Với hạ tầng trạm sạc tốt, VinFast có ảnh hưởng nhất định tới lộ trình giới thiệu xe điện của các thương hiệu khác.
Nhiều mẫu ô tô điện về Việt Nam
Cùng với xu hướng điện hóa ô tô và giá xăng dầu liên tiếp bất ổn thời gian gần đây, nhiều hãng xe đua nhau ra mắt ô tô điện tại Việt Nam. Hăng hái nhất là các thương hiệu xe sang như Audi với chiếc e-tron GT, Porsche là Taycan, Mercedes-Benz dự kiến ra mắt EQS trong tháng sau. Đây đều là các xe điện đắt tiền thuộc phân khúc cao cấp.
“Đối tượng khách hàng của nhóm xe này rất đặc thù, đa số di chuyển không nhiều, với hành trình thường cố định và có đủ khả năng tài chính để đảm bảo nhu cầu sạc của bản thân như lắp đặt trạm sạc tại gia. Nhóm khách này cũng thường có nhiều xe, do đó không bị lệ thuộc vào phương tiện duy nhất, điều mà các chủ xe điện phổ thông luôn phải e dè”, chuyên gia về phương tiện điện hoá Nguyễn Thúc Hoàng Linh nhận định.
Nắm bắt được đặc điểm của tập khách hàng, các dòng xe hơi điện cao cấp bán ở Việt Nam thường đi kèm các giải pháp sạc, từ di động gọn nhẹ tới công suất cao… để người dùng lựa chọn.
Mẫu xe điện Porsche Taycan
Cuối tháng 4, Hyundai giới thiệu mẫu Ioniq 5 nhưng chưa bán ra. Giá dự kiến của Ioniq 5 cũng tiệm cận xe sang, hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó, chiếc Kia EV6 từng được Trường Hải hé lộ tung ra thị trường cũng chưa có lịch chào sân. Như vậy, hiện nay nhiều hãng xe có sản phẩm điện hoá, nhưng chỉ VinFast hiện diện trong phân khúc phổ thông với VF e34 và VF 8 được bàn giao tới khách hàng.
Theo chuyên gia Hoàng Linh, các hãng xe điện phổ thông chưa mặn mà với thị trường Việt Nam vì nhiều lý do, trước hết bởi nhu cầu xe điện thực tế chưa cao, dù không thể phủ nhận việc người dùng Việt Nam rất quan tâm đến xe điện.
“Tương tự như với xe xăng, dầu hay bất kỳ sản phẩm thương mại khác, chỉ khi nhà sản xuất nhìn thấy “miếng bánh ngon”, họ mới thực sự vào cuộc. Tôi được biết hiện có nhiều nhà sản xuất ô tô lớn có lộ trình đưa xe điện về Việt Nam một cách nghiêm túc. Hy vọng các hãng này sẽ triển khai thành công để người dùng trong nước có thêm lựa chọn di chuyển xanh”, chuyên gia về phương tiện điện hoá Hoàng Linh cho biết.
Hệ thống trạm sạc quyết định thắng thua?
Những hãng bán xe điện ở Việt Nam đang kèm theo giải pháp lắp trạm sạc tại gia hoặc bộ sạc di động theo xe. Cũng chưa có thương hiệu xe công bố lộ trình xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện. Trong khi đó, duy nhất VinFast tích cực triển khai và tuyên bố hoàn thành 150.000 cổng sạc đến cuối năm nay, phủ 63/63 tỉnh thành, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, hãng còn có bộ sạc theo xe để khách tự sạc tại nhà.
Hệ thống trạm sạc có ý nghĩa quan trọng với các hãng xe điện
Dù còn vấp phải một số rào cản, không thể phủ nhận rằng hệ thống này cũng ngày càng mở rộng về công suất và tính năng, nhờ thế có thể phục vụ đa dạng các dòng xe VinFast định hướng giới thiệu ra thị trường thời gian tới.
“Tuy nhiên, có lẽ bên cạnh các trạm sạc nằm tập trung ở hầm gửi xe hay bãi đỗ, VinFast nên cân nhắc việc triển khai lắp trạm sạc ở các trung tâm thương mại, điểm du lịch, kết hợp đưa ra các gói lắp trạm sạc lẻ cho người dùng gia đình. Điều này sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thực tế của các chủ xe điện”, ông Hoàng Linh phân tích.
Lô xe VF 8 được bàn giao tại Việt Nam
Trước đó, ngày 10/9, VinFast bàn giao 100 ô tô điện VF 8 đầu tiên cho những người đặt cọc sớm nhất. Bà Lê Thị Thu Thuỷ – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu khẳng định hãng sẽ đáp ứng toàn bộ đơn đặt hàng VF 8 ở Việt Nam trong khoảng 6 tháng tới.
Chuyên gia Hoàng Linh cho rằng hạ tầng sạc của VinFast cơ bản đủ cho lượng xe bán ra của hãng. Vấn đề cần tập giải quyết trước mắt là sự tiện dụng của các địa điểm đặt trạm và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sạc.
“Với hạ tầng sạc tốt, VinFast đương nhiên có vị thế chi phối trên thị trường trạm sạc tại Việt Nam và có ảnh hưởng nhất định tới lộ trình giới thiệu xe điện của các thương hiệu khác. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện nay các đại gia thực sự vẫn chưa tham gia sân chơi mới mẻ này. Khi những công ty lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, quyết định góp mặt, mặt bằng chung sẽ thay đổi rất nhiều”, ông Hoàng Linh dự đoán.
Định hình bản đồ thị trường ô tô điện Việt
Là quốc gia đang theo đuổi mạnh mẽ các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu và quyết liệt triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng cho ô tô điện. Việt Nam có lợi thế triển khai giao thông xanh, bởi nhiều hãng ô tô lớn rất quan tâm tới thị trường trong nước, trong khi Đông Nam Á đang trên đà trở thành một “thủ phủ xe điện” của châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung.
Vấn đề chỉ là thời gian và thời điểm, bởi phổ cập xe điện không phải chuyện đơn giản, tạo ra sức ép lớn với ngành năng lượng và các lĩnh vực sản xuất khác, cũng như hạ tầng giao thông và kinh tế vĩ mô. Do đó cần có lộ trình từng bước phù hợp.
Nhận định về khả năng đánh chiếm thị trường xe điện của VinFast với lợi thế đi trước về hệ thống trạm sạc, chuyên gia về phương tiện điện khí Nguyễn Thúc Hoàng Linh cho biết: “Nếu nhìn ở góc độ tổng quan, VinFast có thể trở thành một thương hiệu ô tô điện tốt. Còn về năng lực sản xuất hay công nghệ đương nhiên chưa thể sánh với các nhà sản xuất ô tô lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực”.
Theo ông Linh, hiện nay tốc độ cung cấp xe của VinFast rất khó đoán định. Đơn cử như VF e34 với 25.000 đơn hàng từ đầu năm ngoái nhưng tới nay vẫn chỉ đạt hơn 2.000 xe tới tay người dùng. Gần đây nhà máy Cát Hải (Hải Phòng) của hãng tăng tốc khi chuyển sang lắp VF 8. Bên cạnh những khó khăn mang tính chủ quan, nhiều yếu tố khách quan như chuỗi cung ứng gián đoạn hay chi phí vận tải gia tăng, lạm phát… cũng đè nặng lên mong muốn về sản lượng của VinFast.
“Dĩ nhiên, điều này không đồng nghĩa VinFast sẽ “lép vế” trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường. Thực tế thị trường ô tô điện hiện nay cho thấy, mọi tay chơi, dù là các doanh nghiệp khởi nghiệp “lính mới” đều có cơ hội nếu nắm bắt tốt các thời điểm để bứt tốc”, ông Linh kết luận.
Nguồn : Source link