‘Bán ít, giá chưa hợp lý, truyền thông chưa mạnh’


Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng về chủ đề: Lối đi nào cho Skoda tại Việt Nam?

Cách đây tròn một năm, ngày 23/9/2023, thương hiệu Skoda chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Với tiềm lực từ tập đoàn Thành Công và hệ thống showroom trên cả nước, dưới góc nhìn của một chuyên gia theo dõi ngành xe hơn 20 năm, anh đánh giá như thế nào về thương hiệu này? 

Đến thời điểm này, tôi khẳng định Skoda chưa thành công và đây là sự thật. Chúng ta có thể thấy, số lượng và tần suất bắt gặp những chiếc xe Skoda trên đường thể hiện được sự thành công hay thất bại của Skoda đến thời điểm này.

Chúng ta gần như không thấy hoặc cực ít khi nhìn thấy một chiếc xe Skoda lăn bánh trên đường. Thậm chí, sự xuất hiện của thương hiệu này trên các phương tiện truyền thông cũng rất ít. 

Không làm marketing, không làm truyền thông, sản phẩm và thương hiệu còn lạ lẫm, Skoda chắc chắn không thể bán được xe.

Vậy theo anh, lối đi nào cho Skoda bây giờ để có thể có thêm một “cú hích” tại thị trường Việt Nam?

Lối đi cho Skoda bây giờ không chỉ là một phương án, đó phải là tổng hòa của nhiều phương án. 

Thứ nhất, giá bán của xe Skoda phải hợp lý hơn bây giờ. Skoda dù được đánh giá cao ở các thị trường khác, nhưng đây là thương hiệu mới khi vào một thị trường mới phải chấp nhận những cái giá phải trả khác.

Thứ hai, hãng cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng ở Việt Nam. Người Việt cần thấy và tin tưởng hơn một chiếc xe thường xuyên xuất hiện trên đường, trên truyền thông và trên các quảng cáo.

Thứ ba, việc mua một chiếc xe là khởi đầu một quá trình với những chính sách hậu mãi về sau. Skoda nằm trong hệ sinh thái tập đoàn Thành Công, là một tập đoàn đa ngành lớn bậc nhất tại Việt Nam. Một trong những thành công của tập đoàn Thành Công là lắp ráp và phân phối các sản phẩm xe Hyundai.

Thương hiệu xe Hyundai xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, điểm gây ấn tượng đối với người tiêu dùng là mua xe Hàn Quốc giá rẻ, phụ tùng sẵn có. 

Hiện nay, tôi nhận thấy Skoda chưa có bất kỳ dấu ấn gì trong cả ba phương án trên.

Gần đây, Skoda truyền thông rằng: Phụ tùng của hãng đến từ châu Âu nhưng giá cả phải chăng tương đương với xe Nhật, Hàn. Anh đánh giá điều này như thế nào?

“Đó là họ nói, nhưng hình như đang chỉ nói với nhau”.

Tôi cho rằng một trong những cách để thúc đẩy việc bán hàng là người dân nhìn thấy hình ảnh của xe trên đường. Nhưng nếu không thấy xe chạy trên đường, tôi “bất biết” sản phẩm đó có tốt hay không. Điều này đồng nghĩa sản phẩm đấy vẫn còn nhiều nghi ngờ.

Tại Việt Nam, xe hơi vẫn là một tài sản. Khi tài sản hình thành, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến hai khái niệm gồm tính thanh khoản và giá trị bán lại. Khi ít xe xuất hiện trên đường, tính thanh khoản của xe kém. Khi tính thanh khoản càng kém, giá trị bán lại của xe càng thấp. Điều này khiến cho người tiêu dùng đang e dè với thương hiệu này.

Tất cả những lý do ở trên đang cộng dồn với nhau, khiến cho Skoda chưa thể bùng nổ tại Việt Nam.

Vậy theo anh, chiến lược tiếp cận thị trường hai sản phẩm đầu tiên là Karoq và Kodiaq đúng hay sai?

Theo tôi, Skoda không hoàn toàn sai khi tiếp cận thị trường Việt Nam với hai mẫu SUV là Karoq và Kodiaq.

Tôi vừa có chuyến du lịch châu Âu dài ngày, đi qua nhiều nước như Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ. Tôi khá bất ngờ khi gặp rất nhiều xe Skoda tại đây, một số bạn bè cũng đánh giá tốt về các dòng xe của hãng. 

Điều đáng chú ý là những mẫu xe này cũng đang được bán tại Việt Nam, trong khi các dòng xe sedan và wagon ít gặp hơn. Vì thế, tôi cho rằng Skoda tiếp cận thị trường bằng hai mẫu xe này là hợp lý.

Vấn đề nằm ở chỗ, người Việt Nam mua xe bằng mắt nhiều hơn. Nhưng theo đánh giá của tôi, xe Skoda không hợp mắt với đại bộ phận người dân Việt Nam. Tôi lấy ví dụ về Subaru. Rất nhiều người đánh giá cao khả năng vận hành của Subaru, nhưng hỏi 10 người thì 9 người chê xe Subaru xấu. Tôi nhận thấy hai hãng xe này có sự tương đồng về thiết kế và nhận diện. Hãng xe Nhật mất hơn 10 năm để có có chỗ đứng nhất định tại Việt Nam, vì thế Skoda mới chỉ 1 năm nên còn rất nhiều việc để làm.

Trong thời gian tới, Skoda Việt Nam sắp bổ sung thêm các sản phẩm mới. Ngoài ra, hãng đang có ý định xây dựng nhà máy lắp ráp tại Quảng Ninh. Anh đánh giá thế nào về những việc này?

Hiện nay, Skoda đang định vị Kodiaq thuộc phân khúc SUV cỡ D và Karoq thuộc phân khúc SUV cỡ C. Tuy nhiên, kích thước của hai mẫu xe này nhỏ hơn so với các mẫu xe khác cùng phân khúc.

Trong khi đó, phân khúc đang rất sôi động tại Việt Nam là SUV cỡ B nhưng Skoda chưa có sản phẩm nào. Tuy nhiên, theo tôi tìm hiểu, kích thước của mẫu xe mà Skoda định vị ở phân khúc này cũng có kích thước nhỏ hơn so với các đối thủ.

Tôi cho rằng, nếu định vị các sản phẩm của mình xuống một phân khúc thì có lẽ Skoda đã thành công. Nhưng hãng chọn cách đẩy mẫu xe đó lên phân khúc cao hơn nên gặp khó.

Tiếp theo, nếu Skoda xây dựng được nhà máy lắp ráp trong thời gian tới sẽ mang đến một lợi thế không nhỏ. Đây là lời cam kết của Skoda về việc gắn bó với thị trường Việt Nam lâu dài bởi đã đầu tư khoản tiền lên đến hàng trăm triệu USD. Đây là cơ sở để người tiêu dùng có thể đặt niềm tin vào Skoda, khi nguồn phụ tùng dồi dào hơn, hệ thống đại lý phân phối và quy trình sẽ chuẩn chỉ hơn.

Lúc đó, tôi tin rằng Skoda sẽ khởi sắc.

Cảm ơn anh Thắng về những chia sẻ này.

Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.

Thùy Trag



Nguồn : Source link