Toyota đứng đâu trong cuộc đua xe điện? Chuyên gia chê: ‘Chậm tiến’
Mới đây, tổ chức khí hậu InfluenceMap đã công bố bảng đánh giá mức độ cam kết với các chính sách khí hậu của một vài hãng xe lớn trên thế giới. Bảng đánh giá này sử dụng dữ liệu từ IHS Markit và nghiên cứu của tổ chức để đánh giá 12 thương hiệu xe lớn nhất tại 10 khu vực tiêu thụ xe lớn nhất thế giới.
Theo bảng đánh giá này của InfluenceMap, Toyota đang là hãng xe nhận mức điểm thấp nhất, xếp hạng D (theo thang điểm từ A đến F, với A là cao nhất, F là thấp nhất). Cũng trong đánh giá này, Tesla được xếp hạng đầu với xếp hạng B.
Bảng đánh giá của InfluenceMap.
Không chỉ Toyota, 2 hãng xe khác của Nhật Bản là Nissan và Honda cũng nhận mức điểm khá thấp, cùng đạt D+. Khi nhìn vào thực tế những gì các hãng xe Nhật Bản đang làm, dễ thấy rằng các hãng dường như có không nhiều sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang loại phương tiện không phát thải.
Có thể kể tới như việc Honda dự kiến sản xuất mẫu Honda e:Ny1 vào năm 2024 nhưng dự kiến sẽ chỉ được bán ở một số thị trường nhất định như châu Âu. Toyota thì hiện chỉ có một mẫu xe thuần điện là Toyota bZ4X; nhưng thực chất thì mẫu xe này lại là một sản phẩm đồng phát triển bởi Subaru. Theo dự đoán của InfluenceMap thì tới năm 2029, chỉ khoảng 14% sản lượng toàn cầu của Toyota là xe thuần điện, của Honda là 18%, Nissan là 22%. Được biết, Bloomberg xếp hạng Toyota trong năm 2021 là thương hiệu xe có doanh số lớn nhất thế giới.
Thế hệ đầu tiên của Toyota Prius và Nissan Leaf.
Đáng ngạc nhiên, Toyota và Nissan lại là 2 hãng xe mang tới những mẫu xe lai điện và thuần điện đại trà đầu tiên của thế giới, với Toyota Prius và Nissan Leaf. Tuy nhiên, tới nay thì 2 hãng xe này lại tỏ ra thụt lùi trong cuộc đua xe điện; chuyên gia Sophie Vorrath từ tờ Renew Economy còn nhận định Toyota là “chậm tiến”.
ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA TOYOTA
Hiện nay, Toyota được ghi nhận chú tâm tới xe sử dụng hydro và xe lai điện.
Nghiên cứu của InfluenceMap cho thấy rằng dòng xe sử dụng hydro không phải phương án tối ưu, dù Toyota đã dành nhiều công sức đầu tư. Theo nghiên cứu này, xã hội dường như ghi nhận rằng dòng xe hydro là một giải pháp thay thế cho xe thuần điện. Hiện nay, gần như chỉ có mình Toyota còn cung cấp ra thị trường mẫu xe phổ thông sử dụng hydro – Toyota Mirai.
Với dòng xe lai điện* thì đây cũng chẳng thể là giải pháp tốt của Toyota. Chuyên gia Ben Youriev từ InfluenceMap trao đổi với tờ Bloomberg cũng nhận định rằng: “Toyota vẫn tiếp tục thúc đẩy dòng xe lai điện – ngay tại thị trường phát triển cao như Nhật hay Mỹ – mặc cho việc Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu [The Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC, thuộc Liên hợp quốc] đã cảnh báo rằng xét trên vòng đời một sản phẩm [từ lúc còn là nguyên liệu thô tới lúc bị thải bỏ], các mẫu xe điện sử dụng nguồn điện ít phát thải mang lại tiềm năng lớn cho việc loại bỏ các-bon khỏi giao thông đường bộ”.
*Xe lai điện: Là dòng xe tồn tại song song động cơ đốt trong và động cơ điện; đa số các mẫu xe lai điện sử dụng động cơ đốt trong làm máy phát điện, đôi khi đây còn là nguồn điện chính.
Toyota Mirai là mẫu xe thương mại chạy hydro hiếm hoi trên thị trường.
Chuyên gia Ben Youriev nói thêm: “Việc Toyota và Nissan nhận đánh giá thấp thể hiện rõ mối liên hệ giữa việc không tuân theo chính sách khí hậu và dự báo về việc sản xuất ít xe điện. […] Dự báo này cho thấy rằng ngành công nghiệp xe của Nhật Bản đang thụt lùi so với các đối thủ từ Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ. Báo cáo cho thấy rằng khoảng cách này có thể sẽ tiếp tục tăng lên trừ phi các hãng xe Nhật Bản chuyển hướng sản xuất.”
Trong bảng đánh giá của InfluenceMap, có thể thấy rằng Tesla đang ở một vị trí gần như đối lập hoàn toàn với các hãng xe khác. Tesla được đánh giá điểm B khi có nhiều hoạt động ủng hộ và tuân theo Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement).
Toyota Prius là một trong những mẫu xe lai điện bán chạy nhất toàn thế giới.
Dựa trên đường hướng phát triển hiện tại, InfluenceMap ước tính rằng ngành xe thế giới cần phải đẩy mức sản xuất xe thuần điện lên 80% trong giai đoạn 12 tháng từ năm 2029 đến đầu năm 2030 thì mới có thể kìm hãm nhiệt độ tăng lên ở mức 1,5oC.
Trong khi đó, từ nay đến năm 2029, số lượng xe con sử dụng động cơ đốt trong vẫn sẽ chiếm khoảng 68%. Chuyên gia Ben Youriev chỉ ra rằng chính sách khí hậu của các quốc gia và khu vực trên thế giới chính là chìa khóa quyết định tốc độ của ngành xe tới việc không phát thải.
Nguồn : Source link