Bộ, ngành phản hồi đề xuất hỗ trợ ô tô điện Việt Nam


VCCI đề xuất sửa luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để có ô tô điện Việt Nam

Đây là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật về đề xuất của VinFast (hãng ô tô của tập đoàn Vingroup) liên quan đến chính sách ưu đãi thuế cho ô tô điện mà hãng này sắp sản xuất.

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 4/6/2021, bộ Tài chính đã có văn bản gửi VCCI để lấy ý kiến về đề xuất này. Đề xuất của VinFast có hai nội dung: miễn lệ phí trước bạ và miễn thuế TTĐB trong thời gian 5 năm đối với ô tô điện VinFast.

“Quan điểm của VCCI là ủng hộ cao. VCCI mong muốn sửa đổi sớm để doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách nhanh”, ô Tuấn nói và cho hay, ngày 9/6/2021, VCCI đã có văn bản phúc đáp bộ Tài chính về vấn đề này.

Văn bản do Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ký, nêu rõ: “VCCI thống nhất và ủng hộ cao chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với các dòng xe ô tô điện chạy pin. Đây là chính sách rất cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này của Việt Nam”.

Vị Trưởng ban Pháp chế của VCCI nêu quan điểm: Miễn lệ phí trước bạ thì nằm trong thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ có thể ưu tiên đưa dự thảo sửa đổi Nghị định về lệ phí trước bạ vào chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, VCCI

Đối với việc miễn thuế TTĐB thì phức tạp hơn bởi vì phải sửa luật Thuế TTĐB, theo lộ trình thì phải qua hai kỳ họp Quốc hội, mất từ 1,5 đến 2 năm. Thời gian lâu như vậy e rằng chính sách có độ trễ, làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Trong văn bản phúc đáp nói trên, VCCI đã đề nghị bộ Tài chính trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm miễn thuế TTĐB với ô tô điện chạy bằng pin trong thời hạn nhất định thay vì chờ chỉnh sửa tổng thể luật Thuế TTĐB. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 15.2 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền và nội dung ban hành”, ông Tuấn nói.

Bộ Công Thương: Đã có giải pháp phát triển ô tô điện Việt Nam

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đại diện cục Công nghiệp, bộ Công Thương cho biết, sau khi bộ Tài chính có công văn 5941 về việc chính sách ưu đãi thuế đối với xe ô tô điện chạy pin, phía bộ Công Thương đã có văn bản trả cụ thể.

Theo đó, việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét.

Lý do được bộ Công Thương đưa ra là việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường.

Việc này là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025.

Nói thêm với phóng viên, vị đại diện này cho hay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam, các cơ quan chuyên môn của bộ Công Thương đã xây dựng những giải pháp, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam trong thời gian tới.

“ Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện. Tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên thu hút các dự án từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện và linh kiện cho ô tô điện – đặc biệt là nghiên cứu sản xuất pin, hệ thống ECU điều khiển cho xe điện tại Việt Nam”, vị này cho hay.

Cùng với đó, Bộ này sẽ có chính sách hỗ trợ trực tiếp để giảm chi phí đầu tư – đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ – cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn. Ngoài ra, là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ xe điện tại Việt Nam.

Xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện; công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện. Đặc biệt, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện; Đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển và sản xuất xe điện…



Nguồn : Source link