Cán cân ngày càng lệch?


Trong những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu chuyển hướng ưa chuộng những mẫu xe gầm cao, điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các mẫu sedan, đặc biệt ở phân khúc D có giá khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn chọn mua và đánh giá cao phân khúc này nhờ thiết kế đẹp, khoang cabin rộng rãi, động cơ mạnh mẽ và nhiều trang bị cao cấp.

Dù ở những phân khúc rẻ hơn đang có những sự cạnh tranh khá mạnh mẽ từ nhiều đối thủ khác nhau thì sedan hạng D chỉ có 4 đại diện: Toyota Camry , Honda Accord, Mazda6 và Kia Optima. Trước đây, đã có không ít mẫu xe phải từ bỏ thị trường ôtô Việt Nam vì không cạnh tranh nổi như Hyundai Sonata hay Nissan Teana.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng số lượng xe bán ra của phân khúc D không đồng đều trong những năm gần đây. Điển hình là việc sụt giảm mạnh doanh số trong năm 2017 dù trước đó đạt đỉnh với 8.148 chiếc vào năm 2016.

Biểu đồ doanh số sedan phân khúc D từ năm 2016 đến 2020. Nguồn: VAMA

 Năm 2018 và 2019 đã có những bước tiến về doanh số của cả phân khúc nhưng vẫn chưa đạt được “con số đỉnh” từ 2016, trong khi dịch COVID-9 năm 2020 đang có ảnh hưởng lớn đến số lượng ôtô bán ra của toàn thị trường Việt Nam.

Một xu hướng có thể thấy rõ chính là doanh số ở phân khúc D đang tập trung về Toyota Camry trong thời gian gần đây trong khi Mazda 6 đang bị ép, không còn sức hút như trước.

Doanh số năm 2019 của Toyota Camry đạt đỉnh với 5.428 chiếc, chiếm khoảng 66,7% tổng số lượng xe bán ra ở phân khúc D, Mazda 6 chỉ còn chiếm 20,6%. Trong khi đó, vào năm 2016, hai mẫu xe này chưa cách quá xa, với Toyota Camry đạt 57,3% và Mazda 6 vẫn sở hữu đến 39,7% thị phần trong phân khúc.

Mặt khác, Kia Optima mới xuất hiện từ năm 2018 với mức giá rẻ đã đạt được một số lượng khách hàng nhất định và đang tăng dần qua từng năm nhưng không quá lớn; do đó, hiện mẫu xe này chưa đủ sức tạo nên đột phá trong thời gian gần.

Honda Accord vẫn ngụp lặn với doanh số chỉ vài trăm chiếc mỗi năm, không đủ sức đe dọa đến những đối thủ còn lại. Điều này đến từ chính chiến lược kinh doanh của Honda khi hãng xe này đang tập trung vào hai sản phẩm chủ lực CR-V và City.

Toyota Camry ngày càng gia tăng khoảng cách về doanh số với các đối thủ.

 Trong khi đó, mẫu sedan của Toyota được khách hàng chọn mua nhiều nhất chủ yếu nhờ tính thực dụng vốn có từ trước cùng một số điều chỉnh và nâng cấp thời gian gần đây.

Đầu tiên, mức giá của Toyota Camry đã được giảm nhẹ khi ra mắt thế hệ mới tại Việt Nam vào năm 2019, hiện chỉ còn ở mức 1,029 đến 1,235 tỷ đồng, đắt hơn so với Mazda 6 và Kia Optima nhưng vẫn thấp hơn Honda Accord với giá 1,319 tỷ đồng.

Đồng thời, đại diện đến từ Toyota cũng là mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan tương tự với Honda Accord, và khác với hai sản phẩm của Mazda và Kia được lắp ráp bởi Thaco. Đây là một ưu thế giúp Camry thu hút người tiêu dùng.

Tính thanh khoản cũng là một vấn đề cần được nhắc đến. Toyota Camry khá giữ giá khi bán lại, chủ yếu là do xe không được trang bị quá nhiều tính năng để có thể xuống cấp hoặc hư hỏng. Nhờ đó, những chiếc Camry với 10 năm tuổi đời hiện vẫn có giá khoảng 500 triệu tùy phiên bản trên thị trường ô tô cũ.

Thế hệ mới của Toyota Camry được giới thiệu vào đầu năm 2019 cũng mang thiết kế mới, trẻ trung hơn ở cả nội thất và ngoại thất, thu hút cả đối tượng khách hàng trẻ tuổi và những người mới mua ôtô lần đầu. Cùng với đó, mẫu xe này cũng được cập nhật loạt tính năng hiện đại hơn, đặc biệt là các trang bị an toàn.

Với những lợi thế nhất định cùng với việc các đối thủ chưa thể tạo ra những sự cạnh tranh lớn, đại diện của Toyota sẽ vẫn là sedan nổi bật nhất phân khúc D trong thời gian tới và sẽ không dễ để Mazda 6, Kia Optima hay Honda Accord có thể lật đổ ngôi vị này.



Nguồn : Source link