AP15 xuyên Việt mang an toàn tới trẻ em miền núi Quảng Bình, qua cánh đồng điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam


Chia tay miền núi và trở về đồng bằng ở chặng miền Bắc, AP15 xuyên Việt trở lại địa hình đồi núi ở chặng miền Trung với điểm đến Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với nhiều hang động kỳ bí và độc đáo nhất Việt Nam. Tiêu biểu nhất là hang tự nhiên Sơn Đoòng lớn nhất thế giới cùng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Trong hành trình lần này, AP15 xuyên Việt đã tới thăm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tuy nhiên, điểm đến không phải điểm tham quan mà khách du lịch vẫn biết tới mà là một bản nhỏ nằm lọt thỏm giữa núi rừng hùng vĩ của nơi đây.

Mang an toàn tới học sinh bản Rào Con

Từ điểm thuyền du lịch vào chưa tới 20 km đường bộ nhưng bản Rào Con gần như biệt lập với bên ngoài. Đường vào bản mất cả chục năm xây sửa nhưng vẫn xen kẽ giữa đường đất và đường bê tông. Nhiều đoạn còn ngổn ngang những tấm bê tông dang dở, trong khi có những đoạn lầy lội bùn ngập tới hơn thành lốp. Đó là lý do mà chúng tôi tiếp tục chọn đồng hành với bộ đôi SUV Volvo XC90 và XC60 ở chặng miền Trung, thay vì đổi sang chiếc S90 như kế hoạch ban đầu.

Đường vào tới bản Rào Con xấu nhưng có lẽ chưa phải thử thách làm khó được 2 chiếc SUV của Volvo. Với góc tới và góc thoát lớn, mô-men xoắn lên tới 640 Nm và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian, chỉ cần nhích nhẹ và đều chân ga là xe có thể dễ dàng bò qua đoạn lầy ngập quá thành lốp. Đường lên dốc, xuống dốc nhiều và gấp. Chuyển sang chế độ B trên chiếc XC60 T8 và chế độ M2 (cấp số 2) trên XC90 B6, chạy off-road mà nhàn như đi đường trường.

Ở đây, sóng điện thoại nhiều lúc còn không có. Đường đèo không một bóng người qua lại. Trên đường đi vào bản, chúng tôi còn nghĩ tới trường hợp xấu nhất rằng nếu xe gặp sự cố thì không biết phải xử lý sao. Trên đường vào bản, một mặt chúng tôi không khỏi “wow” trước khung cảnh núi rừng hùng vĩ của thiên nhiên ở Phong Nha – Kẻ Bàng, mặt khác cảm thấy lo lắng và cũng luôn cầu mong rằng xe không gặp sự cố nào như sa lầy hay thủng lốp.

Thật may mắn là chúng tôi được những người tình nguyện tốt bụng hỗ trợ dẫn đường tới tận trong bản. Hữu Linh là một tình nguyện viên sinh sống ở Phong Nha, còn chú Trí là một Việt kiều Mỹ, một giáo viên về hưu có một cộng đồng làm công việc thiện nguyện ở Việt Nam.

Hai người trên một chiếc xe máy đã đưa chúng tôi vào tới tận bản, chỉ từng góc cua, từng đoạn đường xấu để chúng tôi chủ động xử lý tay lái. Họ cũng liên hệ với từng hộ dân để chúng tôi trao quà là những tấm phản quang của Volvo.

Nằm sát một điểm du lịch lớn nhưng bản Rào Con rất nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây như tách biệt khỏi văn minh ngoài thị trấn. Nhà vẫn là nhà sàn nhỏ, được lợp thêm mái tôn. Trước khi có những cột đèn năng lượng mặt trời, buổi tối gần như chẳng có ánh sáng ngoài đường.

Muốn trẻ em ở đây tiếp cận con chữ, các thầy cô phải vận động rất vất vả, nhiều khi phải cho cái kẹo, gói bánh, thì các em mới chịu đến trường. Trường tiểu học Rào Con nhìn khang trang là vậy nhưng chỉ có 32 học sinh.

Chúng tôi có mặt ở trường tiểu học Rào Con vào đúng dịp nghỉ lễ Quốc Khánh nên trường đóng cửa, các thầy cô cũng chưa lên được tới bản. Cũng nhờ có chú Trí và Hữu Linh hỗ trợ nên đã gặp gỡ được các em học sinh ở đây để trao quà.

Nhắc lại về tấm phản quang thì đây là sáng kiến của vùng đất Scandinavia, Thuỵ Điển – quê hương của Volvo. Tấm phản quang này không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho người đi bộ, đi xe đạp hay xe đạp điện mà còn tăng cường nhận thức và thói quen sử dụng biểu trưng phản quan cá nhân cho người dân nơi đây. Tấm phản quang được đeo trên người hoặc những vị trí dễ nhận biết để giúp người đi bộ có thể được phát hiện từ cự ly hơn 5 lần so với khi không đeo.

Không chỉ trao tấm phản quang cho học sinh, đoàn cũng gửi gắm hàng trăm chiếc để cả người thân của các em sử dụng khi đi đường.

Qua cánh đồng điện gió trên bờ quy mô lớn nhất cả nước

Rời Phong Nha, điểm đến tiếp theo của AP15 xuyên Việt ở Quảng Bình là cánh đồng điện gió. Quảng Bình có đặc thù là nắng và gió. Những nguồn năng lượng thiên nhiên này được tận dụng và chuyển hoá thành điện năng gồm điện năng lượng mặt trời và điện gió.

Cánh đồng điện gió ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình là khu vực điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam với 60 tua-bin gió với trụ cao 136 m, tính từ chân đến đỉnh là 147 m. Ba cánh có sải dài 74 m. Nơi đây còn trở thành điểm du lịch với các góc “sống ảo” với những đồi cát trải dài, có cả khu vực cắm trại và chèo SUP cho người trẻ.

Ngoài thuỷ điện thì điện gió cũng là nguồn cung cấp năng lượng điện bền vững. Điện không chỉ sử dụng cho sinh hoạt gia đình và vận hành các hệ thống nhà máy mà sẽ còn được ứng dụng nhiều trên xe hơi. Các phương tiện hiện nay đang tiến tới xu hướng điện hoá.

Volvo cũng không phải ngoại lệ với các sản phẩm xe điện hoá. Hướng tới phát triển bền vững, những mẫu xe của Volvo trước mắt là hybrid rồi sau đó mới chuyển dịch dần điện hoàn toàn. Những chiếc Volvo mà chúng tôi sử dụng là xe hybrid cắm sạc. Trong thời gian tới, Volvo sẽ mang về mẫu xe điện hoàn toàn là C40.

Cái hay của xe hybrid cắm sạc là có 2 cách thức sạc xe cùng khả năng sử dụng điện gia đình để sạc như xe điện. Theo công bố của hãng, pin của XC60 Recharge có thể cho khả năng vận hành tới hơn 80 km. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng muốn trải nghiệm và thử khả năng vận hành của pin và động cơ điện của xe. Đó chính là thử thách trong ngày tiếp theo – chạy Quảng Trị – Huế chỉ với duy nhất động cơ điện của XC60.



Nguồn : Source link