13 tuổi đã biết sửa xe thuê, dám nhận lời hợp tác với Tesla khi 5/6 nhà sản xuất từ chối


Trong suốt 100 năm lịch sử của ngành công nghiệp ô tô, sự thay đổi diễn ra liên tục. Năm 1913, Ford cho ra đời dây chuyền sản xuất đầu tiên. Năm 1950, Toyota đã tạo ra bước ngoặt với hệ thống sản xuất của mình.

Tuy nhiên, khó ai ngờ được rằng thế lực làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp sản xuất ô tô gần đây lại là một cái tên non trẻ như Tesla.

Vào tháng 8/2020, tại nhà máy của Tesla ở California (Mỹ) đã xuất hiện một cỗ máy khổng lồ, to bằng cả ngôi nhà. Nó có nhiệm vụ đúc khung sau của chiếc Model Y chỉ bằng một lần duy nhất.

“Đó là một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất ô tô. Chưa ai từng làm như vậy trước đây”, Elon Musk xúc động nói.

Trước đây, các hãng xe truyền thống mất rất nhiều công đoạn trong khâu này vì nhôm khó dập thành các hình dạng phức tạp. Với quy trình đúc khuôn một mảnh mới, việc sản xuất xe đã trở nên đơn giản hơn nhiều. Năng suất của Tesla tăng gấp đôi, chi phí giảm mạnh: dây chuyền sản xuất từ 1.000 robot giờ chỉ còn cần 300 robot.

Màn trình diễn của Tesla đã tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất xe điện lúc bấy giờ. Thay vì chế tạo hàng loạt chi tiết nhỏ như trước, các hãng xe chuyển sang sử dụng công nghệ đúc một mảnh.

Cỗ máy Giga Press của Tesla

Herbert Diess – Chủ tịch của Volkswagen – phải thốt lên: “Công nghệ mới cho phép Tesla sản xuất Model Y trong 10h, trong khi Volkswagen phải mất đến 30h mới sản xuất được một chiếc ID.3”.

Bước đột phá của Elon Musk gắn liền với cỗ máy khổng lồ Giga Press. Đây là kiệt tác của Công ty IDRA có trụ sở tại Ý. Với lực ép lên đến 6.000 tấn, nó là cỗ máy đúc lớn nhất trong lịch sử.

Ngay từ khi mới ra mắt, Giga Press đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng IDRA chính là công ty con của Tập đoàn LK của Trung Quốc, do một doanh nhân Trung Quốc đứng đầu.

Nếu không có Tesla, sẽ chẳng ai biết tới LK – một tập đoàn nhỏ với doanh thu hàng năm khoảng 4 tỷ NDT. Người sáng lập của tập đoàn này – Lưu Tương Thượng – cũng là một nhân vật sống khá lặng lẽ. Gõ tên ông trên thanh công cụ tìm kiếm chỉ thu được vỏn vẹn có 100.000 kết quả.

Thế nhưng, chính doanh nhân vô danh này đã cùng Elon Musk viết lại lịch sử của ngành sản xuất ô tô nói chung, xe điện nói riêng.

Lưu Tương Thượng quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc), sinh năm 1952 trong một gia đình Hoa kiều tại Indonesia. Nhờ cha làm nghề sửa chữa ô tô nên ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với các loại máy móc công nghiệp.

Năm 13 tuổi, Lưu Tương Thượng đã tự tay sửa hàng chục chiếc xe đạp cho gia đình và người quen để kiếm tiền. Niềm đam mê kỹ thuật biến thành động lực để ông học hỏi không ngừng. Tuy nhiên, tình hình rối ren ở Indonesia buộc chàng trai trẻ phải theo cha mẹ về quê, sau đó chuyển đến Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 1972.

Ban ngày, Lưu Tương Thượng làm việc ở nhà máy, đến đêm lại tham gia các lớp học bổ túc. Sau 7 năm lao động và học tập chăm chỉ, ông đã thành lập được một nhà máy của riêng mình.

Vào thập niên 70-80, nền sản xuất Hong Kong trở nên nổi tiếng thế giới, thúc đẩy nhu cầu gia công kim loại. Tuy nhiên, những máy đúc ở đây đều xuất xứ từ Nhật Bản và Đức, chưa kể lại có giá “trên trời”.

Nhìn thấy cơ hội có 1-0-2, Lưu Tương Thượng đã nhanh chóng triển khai và cho ra đời cỗ máy đúc đầu tiên của Trung Quốc. Đặc biệt, nó có giá chỉ bằng 20-30% cỗ máy tương tự của Nhật.

Do chất lượng cao và giá thành rẻ, máy đúc của Lưu Tương Thượng đã chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tình cũng mang lại cho LK danh tiếng tốt. Rất nhiều khách hàng mới mà công ty này có được là do khách quen giới thiệu.

Do chất lượng cao và giá thành rẻ, máy đúc của Lưu Tương Thượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Bên cạnh đó, dịch vụ khách hàng tốt cũng nhanh chóng mang lại cho LK danh tiếng tốt. Rất nhiều khách hàng mới tại thời điểm đó là nhờ khách quen giới thiệu.

“Thành công của khách hàng chính là thành công của chúng tôi”, vị doanh nhân đúc rút kinh nghiệm.

Cuối thập niên 80, giá nhân công và giá đất tăng cao, các ngành sản xuất tại Hong Kong dần thoái trào. Lưu Tương Thượng chuyển các nhà máy của mình về Đại lục, với cơ sở đầu tiên được thành lập năm 1989 tại Thâm Quyến.

LK nhanh chóng bắt nhịp với phong trào công nghiệp hóa lớn chưa từng có tại Trung Quốc vào cuối thế kỷ 20. Năm 1993, công ty này mở rộng quy mô, mở thêm nhiều nhà máy mới tại Thượng Hải.

Khi ấy, chỉ cần dám đấu tranh là sẽ có cơ hội, nên Lưu Tương Thượng không ngần ngại “chiến đấu”. Nền sản xuất cần gì, ông đều đáp ứng, từ máy đúc khuôn cho đến thiết bị gia dụng. Vị doanh nhân này còn mua lại 1 trong 4 nhà máy đúc lớn nhất của Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác với ĐH Thanh Hoa để không ngừng cải tiến kỹ thuật.

Chính sự tích lũy này đã giúp ông mua lại được IDRA vào năm 2008 chỉ với 5 triệu USD, khi công ty Ý này đang trên bờ vực sụp đổ do khủng hoảng kinh tế. Ngay năm sau đó, Ricardo Ferrario – một kỹ sư với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đúc khuôn – đã gia nhập LK với tư cách là CEO của IDRA. Nắm giữ một nguồn lực như vậy, thành công của Lưu Tương Thượng là điều tất yếu.

Năm 2019, Elon Musk đang chìm trong cơn khủng hoảng về năng lực sản xuất. Lúc này, ông chợt nghĩ: “Sẽ ra sao nếu những chiếc xe thật cũng được đúc như những chiếc ô tô đồ chơi?”.

Khi vị tỷ phú giàu nhất thế giới chia sẻ ý tưởng này cho người khác, ai nấy đều sửng sốt. Bởi lẽ, điều này nghĩa là Tesla cần có một cỗ máy đúc nặng tới 15.000 tấn.

Kỹ thuật đúc khuôn thường chỉ để chế tạo các chi tiết nhỏ như vỏ hộp truyền động hay xi lanh, với lực ép dao động trong khoảng 4.000-5.000 tấn. Tuy nhiên, Elon Musk muốn phá vỡ giới hạn này. Nếu 15.000 tấn là quá hão huyền, vậy giảm xuống còn 1/3 thì sao?

Thiên tài “ngông cuồng” này tìm đến 6 nhà sản xuất máy đúc lớn nhất thế giới, nhưng bị 5 trong số đó từ chối hợp tác do thấy ý tưởng này quá viển vông. IDRA chính là người duy nhất dám gật đầu.

Bản thân Lưu Tương Thượng cũng từng có ước mơ tương tự như Elon Musk. Ông đã nghĩ đến việc này khi đang cung cấp máy móc để sản xuất những chiếc ô tô đồ chơi. Cảm thấy doanh nghiệp của mình đủ năng lực để thực hiện hóa ý tưởng của vị tỷ phú giàu nhất thế giới, doanh nhân người Trung Quốc đã không ngần ngại nhận lời.

Là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp máy đúc khuôn toàn cầu, IDRA liên tục thiết lập các kỷ lục thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Họ từng giới thiệu ý tưởng về một chiếc máy đúc 5.500 tấn tại Triển lãm Đúc khuôn Quốc tế tại Đức vào năm 2019. Thế nhưng, hầu hết các khách hàng tiềm năng đều chế giễu IDRA.

Điều người khác chê bai rốt cuộc lại trở thành miếng bánh ngọt của Elon Musk. Chỉ một cuộc điện thoại xuyên lục địa là đủ để hai bên hợp tác với nhau.

Tất nhiên, việc chế tạo một chiếc máy đúc khổng lồ không hề dễ. Ngoài những kỹ thuật phức tạp, IDRA còn chịu áp lực lớn từ khách hàng.

“Họ liên tục hỏi rằng có thể làm cái này không, có thể làm cái kia không,…. Mỗi khi có sự thay đổi, chúng tôi lại phải chỉnh sửa máy móc sao cho phù hợp”, Lưu Tương Thượng chia sẻ.

Thế nhưng, áp lực cũng chính là “vũ khí” giúp LK phát triển từ một xưởng cơ khí nhỏ trở thành doanh nghiệp sản xuất máy đúc lớn nhất thế giới trong vòng 40 năm qua.

“Chúng tôi phải đáp ứng được mọi nhu cầu. Dù khách hàng muốn gì, chúng tôi cũng sẽ chiều theo họ”, vị doanh nhân người Trung Quốc cho biết.

Cuối cùng, sau hơn một năm làm việc miệt mài, cỗ máy 6.000 tấn Giga Press đã ra đời.

Kỳ tích này có được là nhờ ý tưởng của Elon Musk, tài năng của Ricardo Ferrario và sự kiên trì của Lưu Tương Thượng.

Mặc dù máy đúc là công cụ không thể thiếu trong ngành sản xuất, quy mô thị trường của sản phẩm này chưa đạt đến 3 tỷ USD. Trong khi Lưu Tương Thượng bền bỉ với máy đúc, nhiều ông chủ tại Hong Kong đã chuyển sang kinh doanh bất động sản – một thị trường trị giá cả trăm tỷ USD.

Ngày nay, Tập đoàn LK chỉ có 8 cơ sở sản xuất trên thế giới, bao gồm 7 nơi ở Trung Quốc và 1 nơi tại Ý. Doanh thu hàng năm của họ là 500 triệu USD, tổng giá trị rơi vào khoảng 2,5 tỷ USD.

Lưu Tương Thượng đã cống hiến hết mình cho ngành công nghiệp không mấy nổi trội này suốt hơn 40 năm, tất cả là nhờ tình yêu dành cho máy móc. Dù đã giao lại việc kinh doanh cho các con, ông vẫn miệt mài dành thời gian bên những cỗ máy.

“Tôi thích làm công việc liên quan đến kỹ thuật. Tôi thích tự mình chế tạo nên các thiết bị”, vị doanh nhân hồ hởi chia sẻ. “Tôi yêu công việc hơn là đi du lịch và vui chơi. Bởi lẽ, đối với tôi, không có gì mãn nguyện hơn là được làm việc với một cỗ máy”.

Danh sách khách hàng của Tập đoàn LK cũng ngày càng tăng lên, chẳng hạn như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Ford, Toyota,…. Mọi nhà máy sản xuất xe điện của Tesla cũng sử dụng cỗ máy Giga Press. Sản phẩm này liên tục được nâng cấp, mới nhất là phiên bản 9.000 tấn khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Những cỗ máy khổng lồ này đang thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp sản xuất ô tô, đồng thời đưa LK lên vị trí một trong những tập đoàn hàng đầu của thời đại.

(Theo Zhihu)

https://cafef.vn/doanh-nhan-trung-quoc-giup-elon-musk-viet-lai-lich-su-nganh-o-to-the-gioi-13-tuoi-da-biet-sua-xe-thue-dam-nhan-loi-hop-tac-voi-tesla-khi-5-6-nha-san-xuat-tu-choi-20220711104054507.chn



Nguồn : Source link