Tin Quốc Tế

Xe chở đồng bị tắc 3.000km, 1 tháng không thể ra khỏi biên giới, các tài xế có thể bị cướp bất cứ lúc nào


Để đưa được đoàn xe tải chở đồng ra khỏi châu Phi, anh Chanda Kulungika đã phải trải qua 1 tuần trời chờ đợi tại một trong những khu vực tắc nghẽn nhất thế giới. Từng thanh niên trẻ đi xe đạp len qua hàng dài những container hạng nặng, trên xe chở đầy nước ngọt, đồ ăn nhẹ và than củi.

Vào ban đêm, Kulungika ngủ ngay trong cabin xe tải. Đèn tín hiệu nguy hiểm thỉnh thoảng lại nhấp nháy, buộc anh phải dậy kiểm tra xem liệu những tên trộm có ăn cắp nhiên liệu hoặc đồng trên xe hay không.

Câu chuyện này diễn ra mỗi ngày ở biên giới Congo và Zambia, nơi âm thanh của động cơ diesel và mùi chua của lưu huỳnh tràn ngập trong không khí. Ô nhiễm cũng chẳng sao bởi khu vực này quan trọng chẳng kém bất kỳ trang trại điện gió hoặc nhà máy sản xuất xe điện nào.

geg.jpg

Từng thanh niên trẻ đi xe đạp len qua hàng dài những container hạng nặng, trên xe chở đầy nước ngọt, đồ ăn nhẹ và than củi.

Trong khi tất cả mọi người, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến Elon Musk cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt các kim loại quý như đồng có thể cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hoạt động sản xuất ở biên giới Congo-Zambia thực sự đang bùng nổ. Khu vực này hiện cung cấp 2/3 lượng coban trên thế giới, đồng thời đóng góp hơn 80% cho tăng trưởng đồng toàn cầu trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, hành trình dài 3.000 km vận chuyển đồng từ các trữ mỏ ở Congo và Zambia vô cùng khó khăn và tắc nghẽn đến mức kéo dài hơn 1 tháng. Người ta còn ví con đường qua Congo trông giống bề mặt mặt trăng hơn là đường cao tốc: xóc, đầy ổ gà và đất lầy sau mưa lũ.

Hành trình của những người lái xe tải như Kulungika bắt đầu vài trăm dặm từ đồn biên giới Kasumbalesa, trung tâm African Copperbelt, một mỏ khai thác trải dài từ miền nam Congo đến miền bắc Zambia. Sản lượng khu vực này đang bùng nổ sau nhiều năm các công ty khai thác quốc tế lớn hạn chế tiếp cận.

1800x-1-3-.jpg

Các tài xế mang theo đồ dùng cá nhân để chuẩn bị cho một hành trình dài.

Theo Bloomberg, sản lượng đồng của Congo tăng ít nhất gấp 3 lần trong thập kỷ qua sau khi thu hút một loạt các nhà khai thác lớn nhỏ, từ Ivanhoe Mines của tỷ phú Robert Friedland đến tập đoàn CMOC của Trung Quốc. Congo còn dự kiến tăng sản lượng lên 79% vào năm 2025 so với năm 2020, theo Darton Commodities Ltd.

Trong khi đó, Zambia cũng có những kế hoạch mở rộng đầy tham vọng. Theo Adam Khan, chuyên gia phân tích nguồn cung đồng tại CRU Group, khu vực này có thể tăng sản lượng lên thêm gần 1 triệu tấn đồng mỗi năm trong thập kỷ tới.

“Đồng là dầu mới”, Bộ trưởng Tài chính Zambia Situmbeko Musokotwane cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Đây là một cơ hội rất tốt cho chúng tôi”.

eheh.jpg

Các tài xế không thể ngủ ngon vào ban đêm vì liên tục phải kiểm tra xe.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đồng chính xác là thứ kim loại được săn tìm. Để đạt được mục tiêu toàn cầu vào năm 2050, thế giới có thể sẽ phải tăng gấp đôi nguồn cung của một thứ được ví như “kim loại cho giấc mơ điện khí hóa”. Theo Benedikt Sobotka, Giám đốc điều hành của Eurasian Resources Group, “sự chuyển đổi năng lượng xanh là đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử”.

Vận chuyển không phải trở ngại duy nhất. Một trong những mỏ đồng và coban lớn nhất thế giới, Tenke Fungurume, đã không được phép xuất khẩu bất kỳ thứ gì kể từ tháng 7 do tranh chấp giữa chủ sở hữu CMOC Group và công ty khai thác mỏ quốc gia Congo Gecamines. Mufulira, tại tỉnh Copperbelt, Zambia, một trong những mỏ đồng lâu đời nhất thế giới cũng phải bơm một lượng nước đủ để lấp đầy 47 bể chứa mỗi ngày, nếu không sẽ có nguy cơ ngập lụt.

Sau khi được xử lý và tinh chế, đồng được chất lên xe tải và bắt đầu cuộc hành trình gập ghềnh đến khắp các bờ biển và thị trường trên toàn cầu. Dọc theo những con đường cao tốc, mùi chua của lưu huỳnh luôn hiện hữu. Giao thông bận rộn theo cả 2 hướng: trong khi kim loại đi về phía nam, các nhà khai thác mỏ phải vận chuyển mọi thứ, từ thực phẩm đến dầu diesel để phục vụ quá trình sản xuất.

1800x-1-5-.jpg

Đồng chính xác là thứ kim loại đang được săn tìm.

“Trước đây không như vậy”, Wisdom Chabu, một thanh niên lái xe cho biết. “Chúng tôi đang thất bại trong việc đối phó”.

Theo Bloomberg, có thể mất đến 2 tuần chỉ để rời khỏi Congo và đến Zambia, sớm nhất là 8 ngày. Trong khi đó, quãng đường từ một mỏ miền nam Congo đến miền nam châu Phi mất tới 35 ngày di chuyển ròng rã.

Không những vậy, các tài xế còn phải đối mặt với tình trạng cướp bóc nguy hiểm nhất trong cuộc hành trình. Tại Nam Phi, số lượng các vụ cướp xe tải đã tăng 30% trong 3 tháng đầu năm, theo số liệu thống kê tội phạm chính thức. Không rõ bao nhiêu trong số chúng là xe tải chở đồng, song kim loại luôn là mục tiêu béo bở. Chúng có thể trị giá khoảng 340.000 USD khi giá chạm đỉnh trong năm nay.

Tình hình biến tướng và trở nên nguy hiểm đến mức hầu hết các công ty vận tải chỉ cho phép tài xế lái những chiếc xe có trang bị vũ khí bảo vệ qua Nam Phi. Những tên trộm thậm chí còn bắt đầu nhắm mục tiêu vào hàng hóa coban hydroxit, theo một nhà sản xuất đã có 6 chiếc xe tải bị cướp kể từ năm ngoái.

1800x-1-6-.jpg

Bên trong một mỏ khai thác đồng.

Ngoài ra, các tài xế cũng phải đối phó với các cuộc biểu tình bạo lực thường xuyên dọc theo các tuyến đường cao tốc. Do đó, chi phí bảo hiểm tăng vọt.

Chỉ khi đồng đến được Durban, một trong những cảng bận rộn nhất châu Phi, công việc của họ mới thực sự kết thúc. Trước khi bị thiệt hại nghiêm trọng sau trận lũ hồi tháng 4, Durban bị đánh giá là một trong những cảng container hoạt động kém hiệu quả nhất trên thế giới, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2020.

Thay vì đi qua biên giới Congo-Zambia, nhiều người bắt đầu tìm đến các tuyến đường thay thế an toàn hơn, chẳng hạn như Namibia, Tanzania và Mozambique. Ước tính Durban từng xử lý 70% lượng đồng xuất khẩu của Trung Phi; song hiện chỉ đóng góp khoảng 40%.

Chính phủ Congo và Zambia đang cố gắng giải quyết vấn đề. Vào tháng 6, họ đồng ý mở các đồn biên phòng 24/7 giữa hai nước để khắc phục tình trạng trộm cắp và tắc nghẽn. Tuy nhiên, thông tin rõ ràng chưa được tiết lộ.

1800x-1-8-.jpg

Trước khi đến được tay các nhà sản xuất xe điện, đồng đã phải đi qua quãng đường dài 3.000 km tắc nghẽn dọc biên giới Congo-Zambia.

“Các tài xế xe tải đã phải chịu đựng rất nhiều. Có đồng trên xe đồng nghĩa với việc chúng tôi không được an toàn”, Josiphat Phiri, một tài xế cho biết.

Theo: Bloomberg



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button