Xe điện giá rẻ của Elon Musk chưa đến 620 triệu đồng? Phải nhờ Tăng Ngọc Quần!
Elon Musk sẽ có xe giá rất rẻ?
Hiện nay, công ty Contemporary Amperex Technology Co. Ltd. (CATL) đang làm việc với Tesla để phát triển loại pin có thể sạc nhanh. Bối cảnh của hợp tác này đến từ việc Elon Musk đang cố gắng bảo vệ thị phần và cho ra một mẫu xe điện có giá rất rẻ – dự kiến dưới 25.000 USD (620 triệu đồng).
Chủ tịch CATL Tăng Ngọc Quần cho biết: “Sẽ luôn có cách để cắt giảm chi phí, tùy xem mục tiêu của mẫu xe 25.000 USD là gì”.
Phát biểu của ông Tăng Ngọc Quần diễn ra trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg hồi đầu tuần. Chủ tịch CATL cũng đang là một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á. Ông cũng cho biết thêm: “Nếu pin sử dụng để làm robotaxi [xe taxi tự lái] thì chúng tôi chẳng cần lo đến chuyện cắt giảm chi phí tới từng viên pin, vì pin của chúng tôi vốn có tuổi thọ dài hơn, nên chi phí bình quân thực ra lại thấp hơn”.
Cùng với đó, chủ tịch CATL cũng hé lộ rằng ông đang cung cấp máy móc cho nhà máy của Tesla tại bang Nevada, Mỹ. Trong khi đó, Bloomberg tháng trước cho biết rằng Tesla có kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất pin tại nhà máy này. Một số nguồn tin không chính thức cũng cho hay rằng Tesla sẽ sử dụng trang thiết bị từ CATL.
Ông Tăng Ngọc Quần cũng cho biết rằng Tesla và CATL đang làm việc với nhau để nghiên cứu phát triển công nghệ pin, cụ thể là về cấu trúc điện hóa (nguyên văn: Electrochemical Structure) để giảm thời gian chờ sạc. Nói về Elon Musk, ông Quần mô tả đối tác là một người “rất nhiệt huyết, tôi đang ở rất xa phía sau anh ta”.
“Một hành động hơn ngàn lời nói”
Bên cạnh Tesla, CATL cũng đang cung cấp pin LFP có chi phí thấp nhưng tuổi thọ dài với các nhà sản xuất xe khác như BMW, Mercedes hay NIO (Trung Quốc). Vị thế quan trọng của CATL trong ngành pin, hay ngành xe điện trong và ngoài Trung Quốc đã giúp công ty duy trì tăng trưởng ngay cả khi thị trường xe điện thế giới rơi vào trạng thái cung vượt qua cầu.
Dù các công ty đến từ Trung Quốc như CATL vẫn gặp rất nhiều hạn chế khi bị cấm kinh doanh trực tiếp tại Mỹ, CATL đang cố vượt qua bằng cách cho đối tác thuê công nghệ.
Chủ tịch CATL Tăng Ngọc Quần tự tin nói về hình thức cho thuê công nghệ của hãng, đồng thời cũng cho biết rằng CATL dự định sẽ đào tạo kỹ sư cho các nhà sản xuất ô tô ngay tại trụ sở của CATL ở Phúc Kiến, Trung Quốc, hoặc tại nhà máy của hãng ở Đức. Chủ tịch CATL cũng cho hay rằng hiện có từ 10 đến 20 nhà sản xuất ô tô từ Mỹ và châu Âu đang cân nhắc kế hoạch này.
Tháng 2 năm ngoái, Ford đã ký kết với CATL để ứng dụng công nghệ sản xuất pin vào nhà máy của hãng tại bang Michigan, Mỹ. Tuy nhiên, cách làm này của Ford đã khiến các nhà lập pháp đảng Cộng hòa của Mỹ chú ý và bày tỏ quan ngại; họ cho rằng Ford bị chính phủ Trung Quốc tác động và có thể làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ.
Theo kế hoạch, nhà máy của Ford-CATL sẽ đi vào sản xuất từ năm 2026; công suất dự kiến đã giảm từ 35 gigawatt-giờ xuống còn 20 gigawatt-giờ.
Khi Mỹ đưa ra những rào cản đối với những công ty như BYD hay CATL vì tầm quan trọng của họ đối với chuỗi cung ứng cho xe điện, chủ tịch CATL cho rằng một đối tác có thể vượt qa được các rào cản địa chính trị là vấn đề to lớn nhất.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành một đạo luật mới về khí hậu; từ đó, khoản chi 370 tỷ USD sẽ được sử dụng để giúp Mỹ thành lập một chuỗi cung ứng và sản xuất xe điện đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc.
Chủ tịch CATL cho biết: “Địa chính trị rất phức tạp đối với những người quản lý doanh nghiệp như tôi, nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin của khách hàng – thứ có thể vượt qua những trắc trở ngắn hạn”. Ông cũng không quên nhấn mạnh: “Một hành động hơn ngàn lời nói” (nguyên văn: “Actions speak louder than words”).
Nguồn : Source link