Sau hai tháng kể từ khi scandal gian lận thử nghiệm an toàn nổ ra, Toyota đã công bố sự thay đổi nhân sự quan trọng trong Hội đồng quản trị của Daihatsu. Dàn lãnh đạo mới sẽ chính thức lên điều hành từ ngày 1/3/2024.
Chủ tịch Daihatsu từ chức
Cả chủ tịch HĐQT Sunao Matsubayashi và Chủ tịch/Tổng giám đốc Daihatsu Soichiro Okudaira sẽ từ chức. Đây là những động thái đã được dự báo trước.
Tại một cuộc họp báo chung giữa Toyota và Daihatsu tại Tokyo vào ngày 13/2, Chủ tịch Koji Sato của Toyota tuyên bố cựu CEO Toyota châu Mỹ-Latinh, Masahiro Inoue, sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch mới của Daihatsu.
Trong khi đó, vị trí Chủ tịch HĐQT sẽ bị bãi bỏ. Còn ông Masanori Kuwata sẽ trở thành Phó chủ tịch điều hành chịu trách nhiệm về việc cải tổ văn hóa công ty. Phó chủ tịch hiện tại Hiroshima Hoshika sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống vận hành liên quan đến các quy định và chứng nhận, đồng thời là người đứng đầu nhóm quản lý chất lượng của Daihatsu.
Theo Chủ tịch Koji Sato, ông Inoue đánh giá mở rộng quá nhanh chóng đã khiến Daihatsu hoạt động không ổn định. “Ông ấy muốn xây dựng lại Daihatsu”, ông Sato cho hay, nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần phải chậm lại và xem xét lại mọi thứ.
Daihatsu thay đổi cách vận hành
Sau khi tạm dừng sản xuất, Daihatsu đã khôi phục việc vận chuyển Toyota Probox và Mazda Familia từ nhà máy của hãng tại Kyoto từ ngày 13/2. Cùng ngày, Daihatsu cũng công bố quyết định rời bỏ Hiệp hội Công nghệ Đối tác Thương mại Nhật Bản (CJPT), một liên minh chiến lược sản xuất với Toyota và Suzuki Motor.
Trong buổi họp báo, Toyota cho biết sẽ tổ chức các cuộc đối thoại nội bộ với Daihatsu và các đối tác liên quan, để bàn về các chính sách quản lý mới và cơ cấu tổ chức của Daihatsu trong năm tài chính sắp tới.
Thông tin chưa được nêu chi tiết, nhưng ông Sato có cho biết một thay đổi quan trọng là về mảng hoạt động kinh doanh quốc tế, Daihatsu sẽ không còn tự kiểm soát như trước, thay vào đó sẽ “thuê” Toyota để thực hiện việc lập kế hoạch, phát triển và sản xuất, nhờ đó sẽ tránh được những bê bối an toàn như vừa qua.
Điều này được cho là có liên quan đến EMCC, công ty liên doanh giữa Toyota và Daihatsu chuyên phát triển các dòng xe mang thương hiệu Toyota tại các thị trường mới nổi. Trước đây, EMCC chủ yếu dựa vào Daihatsu để định hình chiến lược kinh doanh và sản phẩm cho các mẫu xe Toyota tại các thị trường mới nổi, bao gồm khu vực Đông Nam Á.
Với sự thay đổi này, có thể Toyota sẽ đảm nhiệm vai trò chủ đạo tại EMCC và/hoặc can thiệp trực tiếp vào việc phát triển và sản xuất sản phẩm của EMCC.
Daihatsu từng phải dừng việc giao xe vào cuối năm 2023, bao gồm cả các mẫu xe được bán dưới thương hiệu Toyota, Subaru và Mazda sau khi phát hiện gian lận dữ liệu kiểm tra an toàn trên 64 mẫu xe.
Vào tháng 1/2024, Toyota cũng phải dừng việc giao những mẫu xe nổi tiếng như Hilux và Land Cruiser do phát hiện bất thường trong quy trình thử nghiệm động cơ. Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam.
Toyota thường xuyên đứng top đầu trong các khảo sát về mức độ hài lòng khách hàng của J.D. Power. Do đó, hãng phải hành động nhanh trước những tổn thất về hình ảnh thương hiệu. Bằng cách kiểm soát thiệt hại, bắt đầu từ việc thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của Daihatsu, Toyota được kỳ vọng sẽ vượt qua bê bối này này và tái tạo lại hình ảnh thương hiệu.
Nguồn : Source link