên thu tại ngân hàng để thu tiền trúng đấu giá biển số ôtô; thực hiện kê khai, nộp, quyết toán với cơ quan thuế.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (không bao gồm lệ phí đăng ký xe và đã trừ đi số tiền đặt trước) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.

Một người dân bấm được biển số “VIP” 777.77. (Ảnh do người dân cung cấp)

Giá khởi điểm 40 triệu đồng

Số tiền bán đấu giá biển số ôtô và số tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương.

Căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bao gồm: Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất; tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh, trật tự.

Đáng chú ý, dự thảo quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá hoặc văn bản gia hạn thời gian đăng ký, trong trường hợp sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì người thừa kế được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp (sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá và không được tính lãi).

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ôtô. Theo đó, nghị quyết nêu rõ giá khởi điểm của một biển số ôtô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số ôtô đưa ra đấu giá, bước giá là 5 triệu đồng.

Người trúng đấu giá được đăng ký biển số ôtô trúng đấu giá gắn với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số ôtô trúng đấu giá trong trường hợp ôtô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng; được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để thừa kế biển số ôtô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ôtô gắn biển số trúng đấu giá.

Người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký ôtô để gắn biển số trúng đấu giá trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số ôtô trúng đấu giá; trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng.

Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá không thực hiện thủ tục đăng ký ôtô để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số ôtô trúng đấu giá được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp.

Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành trong 3 năm từ ngày 1-7.

Tạo nguồn thu cho ngân sách

Đại diện Bộ Công an cho biết việc xây dựng và ban hành nghị định này góp phần khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Qua đó, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

“Pháp luật về đấu giá tài sản còn thiếu một số quy định cụ thể để áp dụng cho hoạt động bán đấu giá trực tuyến nói chung và bán đấu giá trực tuyến biển số ôtô nói riêng. Do vậy, việc ban hành quy định cụ thể, chi tiết để Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội đi vào cuộc sống là hết sức cần thiết, khắc phục khoảng trống của pháp luật để việc thực thi nghị quyết có hiệu quả tích cực” – đại diện Bộ Công an nêu.



Nguồn : Source link