Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), xe điện (EV) dự kiến sẽ chiếm 13% tổng doanh số bán xe chở khách toàn cầu vào năm 2022. Tỷ trọng này tăng từ gần 9% vào năm 2021.
Chính vì vậy, DIGITIMES Asia mới đây đã lựa chọn và phân loại 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực xe điện nổi bật tại Châu Á cho cuộc khảo sát Asia Supply Chain EV 50 survey (EV 50). 50 công ty này được chia thành: 14 OEM ô tô, 6 công ty tập trung vào tích hợp hệ thống, 14 nhà cung cấp thiết bị điện tử cho ô tô, 9 nhà sản xuất pin và 7 nhà cung cấp vi mạch ô tô.
Các công ty trong từng lĩnh vực được đánh giá và cho điểm từ 1 đến 5 dựa trên các số liệu cụ thể của ngành. Điểm số cao hơn có nghĩa là công ty đã đạt được sự phát triển tiên tiến hơn.
Khi xét tới OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc), có thể nhìn thấy rõ sự phát triển của ngành xe điện của từng quốc gia. Các so sánh được đưa ra dựa trên những khía cạnh như quy mô kinh doanh xe điện, pin, hệ thống truyền động, ADAS/công nghệ tự lái và sạc nhanh/hoán đổi pin. Đáng chú ý trong bảng danh sách này, VinFast của Việt Nam xuất hiện trong top 5 OEM.
So sánh Top các OEM trên thị trường châu Á.
Cụ thể, BYD của Trung Quốc và Hyundai Motor của Hàn Quốc là những người dẫn đầu so với Toyota, Tata Motors và VinFast. Theo EV 50, BYD dẫn đầu về doanh số bán hàng với 594.000 xe điện được bán ra vào năm 2021. Công ty Trung Quốc còn vượt qua gã khổng lồ Tesla về doanh số bán xe điện toàn cầu chỉ trong nửa đầu năm 2022.
Trong khi đó, Hyundai đánh bại Toyota nhờ việc sớm tham gia vào thị trường xe hybrid, plug-in hybrid và xe điện. Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất pin và sạc nhanh cũng giúp Hyundai tiến nhanh hơn các đối thủ khác.
Lý do chính khiến gã khổng lồ Toyota tụt lại so với các đối thủ đến từ việc công ty đã không tiết lộ về kế hoạch phát triển BEV (xe chạy điện thuần túy) của mình cho tới cuối năm 2021 dù doanh số bán HEV (xe hybrid điện) đã ổn định trong nhiều năm. Do đó, công ty đạt điểm thấp hơn trong việc phát triển công nghệ sạc và pin so với các đối thủ từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc khảo sát.
Mặt khác, các nhà sản xuất xe điện mới nổi như Tata Passenger Electric Mobility (TPEM – Ấn Độ) và VinFast (Việt Nam) đang từng bước mở rộng nhờ sự hậu thuẫn của các công ty mẹ.
Theo DIGITIMES Asia, VinFast sẵn sàng trở thành một ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á. Được thành lập từ năm 2017, thời gian hoạt động chưa phải quá dài nên tiềm lực của VinFast vẫn còn tương đối hạn chế. Yếu tố được VinFast phát triển mạnh là công nghệ trợ lái nâng cao ADAS. Được biết, các tính năng hỗ trợ lái bán tự động tích hợp trên các mẫu xe của VinFast là thành quả của hợp tác giữa hãng xe Việt và ZF – một nhà cung cấp có uy tín trong ngành xe thế giới.
Quy mô kinh doanh xe điện cũng đang được VinFast tích cực mở rộng khi đẩy mạnh phát triển sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Vào tháng 4, VinFast cho biết đã nộp hồ sơ để chuẩn bị cho đợt IPO tại Mỹ, thương vụ có thể thu về khoảng 2 tỷ USD. Đồng thời, VinFast cũng giành được khoản ưu đãi khoảng 1,2 tỷ USD cho nhà máy xe điện của mình ở Bắc Carolina, Mỹ, nơi dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Riêng tại châu Âu, VinFast tập trung vào Pháp, Đức và Hà Lan trước khi nghiên cứu mở rộng ra các nước khác.
Song song với việc mở rộng thị trường, VinFast cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế để nâng tầm chất lượng và đẳng cấp sản phẩm. Các đối tác chiến lược của hãng hiện đều là những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghệ và công nghiệp ôtô như Pininfarina, ZF, Durr, Bosch, ABB, Faurecia, Dassault, Google…
Trong tất cả các chỉ số khảo sát EV 50, VinFast cũng nhận được điểm cao trong việc đầu tư pin. Công ty đã hợp tác với Gotion High-tech có trụ sở tại Trung Quốc để phát triển pin lithium-ion và ProLogium của Đài Loan cho vật liệu pin thể rắn.
Các khía cạnh khác như hệ thống truyền động, công nghệ sạc nhanh/thuê pin vẫn đang được VinFast đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện và phát triển.
Thị trường xe điện sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai
Thị trường xe điện của Trung Quốc là thị trường đầu tiên đạt được quy mô kinh tế trên toàn cầu, với số lượng sản xuất và bán hàng nhiều nhất trong 7 năm qua. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán xe điện của nước này sẽ vượt 5,5 triệu xe trong năm nay, tăng 56% so với năm 2021.
Tom Lo, Giám đốc nghiên cứu tại DIGITIMES Research, nói rằng thành công của một nhà sản xuất ô tô theo truyền thống phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp đáng tin cậy. Trong trường hợp sản xuất xe điện, sự ưu tiên thường là tìm kiếm các loại pin, động cơ điện, ADAS và các công nghệ khác tiên tiến nhất. Những điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Doanh số bán hàng trên thị trường EV toàn cầu giai đoạn 2017-2021.
Bảng xếp hạng EV 50 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một danh mục đầu tư xe điện mạnh mẽ khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống và các công ty khởi nghiệp tăng tốc phát triển cũng như sản xuất ô tô.
Hơn nữa, quốc gia này nắm giữ lợi thế đáng kể về công nghệ pin, một bộ phận thiết yếu của xe điện. Dữ liệu của SNE Research cho thấy 6/10 nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, trong đó nhà sản xuất Trung Quốc CATL thống trị nhóm có lô hàng cao nhất liên tiếp trong 5 năm qua.
Ngoài ra, Trung Quốc đã thúc đẩy một loạt các nhà cung cấp thiết bị điện tử ô tô, bao gồm cả công nghệ màn hình hàng đầu và các nhà cung cấp LiDAR. Quốc gia này không có lợi thế trong lĩnh vực vi mạch ô tô như Nhật Bản, nhưng họ đã trau dồi năng lực và thúc đẩy sự xuất hiện của các công ty trong lĩnh vực này.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều sở hữu ngành công nghiệp ô tô được quốc tế công nhận với lịch sử lâu đời hơn Trung Quốc. Sự đổi mới của ngành thường phụ thuộc vào các OEM chính. Ví dụ, Toyota đã hành động chậm hơn trong lĩnh vực điện khí hóa so với các đối tác của mình ở Trung Quốc và châu Âu, khiến quá trình chuyển đổi xe điện của Nhật Bản bị trì hoãn.
Mặc dù chuỗi cung ứng ô tô của Hàn Quốc có thể không phức tạp như Nhật Bản, nhưng nước này đã bắt đầu phát triển BEV trên quy mô lớn từ rất sớm. Hàn Quốc cũng trở thành cơ sở sản xuất pin quan trọng thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ba nhà sản xuất hàng đầu, LGES, Samsung SDI và SK On đều là những người dẫn đầu trong bảng xếp hạng về sản xuất pin của EV 50.
Có thể thấy, xe điện đã mang lại những thay đổi cơ bản cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực có quy mô thị trường và năng lực công nghệ lớn nhất. Tuy nhiên, khi Mỹ và các nước phương Tây khác bắt đầu giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, liệu nước này có thể duy trì được đà phát triển hay không vẫn còn phải chờ đợi ở phía trước.
DIGITIMES Asia nhận định, Nhật Bản và Hàn Quốc được kì vọng cần thoát khỏi gánh nặng sản xuất xe ICE (xe động cơ đốt trong) để chuyển sang sản xuất xe điện. Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội trong quá trình điện khí hóa để có được sự hiện diện trên toàn thế giới.
Tham khảo: DIGITIMES Asia
Nguồn : Source link