Xuống tiền mua một chiếc plug-in hybrid màu bạc của nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD, Mandy Pan thầm nghĩ chắc chắn mình sẽ không hối hận. Dòng Qin Plus này giá cả phải chăng, mức tiêu thụ năng lượng lại thấp, vậy nên xứng đáng để Pan xin bố trả trước khoản vay 5 năm để sở hữu món tài sản trị giá 94.800 nhân dân tệ (13.168 USD).
Thế nhưng, chưa đầy 4 tháng sau, khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vật lộn với cuộc chiến khốc liệt về giá, mẫu Qin Plus của BYD bất ngờ hạ giá 15.000 nhân dân tệ. Pan đã rất sốc.
“Tôi cảm thấy như mình bị lừa mất 15.000 nhân dân tệ. Ít nhất thì họ cũng nên bồi thường cho chúng tôi một chút. Tôi thực sự hối hận khi mua chiếc xe này”, Pan nói.
Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, thị trường xe điện lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu sau đại dịch. Để cải thiện vấn đề, các nhà sản xuất phải giảm giá bán để duy trì doanh số bán hàng, song điều này lại khiến một số chủ xe cảm thấy khó chịu khi xe vừa mua vài tuần đã mất giá. Việc một số công ty xe điện khủng hoảng tài chính cũng khiến hàng nghìn người mua không thể tiếp cận các dịch vụ hậu mãi và bảo trì.
Được biết, các công ty khởi nghiệp xe điện như HiPhi, WM Motor do Baidu hậu thuẫn và Aiways do Tencent hậu thuẫn đều đã hết vốn để duy trì hoạt động. Các thương hiệu khác bao gồm Levdeo và Singulato Motors thì ngậm ngùi tiến hành thủ tục phá sản.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang chuyển từ thời kỳ tăng trưởng không kiểm soát sang hợp nhất. Doanh số hàng năm của ô tô năng lượng mới, bao gồm xe điện và xe plug-in hybrid, dự đoán sẽ tăng 22% vào năm 2024. Tốc độ được cho là chậm hơn so với những năm trước.
Các nhà sản xuất ô tô hiện đang tích cực giảm giá. Kể từ tháng 2, BYD – thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc với doanh số khoảng 2,4 triệu chiếc vào năm 2023 – cũng giảm giá hầu hết các dòng xe của mình. Một phiên bản plug-in hybrid trị giá 79.800 nhân dân tệ (11.112 USD) đã ra đời với khẩu hiệu “Pin rẻ hơn động cơ”.
“Tâm lý chung về nền kinh tế Trung Quốc là không tốt. Vẫn còn quá nhiều thương hiệu và vẫn còn quá nhiều sản phẩm”, Tú Lê, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, nói với Rest of World.
Chính sách giảm giá đến cùng cực khiến các chủ sở hữu xe điện thất vọng, đặc biệt là những người mới mua ô tô thời gian gần đây. Vào tháng 2, nền tảng giám sát chất lượng ô tô 12365auto.com cho biết họ đã nhận được 6.884 khiếu nại về việc thay đổi giá, chủ yếu nhằm vào các thương hiệu xe điện trong nước. Trên trang mạng xã hội Xiaohongshu, các chủ sở hữu BYD còn thành lập các nhóm riêng để thảo luận về cách đòi bồi thường, chẳng hạn như gọi điện cho đại lý hoặc liên hệ với các cơ quan bảo vệ quyền lợi. Họ cho rằng mình đã bị đâm sau lưng.
Ming Yang, chủ sở hữu ô tô ở tỉnh phía đông An Huy, cho biết cô đã mua một chiếc sedan BYD Seal vào cuối năm 2022 với giá 240.000 nhân dân tệ (33.337 USD) để tận dụng trợ cấp của chính phủ. Đến tháng 2, mẫu xe này đã giảm khoảng 40.000 nhân dân tệ (tương đương 5.556 USD).
“Những người bình thường như tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều tháng để kiếm được số tiền này”, Yang bực bội chia sẻ dòng cảm nghĩ.
Theo Zhang Xiang, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Huanghe,
cuộc chiến về giá đã giúp ngành công nghiệp xe điện đông đúc của Trung Quốc loại bỏ dần những công ty nhỏ lẻ. Công ty tư vấn AlixPartners cho rằng chỉ có 25 đến 30 trong số hơn 160 thương hiệu có khả năng duy trì tài chính ổn định vào năm 2030.
“Tại thị trường Trung Quốc, hầu hết các nhà sản xuất xe điện đều lỗ do cạnh tranh khốc liệt. Giá lithium đắt đỏ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tồi tệ, song ngay cả khi giá vật liệu này không tăng lên, lợi nhuận các công ty này vẫn rất tiêu cực”, một nhà phân tích họ Gong nói.
HiPhi nằm trong số đông những công ty không gặp may mắn. Kể từ khi ra mắt mẫu xe đầu tiên vào năm 2020, hãng này thất bại trong việc tăng doanh số, trong khi công ty mẹ Human Horizons phải đình chỉ hoạt động vào tháng 2 mới đây. Người sáng lập Ding Lei cho biết ông dự định dành 3 tháng tới để khám phá các phương án đầu tư và tiếp quản.
Meow Li, người đã mua một chiếc HiPhi Y với giá 369.000 nhân dân tệ (51.263 USD) vào năm 2023, cho biết bản thân cô cảm thấy vô cùng lo lắng. Nếu công ty phá sản, xe của cô sẽ không thể sửa trong trường hợp xảy ra tai nạn.
“Mua hàng từ các công ty khởi nghiệp xe điện chẳng khác nào thực hiện một khoản đầu tư rủi ro”, Sun Fangyuan, người có tầm ảnh hưởng trong ngành ô tô, nói với Rest of World.
Được biết, HiPhi thiếu tiền đến mức các nhân viên phải đi rao bán thực phẩm đông lạnh trên các buổi phát trực tiếp để kiếm thêm thu nhập. Trong buổi livestream gần đây trên ứng dụng chị em của TikTok, Douyin, giám đốc dự án HiPhi, Yang Yueqing, còn nướng bít tết trên bếp điện chạy bằng SUV HiPhi Y để gián tiếp quảng bá sản phẩm.
“Thị trường xe điện Trung Quốc có tiêu chuẩn cao. Một công ty phải huy động đủ vốn, phát triển các sản phẩm đủ mạnh và sở hữu một đội ngũ bán hàng đủ tốt mới có thể tồn tại”, David Zhang, giáo sư rường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Huanghe ở Zhengzhou, tỉnh Hà Nam, cho biết.
Theo: Rest of World, SCMP
Nguồn : Source link