Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây ùn ứ vào chiều 28-7 – Ảnh: A LỘC
Tuy nhiên, ngày càng nhiều chủ xe phát hiện biển số xe của mình bị người khác làm giả hồ sơ đăng ký tài khoản, khiến chủ xe xài không được, muốn hủy cũng trần ai khi phải vượt quãng đường hàng chục thậm chí hàng trăm kilômet để hủy dịch vụ mà mình không đăng ký. Nhiều chủ ôtô cho rằng lỗi trên không phải do mình nhưng cũng lo ngại nếu không xử lý kịp trước 1-8 thì có thể bị cơ quan chức năng phạt tới 3 triệu đồng khi lưu thông trên đường cao tốc.
Nhà cung cấp phải có trách nhiệm khắc phục sai sót
Theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM), việc đăng ký dán thẻ ePass, Etag phải tuân thủ trình tự theo quy định, phải cung cấp các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của nhà cung cấp.
Việc chủ xe chưa đăng ký dán thẻ mà trên hệ thống đã thể hiện được dán thẻ thì đó là lỗi của đơn vị cung cấp dịch vụ, bất kể xảy ra do nguyên nhân gì. Do đó, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm khắc phục những sai sót (hủy thẻ và dán thẻ lại) chứ không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm này cho khách hàng.
Mọi hậu quả xảy ra (nếu có) do lỗi từ đơn vị quản lý và vận hành hệ thống dán thẻ ePass, Etag thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Trường hợp đơn vị này đổ hoàn toàn trách nhiệm cho khách hàng thì khách hàng có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị can thiệp, giải quyết. Trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), việc triển khai hình thức thu phí điện tử không dừng này còn khá mới mẻ đối với người dân. Và cho đến nay cũng chỉ có hai nhà cung cấp dịch vụ là thẻ Etag của VETC và thẻ ePass của VDTC. Có thể thấy thủ tục hiện tại để mở tài khoản của hai nhà cung cấp dịch vụ đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn xuất hiện trường hợp đã có tài khoản ảo mặc dù chính chủ chưa tiến hành đăng ký. Trong trường hợp này không loại trừ khả năng nhân viên của các công ty này chạy chỉ tiêu, lập tài khoản ảo để đạt doanh số. Theo đó, khi chủ xe thực sự chưa tiến hành mở tài khoản và có khiếu nại lên đơn vị đã cấp thẻ đối với biển số xe của mình thì phía công ty dịch vụ phải tiến hành kiểm tra khiếu nại, kiểm tra lại hồ sơ đăng ký để kịp thời giải quyết cho người dân.
Ngoài ra, đối với các trường hợp chưa kịp đăng ký dán thẻ hoặc bị dán thẻ sai thì người dân có thể lựa chọn đi vào làn hỗn hợp để trả phí theo cách truyền thống. Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ phải tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cấp thẻ đúng, kịp thời cho các chủ xe chính chủ và phía người dân cũng chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ để sớm mở tài khoản hoặc điều chỉnh tài khoản cho chính xác nhằm giúp đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong việc áp dụng hình thức thu phí tự động như giảm ô nhiễm, giảm ùn tắc, tăng tuổi thọ xe…
Làm giả hồ sơ đăng ký: có dấu hiệu hình sự
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng các trạm thu phí chỉ có trách nhiệm cho xe qua khi có thẻ, còn thẻ là do đơn vị khác cấp. Do đó, khi phát hiện xe của mình bị người khác làm giả hồ sơ đăng ký, chủ xe cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
Các trạm thu phí cần lập hồ sơ, thống kê có bao nhiêu xe gặp tình trạng như vậy và báo cáo với cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng như công an, Bộ Giao thông vận tải… để xử lý.
Nếu nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ chạy chỉ tiêu nên đã làm giả hồ sơ đăng ký tài khoản dịch vụ thu phí không dừng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Chủ phương tiện có quyền làm đơn tố cáo ra công an về việc xe của mình bị người khác làm giả hồ sơ đăng ký để trục lợi.
Về phía đơn vị quản lý, luật sư Tuấn cho rằng trước mắt, để giải quyết quyền lợi của người dân, các trạm thu phí cần giải quyết cho họ đóng tiền mặt và cho xe qua trạm các trường hợp này.
Đồng quan điểm, luật sư Nhân cũng cho rằng việc làm giả giấy tờ, tài liệu để dán thẻ ePass khi chưa có sự đồng ý của chủ phương tiện thì tùy mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Vậy trường hợp bị cướp biển số đăng ký ePass, Etag, sau 1-8 khi vào làn thu phí không dừng vẫn bị phạt? Trường hợp này, theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định nêu rõ việc điều khiển xe chưa dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng bị phạt tới 3 triệu đồng và tài xế còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp phát hiện sai sót hoặc có người sử dụng thông tin xe của mình để đăng ký thì cần cho xe di chuyển vào làn xe hỗn hợp và phản ánh sự việc đến các cơ quan chức năng để xử lý. Còn nếu chủ phương tiện vẫn đi vào làn thu phí không dừng thì có thể sẽ bị phạt, bởi lẽ tài xế biết vi phạm nhưng chưa tuân thủ pháp luật từ đầu.
Xe dán thẻ xài ETC còn ít, cao tốc lại ùn ứ
Sau 3 ngày triển khai thu phí không dừng (ETC), tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra tại nhiều điểm trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Lúc 16h30 chiều 28-7, hàng ngàn xe chen nhau đoạn trước trạm thu phí quốc lộ 51 hướng từ cao tốc xuống quốc lộ 51.
Từ trên cầu vượt Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) nhìn xuống, đoàn xe xếp thành 3-4 hàng dài chạy song song nối đuôi nhau di chuyển khá chậm qua trạm thu phí. Trong khi đó, tình trạng ùn ứ kéo dài cũng xảy ra ở khu vực trạm thu phí Long Phước. Hàng xe dài khoảng 6km từ hướng Đồng Nai đến trạm này. Ngoài ra, trước nút giao 319, lượng xe từ cao tốc rẽ vào đường 319 nối dài để đi Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng rất đông, xe ùn ứ nhiều cây số khiến lái xe bức xúc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nhi, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết qua thống kê những ngày đầu vận hành ETC trên cao tốc, lượng xe đã dán thẻ và có tiền trong tài khoản thẻ chưa cao. Cụ thể, tại trạm Long Phước, xe dán thẻ và có đủ tiền trong thẻ chỉ đạt 33%, tương tự tại trạm quốc lộ 51 chỉ 42%, trạm Dầu Giây chỉ 59%. VEC cũng đã có cuộc khảo sát với lái xe, những xe có thẻ không có tiền. Nhiều người nói rằng chưa đến 1-8, chưa đến thời hạn nên chưa nộp. Đối với các xe chưa dán thẻ, VEC và đơn vị dịch vụ ETC bố trí tất cả các điểm dán trên nhánh vào cao tốc, điểm trước trạm thu phí, điểm dừng nghỉ. Mỗi xe vào dán chỉ mất từ 1 đến 2 phút, thao tác rất nhanh.
Theo ông Nhi, từ 1-8, cao tốc sẽ áp dụng 100% làn ETC, chỉ duy trì một làn giải quyết sự cố. Đối với các xe cố tình vào đường cao tốc mà không dán thẻ gây cản trở giao thông sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt, mức phạt cao nhất là 3 triệu đồng. (ĐỨC PHÚ – A LỘC)
Nguồn : Source link