Từng thờ ơ với xe điện, một ‘ông lớn’ trong ngành đành tái khởi động dự án tỷ USD vì sợ bị Tesla qua mặt


Toyota đang cân nhắc tái khởi động chiến lược xe điện nhằm đạt vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường EV. Trước đó, nhà sản xuất xe hơi truyền thống này đã tỏ ra khá chậm chạp trong cuộc đua, thậm chí tạm dừng một số dự án xe điện hiện có.

Các đề xuất nếu được thông qua sẽ tạo ra một sự thay đổi đáng kể cho Toyota trong nỗ lực tái khởi động dự án làm xe điện trị giá 38 tỷ USD mà hãng công bố vào năm ngoái nhằm cạnh tranh trực tiếp với Tesla.

Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Toyota cũng đã kế hoạch cho đầu năm tới với rất nhiều những cải tiến dành cho xe EV. Trong thời gian chờ đợi, hãng tạm dừng các dự án xe điện được công bố trước đó, bao gồm Toyota Compact Cruiser và Crown chạy pin.

“Để đạt mục tiêu trung hòa carbon, công nghệ của riêng Toyota cũng như kế hoạch mà chúng tôi đang bắt tay với nhiều đối tác và nhà cung cấp là vô cùng cần thiết”, đại diện Toyota chia sẻ với Reuters.

Theo các chuyên gia, quyết định cải tiến lần này có thể làm chậm quá trình triển khai EV đã được đưa ra trước đó, song lại giúp Toyota tăng tính cạnh tranh nhờ quy trình sản xuất hiệu quả, đồng thời xoa dịu dư luận từ phía các nhà hoạch định môi trường – những người vốn cho rằng thương hiệu này quá do dự khi triển khai dòng xe xanh. Doanh số xe điện toàn ngành hiện đã vượt qua mọi dự đoán trước đó của hãng.

Toyota đang cân nhắc tái khởi động chiến lược xe điện nhằm đạt vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường EV.

Theo đánh giá, Toyota đang xem xét phát triển lại công nghệ nền tảng EV có tên e-TNGA vốn được công bố hồi năm 2019. Chiếc EV đầu tiên dựa trên công nghệ e-TNGA – Crossover bZ4X – được tung ra thị trường đầu năm nay song lại vướng trúc trắc từ vụ thu hồi đột ngột. Toyota sau đó phải tạm ngừng sản xuất từ tháng 6 để khắc phục lỗi kỹ thuật.

Theo Reuters, động thái điều chỉnh trên được đưa ra sau khi các giám đốc điều hành và kỹ sư tại Toyota nhận ra tập đoàn đang chậm chân hơn Tesla rất nhiều trong cuộc chiến xe điện.

Trước đây, Toyota thiết kế e-TNGA dựa trên dây chuyền lắp ráp xe xăng và xe hybrid. Nền tảng này dựa trên giả định rằng Toyota sẽ bán khoảng 3,5 triệu xe điện mỗi năm, tức chiếm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu hiện tại. Tuy nhiên, thực tế, doanh số bán xe điện lại đang tăng vượt dự báo. Ước tính xe điện sẽ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng ô tô các loại vào năm 2030.

Người đứng đầu nhóm cải tiến xe điện lần này của Toyota là ông Shigeki Terashi. Nhóm được đặt tên là “BR”, viết tắt của “cuộc cách mạng kinh doanh” – một thuật ngữ mà Toyota sử dụng để chỉ những thay đổi lớn trong quy trình phát triển và sản xuất.

Nhóm ông Terashi đang cân nhắc một phương án để kéo dài tính hữu dụng của nền tảng e-TNGA bằng cách kết hợp nó với các công nghệ kỹ thuật mới. Ông Terashi cũng có thể đề xuất loại bỏ e-TNGA và thay thế bằng một nền tảng thiết kế mới khác dành riêng cho xe điện. Tuy nhiên, mô hình mới sẽ mất khoảng 5 năm.

Để không còn tụt hậu, Toyota mạnh tay đầu tư 70 tỷ USD điện khí hóa ô tô, sản xuất thêm pin và dự định tung ra thị trường ít nhất 3,5 triệu mẫu xe điện chạy pin (BEV) vào năm 2030.

Theo Reuters, Toyota đang làm việc với các nhà cung cấp nhằm giảm chi phí tương tự Giga Press – một máy đúc khổng lồ giúp sắp xếp công việc hợp lý trong các nhà máy Tesla. Phía tập đoàn cũng nỗ lực cải thiện hệ thống điều hòa không khí cũng như kiểm soát nhiệt độ hệ thống truyền động điện tương tự Tesla. Điều này giúp Toyota giảm kích thước và trọng lượng bộ pin xe điện, từ đó cắt giảm hàng nghìn USD chi phí cho mỗi chiếc xe.

Động thái này trái ngược hoàn toàn so với một thập kỷ trước, khi nhiều kỹ sư Toyota tin rằng công nghệ của Tesla không phải là một mối đe dọa. Được biết Toyota từng nắm giữ cổ phần của Tesla. Cả hai cũng đã hợp tác để sản xuất phiên bản chạy pin của chiếc RAV4.

Theo Reuters, Toyota ngừng sản xuất RAV4 chạy điện vào năm 2014 và bán cổ phần của mình tại Tesla vào năm 2017. Đến năm 2018, khi Toyota mới thành lập bộ phận nghiên cứu về không phát thải và xây dựng nền tảng xe điện, Tesla đã có tới 3 mẫu xe điện trên thị trường.

Để không còn tụt hậu, Toyota mạnh tay đầu tư 70 tỷ USD điện khí hóa ô tô, sản xuất thêm pin và dự định tung ra thị trường ít nhất 3,5 triệu mẫu xe điện chạy pin (BEV) vào năm 2030. Ngoài ra, hãng cũng dự định chuyển đổi toàn bộ dòng Lexus thành xe điện trong giai đoạn này.

Nhiều người vẫn hoài nghi tham vọng này của Toyota do trong tháng 9 vừa qua, hãng không bán được bất kỳ mẫu xe điện nào. Tuy nhiên mức doanh số này không phải do người dùng thờ ơ với mẫu xe điện đầu tiên của hãng mà vì Toyota đã tạm ngừng bán xe từ tháng 6 để khắc phục lỗi kỹ thuật.

Toyota dự định chuyển đổi toàn bộ dòng Lexus thành xe điện.

Trước đây, trong khi các nhà sản xuất ô tô như General Motors, Volkswagen… tuyên bố đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện, Toyota dường như lại lùi một bước.

Theo đánh giá của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), hãng này cũng chỉ được xếp ở vị trí cuối cùng trong nghiên cứu về nỗ lực khử carbon của 10 doanh nghiệp sản xuất ô tô. Nguyên nhân là bởi Toyota khá chậm trễ trong việc chuyển đổi sang xe điện.

Các lãnh đạo của Toyota dĩ nhiên có lý do của mình. Họ cho rằng thế giới không thể chuyển đổi sang xe điện nhanh đến vậy vì còn tồn đọng nhiều nút thắt trong chi phí cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng.

“Mọi người đều muốn nói về xe điện nhưng thị trường lại chưa đạt mức chúng tôi mong muốn để có thể chuyển hóa đồng loạt”, Jack Hollis, phó chủ tịch điều hành kinh doanh của Toyota Motor North America chia sẻ.

Với Toyota khi đó, xe chạy hoàn toàn bằng điện chỉ đơn thuần là một giải pháp chứ không phải cách duy nhất để công ty đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

“Trong tương lai xa, chúng tôi sẽ không đầu tư với giả định rằng xe điện chiếm 100% thị trường. Thực tế, đó sẽ là một thị trường hỗn hợp”, Jim Adler, giám đốc điều hành Toyota Ventures – đơn vị đầu tư mạo hiểm của nhà sản xuất xe Nhật Bản, cho biết.



Nguồn : Source link