Bán đã không dễ, thủ tục còn rườm rà gây khó cho khách nợ
LTS: Gần đây, câu chuyện xử lý nợ xấu liên quan đến tài sản đảm bảo là xe ô tô thu hút sự chú ý của dư luận: Xe được rao bán giá rẻ và hạ giá liên tục nhưng ngân hàng vẫn khó bán. Là người trong cuộc, tác giả của bài viết dưới đây đã chia sẻ những góc khuất đằng sau việc xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là xe ô tô, để quý độc giả cùng theo dõi.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2019 đến nay, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 hiện tại gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế nói chung. Dễ thấy, các cá nhân, doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn vay từ các ngân hàng để mở rộng kinh doanh, mua sắm tài sản để phục vụ kinh doanh như vay mua xe ô tô chạy dịch vụ, doanh nghiệp phục vụ các tuyến cố định, cá nhân hợp tác với các ứng dụng công nghệ và mua nhà rồi cho thuê lại,…lại càng khó khăn hơn.
Khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát và giãn cách kéo dài thì tình trạng thanh lý tài sản xuất hiện khá nhiều do các chủ tài sản không còn khả năng trả nợ đành phải bán tài sản để trả cho ngân hàng, cũng có những trường hợp thực tế “bỏ của chạy lấy người” – mặc kệ ngân hàng tiến hành xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Tâm lý của không ít khách nợ khi mất khả năng thanh toán thường là bỏ mặc khoản nợ cho ngân hàng xử lý. Cũng có những khách hàng không thiện chí hợp tác, có những hành động với thái độ thái quá, gây nguy hiểm đối với nhân viên của ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản. Có thể kể đến như: dùng những lời văng tục, huy động nhiều người thân cản trở trong việc thu giữ tài sản, không tự nguyện bàn giao tài sản, không cung cấp bất cứ thông tin gì liên quan đến tài sản, ẩn giấu tài sản lúc nơi này, lúc nơi khác, thậm chí bán cho bên thứ 3 mà không thông báo cho ngân hàng,…
Nhưng phía ngân hàng cũng tồn tại nhiều vấn đề rất bất cập trong việc xử lý nợ xấu. Có trường hợp sau khi thu giữ tài sản hoặc khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản một chiếc xe ô tô cho ngân hàng tiến hành các thủ tục bán đấu giá thì lại xảy ra những bất cập như thủ tục nội bộ rờm rà, nhiêu khê, thời gian giải quyết rất lâu gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu hồi nợ. Ấy là chưa kể còn bị khách hàng khiếu nại, phàn nàn, phải giảm giá nhiều đợt,…về tiến độ giải quyết quá chậm trong khi đó tiền lãi vẫn tăng hàng ngày gây khó khăn chồng khó khăn cho khách nợ.
Với tài sản thế chấp là xe ô tô thì tính khấu hao, mất giá rất nhanh trong khi đó tiền lãi vẫn bị tính bình thường, nếu trễ hạn cũng phải chịu lãi phạt. Thời gian thực tế kể từ khi nhận bàn giao tài sản từ khách nợ cho đến bán đấu giá thành công mất khoảng hơn 3 tháng nếu mọi việc thuận lợi. Do đó, phần lớn khách hàng vẫn còn bị nợ ngân hàng sau khi bán tài sản thế chấp xong bởi những nguyên nhân như: kể từ ngày nhận bàn giao tài sản đến khi bán tài sản thành công, bàn giao cho bên mua trúng đấu giá và đợi tiền bên trung tâm bán đấu giá chuyển về để Ngân hàng thu nợ thì thời gian chờ này rất lâu nhưng nợ của khách hàng vẫn được tiếp tục tính kể cả lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn, thậm chí khi thu nợ trước hạn khách vẫn phải chịu phí trả nợ này.
Do thủ tục còn rườm rà nên thường xe thanh lý của ngân hàng sẽ bị rẻ hơn thị trường từ 20-30%. Theo tình hình thực tế hiện nay, giá khởi điểm bán đấu giá thường rất cao so với thị trường và tình trạng xe, phải qua nhiều lần giảm giá mới có khách hàng tham gia đấu giá. Cộng hưởng những bất cập xảy ra trong quá trình bán đấu giá tài sản và thủ tục nhiêu khê của bộ phận xử lý tài sản dẫn đến nợ xấu chưa được giải quyết nhanh chóng, gây thiệt hại cho khách nợ lẫn ngân hàng.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, tỷ lệ nợ xấu chắc chắn còn tăng cao trong thời gian tới, tài sản thanh lý là xe ô tô, bất động sản và các tài sản thế chấp khác của các ngân hàng cũng nhiều hơn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của mọi người dân nói chung, khách nợ nói riêng hết. Vì vậy, tác giả cho rằng các ngân hàng cần có cách thức xử lý nợ xấu một cách dứt khoát hơn và nhanh chóng hơn, khách hàng bị nợ xấu cũng cần hợp tác hơn để giảm thiểu tác hại cho cả hai bên.
Nguồn : Source link